Tờ Chicago Tribune nhận định, hàng loạt vụ nổ ở Brussels gây kinh hoàng về quy mô và sự tinh vi của kế hoạch khủng bố, nhưng nó không gây ngạc nhiên. Bởi lẽ Brussels từng phong tỏa thành phố trong nhiều ngày sau vụ khủng bố ở Paris. Thời gian gần đây, Bộ Nội vụ Bỉ cũng liên tiếp cảnh báo về nguy cơ thành phố này sẽ đối mặt với những vụ tấn công đẫm máu. Ngoài ra, trước khi kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris, Salah Abdeslam, sa lưới, y được cho là đã cùng đồng bọn lên kế hoạch những vụ tấn công mới ở Brussels.
Mạng lưới khủng bố phức tạp ở châu Âu
Qua vụ khủng bố đầu tuần này tại Bỉ, Economist cho rằng mối lo ngại lớn nhất chính là việc phát hiện ra mạng lưới các chiến binh theo IS tại nước này, và có lẽ ở rải rác trên khắp châu Âu, đã dài và cắm rễ rất sâu. Để có thể thực hiện hàng loạt vụ tấn công phức tạp, như mới nhất là chuỗi vụ nổ ở Brussels nhằm vào sân bay quốc tế và hệ thống tàu điện ngầm, cho thấy IS có thể huy động sự ủng hộ của hàng trăm người khi cần phát động một vụ tấn công. Trong số những người ủng hộ IS, một số có thể nắm rõ kỹ thuật chế tạo bom, và tất cả đều biết cách liên lạc với nhau trong bí mật để không để lộ sơ hở cho an ninh hoặc tình báo.
Một số ý kiến lo ngại về thời điểm Brussels bị khủng bố không lâu sau khi chủ mưu vụ tấn công Paris, Salah Abdeslam, bị bắt. Tuy nhiên, việc quá chú trọng vào yếu tố này có thể dẫn đến đánh giá thấp quy mô của vụ tấn công ở Bỉ. Trên thực tế, việc bắt Abdeslam có thể xem là "ngòi nổ" khiến nhóm chiến binh đẩy nhanh kế hoạch hành động hơn, khi nó đã được chuẩn bị từ trước vài tuần hoặc vài tháng.
Cảnh sát Bỉ canh gác các địa điểm công cộng sau vụ khủng bố. Ảnh: Reuters |
Một quan ngại khác là về quy mô của mạng lưới tại châu Âu mà IS gầy công xây dựng trong 3 năm trở lại đây, để sử dụng làm cơ sở cho hàng loạt vụ khủng bố ở các thành phố khác nhau. Hiện tại, 18 nghi phạm tình nghi hỗ trợ những kẻ tấn công Paris đã bị bắt ở 6 quốc gia. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Các cơ quan tình báo châu Âu đang đối mặt với một sự kết hợp chết người: hàng nghìn công dân châu Âu bị ảnh hưởng từ tư tưởng cực đoan trên mạng, và bị IS lôi kéo thành công nhờ vào chiến dịch tuyên truyền và thành tích trên chiến trường của chúng; những chiến binh thiện chiến trở về từ Syria và Iraq; và cơ hội để tấn công trên khắp châu Âu nhờ trà trộn trong dòng người tị nạn.
Chuyên môn và kỹ thuật cao
Các nhà điều tra Pháp đang đau đầu vì sự tinh vi của nhóm chiến đấu ở nước ngoài của IS. Lần theo những dấu vết còn sót lại của những kẻ đánh bom liều chết, họ cho rằng chúng đang dùng công nghệ chế tạo thuốc nổ sử dụng triacetone triperoxide, hay TATP. Việc chế tạo hàng loạt thiết bị nổ có TATP, và có thể phát nổ đúng lúc cần thiết, đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao. Tuy nhiên, cảnh sát đến nay vẫn chưa xác định một cơ sở chế tạo bom khả nghi nào, hoặc những nghi phạm rành rẽ kỹ thuật này, vốn có thể là người mà IS trực tiếp cử về từ Iraq hoặc Syria.
Các nghi phạm gây ra vụ khủng bố ở Bỉ được xác định có liên hệ với kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris. Ảnh: Reuters |
Một dấu hiệu khác về năng lực của khủng bố là khả năng bảo mật liên lạc của chúng. Chính quyền Pháp không thể nắm bắt được bất cứ trao đổi đáng ngờ nào vào đêm vụ khủng bố ngày 13/11. Cơ quan tình báo Brussels cũng không có đầu mối xác tín nào để có thể phối hợp với lực lượng an ninh triển khai hành động phòng ngừa, dù Bộ Nội vụ Bỉ liên tục cảnh báo về nguy cơ những vụ tấn công mới. Các thẻ SIM sử dụng một lần mà nhà điều tra thu giữ sau vụ tấn công cũng không cho thấy dấu hiệu của tin nhắn, email... Do vậy, họ kết luận những kẻ khủng bố đã sử dụng phần mềm mã hóa cho tất cả liên lạc điện tử, nhưng không thể xác định chính xác đó là gì.
Qua các vụ tấn công, những chiến binh IS dường như đang đi theo một mô hình khủng bố, đó là gây ra hàng loạt vụ tấn công để các thành phố phải huy động tối đa lực lượng cứu hộ khẩn cấp địa phương. Mục tiêu của chúng hiển nhiên là các "mục tiêu mềm" và nhằm gây ra càng nhiều thương vong càng tốt. Cuối tuần qua, cảnh sát London và lực lượng đặc nhiệm Anh đã tăng cường lực lượng ở khắp thủ đô, trước lo ngại nơi đây có thể là mục tiêu của 10 vụ tấn công khác nhau xảy ra trong cùng một ngày.
Kẽ hở ở châu Âu
Châu Âu đang đối mặt với thực tế rằng IS đã đạt được khả năng có thể gây ra những vụ tấn công quy mô lớn, với tần suất thường xuyên hơn. Tuy nhiên, chính quyền các nước này vẫn chưa thể phản ứng nhanh và mạnh như Mỹ sau vụ 11/9. Khi đó, Washington nhanh chóng nhận ra sự thất bại của hàng loạt cơ quan khác nhau trong việc chia sẻ thông tin tình báo là một trong những sơ hở để khủng bố lợi dụng và tiến hành âm mưu. Việc Mỹ bền bỉ triển khai chiến dịch ngăn chặn những vụ tấn công do phần tử nước ngoài gây ra cũng là kết quả từ bài học sau vụ 11/9.
Tuy nhiên, các kinh nghiệm trên không dễ áp dụng ở châu Âu. Trên thực tế, việc mở cửa biên giới trong khu vực tự do đi lại Schengen cho thấy lẽ ra các nước cần phải thành lập mô hình liên kết tình báo từ lâu. Tại Bỉ, do chia rẽ chính trị giữa hai nhóm ngôn ngữ nên việc hợp tác giữa các cơ quan trong nước diễn ra không suôn sẻ. Cảnh sát châu Âu Europol, cơ quan hành pháp của châu Âu, đã thực hiện tốt chức năng trong việc hỗ trợ trao đổi thông tin và đánh giá. Tuy nhiên, Europol không có quyền tiến hành những cuộc điều tra, và ngân sách thường niên chỉ khoảng 112 triệu USD.
Mối đe dọa từ IS đang buộc cơ quan tình báo ở các nước phải tính đến chuyện hợp tác theo những cách thức khác với quá khứ. Nhưng mỗi nước có sự cách biệt đáng kể về năng lực và hệ thống công nghệ thông tin, khiến việc chia sẻ dữ liệu có thể không hiệu quả. Một câu hỏi khác mà châu Âu phải giải quyết là, liệu việc chia sẻ dữ liệu quy mô lớn như mô hình ở Mỹ có thể được chấp nhận ở châu lục này hay không, dựa trên đánh giá về quyền riêng tư và nhân quyền. Vốn đã trải qua thời phát xít, Đức là một trong những nước phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống giám sát trên cả nước.