Những hành khách Mỹ bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess ở Yokohama hôm 15/2 vui mừng vì nước nhà có kế hoạch đưa họ trở về. Ngay sau đó, họ lại nhận được tin “sét đánh ngang tai” là phải cách ly thêm 14 ngày sau khi về Mỹ. Nhiều người cảm thấy phẫn nộ.
“Điều đó thật khủng khiếp”, Karey Maniscalco, 44 tuổi, đến từ St. George, bang Utah, nói. “Nếu họ muốn giữ chúng tôi cách ly thêm một thời gian, họ nên đón chúng tôi từ 10 ngày trước. Họ nên hoàn thành công việc của họ”.
Điều kiện mới của chính phủ Mỹ đi ngược lại với tuyên bố trước đó rằng một khi hành khách tuân thủ tốt nhất yêu cầu cách ly trên tàu thì họ sẽ không phải cách ly thêm nữa khi về nhà.
“Chúng tôi đang bị giam”
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ hôm 15/2 nói rằng 400 người Mỹ trên du thuyền Diamond Princess sẽ được sơ tán và bay về Mỹ. Hơn 40 người Mỹ nhiễm virus corona sẽ không nằm trong số đó.
Ngày 16/2, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo tiếp tục phát hiện thêm 70 ca nhiễm mới trên tàu, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus corona lên 355 người. Trong số đó, có đến 73 trường hợp không xuất hiện triệu chứng gì.
Đặc biệt, cơ quan chức năng Nhật Bản mới chỉ xét nghiệm 1.219/3.701 người trên tàu, khoảng 30%. Số ca nhiễm liên tục tăng những ngày qua bất chấp những biện pháp cách ly hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu.
Một hành khách đeo khẩu trang kéo vali hành lý khỏi tàu Diamond Princess ở Yokohama, Nhật Bản, tối 16/2. Ảnh: Reuters. |
Maniscalco làm chủ một công việc kinh doanh, cho biết việc cách ly thêm 2 tuần sẽ ảnh hưởng đến công việc của bà. Bà ngờ rằng những người dương tính với virus có thể đã bị nhiễm từ trước khi cách ly. Bà phàn nàn rằng chính phủ Mỹ nên cử các chuyên gia tới ngay từ đầu dù việc cách ly có hiệu quả hay không.
“Họ nên làm điều này ngay ngày đầu tiên”, bà Maniscalco nói, gần như ứa nước mắt. “Bây giờ, 400 công dân Mỹ sẽ phải chịu đựng vì sự bất tài của họ”.
Bà Maniscalco lo lắng không biết liệu chồng bà, một công dân Canada, có thể đi cùng bà hay không.
“Về cơ bản, đó (thời gian cách ly) là một tháng trong cuộc đời của chúng tôi. Chúng tôi đang bị giam cầm”, bà Maniscalco nói thêm. “Và không có lý do chính đáng. Chúng tôi không phải tội phạm”.
“Tại sao không làm sớm hơn?”
Du thuyền Diamond Princess chở 2.666 hành khách và 1.045 thành viên thủy thủ đoàn bắt đầu bị cách ly vào ngày 5/2. Thời gian kết thúc dự kiến vào ngày 19/2 và hành khách sẽ được về nhà. Tuy nhiên, do kết quả xét nghiệm cho thấy số ca nhiễm cao, các chuyên gia cảnh báo có khả năng virus vẫn lây lan trong thời gian cách ly.
Bằng chứng là giới chức Nhật Bản đã nhận thức được điều này và lên kế hoạch sơ tán một số hành khách trước khi thời gian cách ly kết thúc. Những người già trên 80 tuổi và có vấn đề sức khỏe được đưa đến các cơ sở cách ly trên đất liền. Đồng thời, quá trình xét nghiệm được đẩy nhanh.
Chính phủ Mỹ ban đầu ủng hộ cách xử lý của Nhật, sau đó cũng thừa nhận rằng con tàu có thể không phải nơi tốt nhất để giữ chân du khách Mỹ.
Hành khách Mỹ trên xe buýt di chuyển từ tàu ra máy bay. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi rất biết ơn công ty điều hành tàu và chính phủ Nhật Bản đã làm việc vất vả để ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh”, đại sứ quán Mỹ tại Tokyo viết trong email gửi tới người Mỹ trên tàu.
“Tuy nhiên, để làm tròn trách nhiệm của chính phủ đối với công dân Mỹ theo các quy tắc và thông lệ của chúng tôi, cũng như để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế Nhật Bản, chính phủ Mỹ đề nghị thận trọng đưa công dân Mỹ rời tàu, về Mỹ để theo dõi thêm”.
Một số hành khách Mỹ cho rằng quyết định này nên được đưa ra sớm hơn nhiều. “Tại sao họ không xét nghiệm sớm hơn thì bây giờ đã xong rồi?”, hành khách Mỹ Melanie Haering, 58 tuổi, đến từ Tooele, bang Utah, đặt ra câu hỏi mà nhiều người muốn biết.
Virus corona có thể lây trên tàu
Các chuyên gia y tế lo ngại virus vẫn có thể lây lan trên tàu thông qua thủy thủ đoàn hoặc thậm chí qua hệ thống điều hòa không khí, mặc dù thuyền trưởng nhiều lần trấn an hành khách rằng không khí trong cabin của họ rất trong lành. Hơn 20 thành viên phi hành đoàn đã xét nghiệm dương tính với virus corona.
Email của đại sứ quán Mỹ cũng cho biết Bộ Ngoại giao đã làm việc với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cùng các cơ quan khác, để chuẩn bị máy bay đến đón hành khách và chở thẳng đến căn cứ không quân Travis ở California, và căn cứ không quân Lackland ở Texas.
Máy bay đến Nhật Bản vào tối 16/2. Hành khách được kiểm tra các triệu chứng và sau đó di chuyển bằng xe buýt ra máy bay.
“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác Nhật Bản để đảm bảo bất kỳ hành khách nào có triệu chứng không được lên máy bay sẽ được chăm sóc chu đáo ở Nhật”, đại sứ quán Mỹ viết trong email.
Hành khách trên máy bay sơ tán Mỹ tại sân bay Haneda, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
“Khách du lịch trở về Mỹ từ các khu vực có nguy cơ cao được yêu cầu trải qua cách ly. Theo đó, bạn sẽ phải cách ly thêm 14 ngày nữa khi về Mỹ”.
“Chúng tôi hiểu rằng điều này gây khó chịu và xáo trộn, nhưng những biện pháp này phù hợp với các chính sách nghiêm ngặt mà chúng tôi đưa ra để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Những hành khách chọn không bay về Mỹ cũng không thể trở về trong khoảng thời gian tương ứng với cách ly thêm.
Dù vậy, một số hành khách vẫn tỏ ra khó chịu.
“Tôi đã hy vọng được lên máy bay và bỏ mọi thứ lại phía sau nhưng bây giờ phải đối mặt với việc cách ly 14 ngày nữa trong một cơ sở quân đội với các điều kiện mà tôi hình dung là rất khác biệt”, hành khách Spencer Fehrenbacher, 29 tuổi, bộc bạch. “Điều đó thật khủng khiếp”.