Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau Bỉ, Mỹ có an toàn trước khủng bố?

Sau cuộc tắm máu tại Brussels (Bỉ), giới chuyên gia an ninh một lần nữa đặt câu hỏi liệu Mỹ có đối mặt với một vụ tấn công khủng bố quy mô lớn tương tự.

Một cảnh sát Mỹ dẫn chó nghiệp vụ tuần tra ở sân bay O’Hare tại Chicago Ảnh: AP

Sau khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ đánh bom tại thủ đô Bỉ, chính quyền các thành phố Paris (Pháp), London (Anh), Washington (Mỹ).. và nhiều nơi khác lập tức thắt chặt an ninh. Sự lo ngại tại Mỹ càng leo thang bởi tấn công nước Mỹ luôn là mục tiêu tối hậu của Hồi giáo cực đoan.

Mới đây, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson tuyên bố Washington chưa nhận được cảnh báo nào về một âm mưu tấn công quy mô lớn tương tự tại Mỹ. Dù vậy, ông Johnson cho biết Tổng cục An ninh vận tải đã triển khai lực lượng bảo vệ các sân bay và nhà ga ở Mỹ do lo ngại nguy cơ khủng bố theo kiểu “sói cô độc”.

So với châu Âu, Mỹ có lợi thế lớn là có đại dương ngăn cản các tay súng cực đoan đang hoạt động tại Syria và Iraq. Đồng thời, Mỹ không phải vật lộn với số lượng lớn tay súng cực đoan bị IS chiêu dụ như các nước châu Âu. “Tại Mỹ, chỉ có cá nhân bị cực đoan hóa chứ cộng đồng thì không”, báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Seamus Hughes thuộc Trung tâm An ninh Mạng và nội địa của Đại học George Washington.

Không miễn nhiễm

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Soufan Group, tính đến tháng 10/2015 đã có 470 công dân Bỉ tới Syria để gia nhập IS. Chuyên gia Matthew Levitt, giám đốc Chương trình Chống khủng bố và tình báo Stein của Viện Washington, nhận định vụ tấn công Brussels cho thấy ở châu Âu có một mạng lưới cực đoan lớn.

Trong khi đó, Mỹ chỉ có khoảng 250 cá nhân tìm cách gia nhập IS. Giáo sư Charles Kurzman thuộc Đại học North Carolina xác định chỉ có 42 kẻ đến được Syria, Iraq hoặc Libya để trở thành khủng bố. 6 tên đã bị bắt và 20 thiệt mạng. Hàng chục nghi can bị truy tố ở Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ không miễn nhiễm với khủng bố. Tháng 12/2015, vụ xả súng của kẻ cực đoan ủng hộ IS tại San Bernardino, bang California, khiến 15 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương. Các chuyên gia an ninh nhận định hệ thống giao thông Mỹ, đặc biệt các đường tàu điện ngầm rất dễ bị tấn công.

Gần đây, công dân Mỹ Mohamad Khweis, đến từ Alexandria, (bang Virginia), bị lực lượng người Kurd tại Iraq bắt giữ sau khi đào ngũ khỏi IS. Trước đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) không biết gì về Khweis. Một quan chức chống khủng bố đã về hưu của FBI nhận định vụ việc đó cho thấy các tay súng “thánh chiến” đang trở nên thông minh hơn.

Giờ những kẻ cực đoan này không đến thẳng Thổ Nhĩ Kỳ để tuồn vào Syria và gia nhập IS nữa. Để tránh bị phát hiện, chúng di chuyển lòng vòng qua nhiều nước khác nhau. Ví dụ Khweis đến Anh, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi xâm nhập vào Syria.

My doi mat voi nguy co tan cong khung bo anh 1
Cảnh sát Mỹ săn lùng nghi can sau vụ xả súng ở San Bernardino. Ảnh: NYT

Việc những kẻ cực đoan sử dụng thiết bị điện tử mã hóa cũng cản trở các nỗ lực theo dõi của FBI. “Các mục tiêu lẩn khuất trong bóng tối. Đây chính là một điểm mù rất đáng sợ đối với chúng tôi”, cựu quan chức FBI trên thú nhận.

Tấn công không cần IS

FBI đang cố gắng giải mã các liên lạc giữa nghi can Elton Simpson ở Arizona và một thành viên cấp cao của IS. Cách đây một năm, cả hai đã gửi nhiều tin nhắn mã hóa cho nhau trước khi Simpson tấn công khủng bố tại cuộc thi biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad ở Texas hồi năm ngoái.

Simpson và một kẻ khác bị cảnh sát Texas bắn chết. Nghi can thứ 3 Abdul Malik Abdul Kareem vừa bị kết án hỗ trợ IS. “Những kẻ âm mưu tấn công nước Mỹ và người dân Mỹ không còn ở xa nữa”, đặc vụ FBI Justin Tolomeo phụ trách thành phố Phoenix, Texas, cảnh báo.

Các cơ quan an ninh Mỹ có một mạng lưới người báo tin đông đảo ở những nơi bọn khủng bố có thể hoạt động. Và khác với châu Âu, đa phần người Hồi giáo Mỹ sống hòa nhập với xã hội và cộng đồng. Họ từng nhiều lần mật báo cho cảnh sát về hành vi khả nghi của những kẻ cực đoan.

Giới chuyên gia an ninh nhận định nguy cơ khủng bố đáng kể nhất tại Mỹ là các “sói cô độc” bị tiêm nhiễm tư tưởng của IS và quyết định tổ chức tấn công mà không cần sự hướng dẫn của IS từ Syria. Trường hợp điển hình là vụ xả súng ở San Bernardino, California, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương

Hồi tháng 11/2015, một sinh viên 18 tuổi ở Đại học California đâm trọng thương 4 người trước khi bị bắn chết. Cảnh sát xác định sinh viên này “tự cực đoan hoá” và không có quan hệ với bất kỳ tổ chức khủng bố nào.

Do đó, các vụ tấn công khủng bố hoàn toàn có thể xảy ra một cách đầy bất ngờ tại Mỹ.

Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm