Ngày 10/1, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng và luật sư Trần Mạnh Tùng, thuộc một văn phòng luật sư tại Hà Nội đã đâm đơn khởi kiện Apple về việc hãng sản xuất này cố tình làm giảm hiệu năng thiết bị chai pin mà không thông báo.
Người dùng iPhone các đời máy từ 6 đến 7 Plus đều có thể tham gia khởi kiện bằng cách điền mẫu tại website baterrydown.vn. Sau hơn một tháng đã có 4.616 người tham gia vụ kiện.
Hồ sơ vụ án được gửi đến Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên phía toà án đã dời lịch xét xử hai lần để có thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ.
Ngày 12/2, Toà án nhân dân TP.HCM đã trả lời bằng văn bản yêu cầu phía bị hại cung cấp thêm chứng từ liên quan đến đăng ký kinh doanh của Apple tại Việt Nam, cụ thể là công ty TNHH MTV Apple Việt Nam.
Trả lời Zing.vn, luật sư Trần Mạnh Tùng cho biết việc Apple Inc xin lỗi công khai và thừa nhận lỗi này được đăng tải trên website của hãng. Nhưng trong đó, hãng không đề cập chính sách bồi thường thiệt hại hay giải pháp để nhanh chóng khắc phục lỗi cho người tiêu dùng ở Việt Nam.
Toà án nhân dân TP.HCM đã tiếp nhận đơn kiện từ người dùng iPhone tại Việt Nam. |
"Không những vậy, Apple Inc còn đưa ra khuyến nghị thay pin để đảm bảo hiệu suất máy, làm cho người tiêu dùng thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Việc làm này của Apple không những không phải là giải pháp tích cực cho người tiêu dùng mà còn là một giải pháp mang tính kinh doanh nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận cho bị đơn bằng việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng", phía bị hại cho biết.
"Chúng tôi chỉ yêu cầu Apple đưa ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và ngăn chặn việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở Việt Nam", vị luật sư nói thêm. Tuy nhiên mức thiệt hại và chi phí mong muốn đền bù vẫn chưa được bên đệ đơn đưa ra.
Hồ sơ liên quan đến vụ kiện đã dày hơn 600 trang. |
Ngoài ra tin đồn về việc Apple sẽ cung cấp tính năng bật tắt việc kiểm soát hiệu năng khi thiết bị chai pin ở phiên bản iOS 11.3 sẽ không ảnh hưởng đến hồ sơ vụ kiện. "Hồ sơ vụ kiện nêu ra những sai phạm của Apple trong quá khứ và yêu cầu đền bù, khắc phục thiệt hại. Những động thái sau đó không được xét vào hồ sơ", luật sư Tùng cho biết.
Dự kiến trong một tuần tới, phía bị hại sẽ nhanh chóng hoàn thành các giấy tờ liên quan mà toà án yêu cầu. Hiện tại hồ sơ vụ kiện đã lên tới 600 trang.