Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau 30 năm, khách sạn cao nhất Triều Tiên vẫn chưa hẹn ngày mở cửa

Sau nhiều lần tu bổ, khách sạn Ryugyong cao 300 m, từng được kỳ vọng là biểu tượng tự hào của Triều Tiên để cạnh tranh với Hàn Quốc, vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Vào năm 1987, Triều Tiên khởi công xây dựng khách sạn Ryugyong ở thủ đô Bình Nhưỡng. Với hình dáng của một tòa kim tự tháp, tòa nhà siêu cao tầng được xây cao hơn 300 m, dự kiến bố trí 3.000 phòng khách sạn, cùng 5 nhà hàng siêu sang với góc nhìn toàn cảnh 360 độ.

Khách sạn Ryugyong được đặt theo tên một di tích lịch sử ở thủ đô Bình Nhưỡng. Khách sạn cao 300 m dự kiến mở cửa đón những vị khách đầu tiên chỉ trong vòng 2 năm kể từ ngày khởi công.

Thế nhưng, bánh xe lịch sử đã trêu đùa với số phận của khách sạn Ryungyong. Bất ổn kinh tế, xã hội của Liên Xô và khối Đông Âu, những nhà tài trợ và đối tác chính của Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng không có đủ tiền để thanh toán chi phí khổng lồ xây dựng khách sạn này.

Năm 1992, tức 4 năm sau ngày khởi công, khách sạn mới đạt đến chiều cao như dự tính. Kể từ thời điểm đó, công tác thi công đã đình trệ, khiến Ryugyong trở thành công trình trơ trọi kết cấu xi măng trong suốt 16 năm tiếp theo, và bị gọi với cái tên là "khách sạn bị nguyền rủa".

Di sản Chiến tranh Lạnh

Dẫu chưa bao giờ được Triều Tiên công nhận, việc khởi công xây dựng khách sạn Ryugyong được giới quan sát quốc tế coi là một sản phẩm biểu tượng cho sự đối đầu giữa Hàn Quốc, được Mỹ hậu thuẫn, và Triều Tiên, do Liên Xô viện trợ.

Một năm trước ngày Ryugyong được xây dựng, tập đoàn SangYong của Hàn Quốc đã xây dựng thành công tòa nhà Westin Stamford tại Singapore, khi đó được coi là khách sạn cao nhất thế giới. Cùng lúc đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị tổ chức Olympics mùa hè năm 1988. 

Nhằm đáp trả lại những thành tựu phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật của Seoul, Bình Nhưỡng đã đăng cai tổ chức Lễ hội Thanh niên và sinh viên thế giới năm 1989, phiên bản Olympics dành riêng cho các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa.

Để phục vụ sự kiện này, khách sạn Ryugyong được xây dựng, nhằm chiếm lấy ngôi khách sạn cao nhất thế giới từ tay người Hàn Quốc. Thế nhưng, vì nhiều lý do kỹ thuật, công trình đã không thể được hoàn thiện đúng thời gian của Lễ hội năm 1989.

khach san cao nhat Trieu Tien anh 1
Khách sạn Ryugyong chưa được trang trí ngoại thất năm 2008. Ảnh: Getty.

Ngoài Ryugyong, chính quyền Triều Tiên cũng chi hàng tỷ USD để xây dựng một sân vận động mới, mở rộng sân bay quốc tế ở thủ đô Bình Nhưỡng, xây dựng nhiều hệ thống đường sá đồ sộ. 

Những khoản chi tiêu khổng lồ phục vụ mục tiêu chính trị của Bình Nhưỡng đã đặt những gánh nặng tài chính chồng chất lên nền kinh tế vốn đã không ổn định của Triều Tiên, trong bối cảnh Liên Xô dần suy yếu và sụp đổ, khiến nước này mất đi những nguồn viện trợ và đầu tư sống còn.

Sau khi Liên Xô tan rã, Triều Tiên lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đối với Ryugyong, khách sạn này bị đình chỉ thi công từ năm 1992. Cấu trúc bên ngoài của khách sạn đã hoàn thành, nhưng nội thất hoàn toàn không có, trong khi cần cẩu xây dựng bỏ không trên đỉnh tòa nhà suốt hàng chục năm.

Khởi công lần 2

Sau 16 năm tạm dừng, việc thi công hoàn thiện khách sạn Ryugyong bất ngờ được tái khởi động vào năm 2008, với sự hỗ trợ từ Orascom, một tập đoàn Ai Cập được Bình Nhưỡng lựa chọn để giúp xây dựng mạng 3G của Triều Tiên.

Sau gần 2 thập kỷ phơi sương chịu nắng, cần cẩu đứng trơ trọi trên mái của khách sạn Ryugyong được dỡ bỏ. Các công nhân Triều Tiên, dưới sự hỗ trợ của kiến trúc sư Ai Cập, đã lắp đặt kính và những tấm kim loại vào bề mặt bên ngoài của tòa nhà chọc trời. 

Dự án cải tạo trị giá 180 triệu USD, hoàn thành năm 2011, đã khoác lên khách sạn Ryugyong một diện mạo mới sáng loáng bóng bẩy, không thua kém bất cứ tòa nhà cao tầng nào ở thủ đô Seoul của nước láng giềng Hàn Quốc, đồng thời làm dấy lên hy vọng khách sạn này sẽ sớm đi vào hoạt động.

Cuối năm 2012, tập đoàn khách sạn hạng sang Kempinski của Đức tuyên bố Ryugyong sẽ mở cửa một phần vào giữa năm 2013, dưới sự quản lý của Kempinski. Tuy nhiên, tập đoàn này rút khỏi dự án hợp tác chỉ vài tháng sau đó, tuyên bố việc tham gia thị trường Triều Tiên ở thời điểm đó là "bất khả thi".

khach san cao nhat Trieu Tien anh 2
Khách sạn Ryugyong được hoàn thành lớp kính bao ngoài năm 2011. Ảnh: Getty.

Sự rút lui của tập đoàn Đức càng làm dấy lên những nghi vấn về chất lượng thi công và vật liệu sử dụng tại khách sạn Ryugyong. Nghi vấn này càng có cơ sở khi năm 2014, một căn khu vực ở tầng 23 của khách sạn đã bị sập. Truyền thông Triều Tiên xác nhận vụ việc xảy ra do công tác thi công "không được thực hiện phù hợp".

"Nhìn từ bên ngoài, cấu trúc tòa nhà trông rất ổn, tuy nhiên cấu trúc bên trong thì lại là câu chuyện khác. Do được xây dựng bằng bê tông và đã được thiết kế với thông số kỹ thuật từ thập kỷ 1980, sẽ mất nhiều thời gian để lắp đặt các dịch vụ và hệ thống hỗ trợ cần thiết", Calvin Chua, một kiến trúc sư người Singapore từng tới thăm khách sạn Ryugyong, cho biết.

Simon Cockerell, quản lý trưởng của tập đoàn du lịch Koryo có trụ sở tại Trung Quốc, là một trong số ít người nước ngoài từng được vào bên trong tòa nhà này. Hình ảnh chụp bên trong Ryugyong năm 2012 do Cockerell cung cấp cho thấy khách sạn này hầu như chưa được thi công nội thất. 

"Chúng tôi đi lên phía trên bằng thang máy. Đó là thang máy xây dựng, không phải loại thang máy hiện đại như ở nơi khác, vì vậy mất nhiều thời gian hơn. Có một người vận hành sẽ quyết định thang máy dừng ở những đâu. Chúng tôi đi lên trên cùng, khoảng 99 tầng, chụp vài bức ảnh và quay lại sảnh", Cockerell miêu tả.

Tương lai liệu có tươi sáng?

Ryugyong một lần nữa gây sự chú ý khi đèn LED được lắp đặt ở mặt tiền của khách sạn, biến tòa nhà trở thành màn trình diễn ánh sáng cao nhất thủ đô Bình Nhưỡng. Từ đây, những chương trình tuyên truyền về lịch sử Triều Tiên và những biểu ngữ chính trị lớn liên tục được trình chiếu.

Vài năm qua, nhiều hoạt động xây dựng đã diễn ra tại khu vực xung quanh khách sạn. Hiện nay, người ta có thể đi lại xung quanh và thậm chí tiến vào ngay trước mặt tiền của tòa nhà, tuy nhiên không được phép vào bên trong. Tháng 6/2018, một tấm biển với dòng chữ "Khách sạn Ryugyong" viết bằng tiếng Anh và tiếng Triều Tiên đã được gắn vào tòa nhà.

khach san cao nhat Trieu Tien anh 3
Khách sạn được lắp đặt đèn LED vào năm 2018. Ảnh: Getty.

"Rất khó để trả lời (khi nào khách sạn này mở cửa), bởi dù nó được bao bằng kính, người ta không thể nhìn vào bên trong. Không nghi ngờ gì chuyện đang có gì đó diễn ra. Đây là một tòa nhà rất lớn. Có khả năng là một số phần của khách sạn sẽ được mở cửa trước khi toàn bộ tòa nhà đi vào hoạt động. Nếu đây là tòa nhà của tôi, tôi sẽ tập trung vận hành phần mái và các tầng thấp trước", ông Cockerell nói.

Khách sạn Ryugyong giờ đã không còn là tòa nhà cao nhất trên bán đảo Triều Tiên. Tháp thế giới Lotte ở thủ đô Seoul hoàn thành năm 2017 đã vượt qua Ryugyong gần 240 m về chiều cao. Tuy nhiên, Ryugyong vẫn là tòa nhà cao nhất ở Triều Tiên.

Trong nhiều năm, để tránh sự khó xử, chính quyền Triều Tiên đã loại bỏ khách sạn Ryugyong khỏi những bức hình chính thức về thủ đô Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc lắp dàn đèn LED khổng lồ cho khách sạn Ryugyong là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã lên kế hoạch mới cho tòa nhà này.

"Tôi nghĩ chính phủ Triều Tiên chắc chắn muốn làm gì đó đối với tòa nhà. Tôi đoán là khi họ hoàn thiện tòa nhà, ông Kim Jong Un thực hiện chuyến thị sát và truyền thông nhà nước đưa tin, tòa nhà sẽ được biết đến rộng rãi hơn nhiều so với mục đích ban đầu là biểu tượng tự hào của thủ đô", Will Ripley, nhà báo của CNN tại Bình Nhưỡng, nhận xét.

Triều Tiên lại phóng tên lửa ra biển, lần thứ 5 trong 16 ngày

Quan chức Mỹ và Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên vừa phóng các vật thể được cho là tên lửa ra vùng biển phía đông của nước này.

Ông Kim Jong Un viết thư cho TT Trump, giải thích các vụ thử tên lửa

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông đã nhận được "một lá thư tuyệt vời" từ ông Kim Jong Un, tiết lộ khả năng sẽ có thêm một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong thời gian tới.




Duy Anh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm