Hôm 12/6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son Gwon tuyên bố hy vọng tìm kiếm hòa bình với Hàn Quốc và Mỹ "đã phai mờ chìm vào cơn ác mộng tăm tối", và đàm phán với Tổng thống Trump nay phải nhường chỗ cho việc tập trung vào "một sức mạnh đáng tin cậy hơn để đối phó với mối đe dọa quân trường kỳ từ Mỹ".
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp nhau tại khu vực phi quân sự ở biên giới liên Triều. Ảnh: New York Times. |
Tuyên bố của ông Ri được đưa ra đúng 2 năm kể từ khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp nhau tại Singapore, lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ gặp mặt trực tiếp lãnh đạo Triều Tiên sau gần 70 năm trong tình trạng chiến tranh và đối đầu hạt nhân.
Trong cuộc họp báo ngày hôm đó, Tổng thống Trump tự tin khẳng định ông là tổng thống đầu tiên của Mỹ đàm phán về giải giáp hạt nhân thực sự, với dự đoán tiến trình sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Sáng kiến táo bạo đó, từng được coi là động thái chính sách đối ngoại đặc trưng của Tổng thống Trump, giờ đây hầu như bị quên lãng khi Nhà Trắng đang ngập trong những cuộc khủng hoảng khác tại nước Mỹ, theo New York Times.
Mỹ - Triều ngày càng xa cách
Hai năm sau ngày Tổng thống Trump tuyên bố đầy hào hứng trên Twitter rằng "không còn đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên", các đánh giá mật và chuyên gia bên ngoài chính phủ kết luận kho vũ khí của Triều Tiên giờ đã lớn hơn nhiều so với ngày hai nhà lãnh đạo gặp mặt lần đầu tại Singapore.
Các tính toán khác nhau về con số cụ thể, nhưng đa phần đều kết luận Triều Tiên đã tích lũy đủ vật liệu để xây dựng 20 đầu đạn hạt nhân trong 2 năm qua.
Trong một thời gian, Tổng thống Trump luôn trả lời cho câu hỏi về sự bế tắc của tiến trình hạt nhân Triều Tiên theo cùng một cách, rằng ông duy trì "quan hệ cá nhân tốt đẹp" với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, và nước Mỹ đã rơi vào một cuộc chiến với Triều Tiên nếu ông Trump không can thiệp.
Có thể là như vậy, tuy nhiên, một thực tế không thể phớt lờ là Mỹ vẫn liên tục siết chặt các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng mở các kênh không chính thức với Nga và Trung Quốc để tránh né các lệnh trừng phạt.
Trong khoảng thời gian ấy, Triều Tiên chưa bao giờ chấm dứt làm giàu uranium hay ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Điều duy nhất mà Triều Tiên dường như kiềm chế, đó là không tiến hành các vụ phóng tên lửa có thể vươn tới nước Mỹ, hay thử nghiệm hạt nhân.
Cả Triều Tiên và Mỹ đều đang vật lộn với những vấn đề trên, như đại dịch Covid-19 hay nền kinh tế chịu thiệt hại. Giờ đây, không bên nào định mạo hiểm rơi vào cuộc đối đầu mới.
"Tổng thống Trump tự nhủ đây là một chiến thắng, ông ấy liên tục nhắc tới việc chưa xảy ra chiến tranh", Vipin Narang, chuyên gia hạt nhân từ Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết.
Về phía ông Kim Jong Un, chuyên gia Narang cho rằng đây có thể coi là chiến thắng bởi nhà lãnh đạo này đã giúp Triều Tiên thoát khỏi "sức ép tối đa" từ Mỹ và đồng minh, trong khi "tiếp tục mở rộng lực lượng tên lửa và hạt nhân".
Sáng kiến của Tổng thống Trump ban đầu được tán dương rộng rãi. Sau một phần tư thế kỷ với những cuộc đàm phán cấp thấp kém hiệu quả, cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo dường như làm mới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thế nhưng, cuộc gặp thành công về mặt hình ảnh lại thiếu đi những chi tiết cụ thể, trong khi thỏa thuận đạt được đầy những lỗ hổng và mơ hồ.
Vì thế, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tìm cách thu được một danh sách các cơ sở hạt nhân đang hoạt động của Triều Tiên, như bước đầu tiên hướng tới việc giải giáp, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cáo buộc ông Pompeo đang tìm cách xây dựng "danh sách mục tiêu" cho các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ.
"Tôi chẳng cần một danh sách mục tiêu", ông Pompeo phản pháo, tuyên bố Washington vốn đã có sẵn danh sách mục tiêu. Ông Pompeo lý giải bước đi của mình chỉ nhằm bảo đảm Triều Tiên minh bạch trong tiến trình đàm phán.
Danh sách mà Washington mong muốn không bao giờ được gửi đi. Các cuộc đàm phán sau đó về cách thức tiến hành một thỏa thuận đầy mơ hồ nhanh chóng rơi vào bế tắc.
Triều Tiên quay lại chiến thuật cũ
Trong bài phát biểu năm mới vào tháng 1/2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đe dọa sẽ tìm "hướng đi mới" nếu Washington tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt.
Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hà Nội một tháng sau đó, cuộc đối thoại song phương sụp đổ vì bất đồng liên quan tới thời gian nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Triều Tiên khăng khăng rằng, để đổi lấy nới lỏng trừng phạt, nước này chỉ cam kết dỡ bỏ cơ sở hạt nhân đã qua nhiều năm hoạt động là Yongbyon, đồng nghĩa với duy trì nguyên trạng các cơ sở hạt nhân khác cùng toàn bộ năng lực tên lửa đạn đạo.
Kể từ đó, Triều Tiên đã thay đổi cách tiếp cận, thường xuyên bày tỏ sự giận dữ và thất vọng với Washington và Seoul.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã phải đích thân tới Triều Tiên, đồng thời cổ vũ ông Trump và ông Kim bằng cách gọi hai nhà lãnh đạo là "cặp đôi cả đời người chỉ có một" để đàm phán một thỏa thuận làm nên lịch sử.
"Ông Kim Jong Un kỳ vọng lớn vào các cuộc gặp với Tổng thống Trump, vì vậy ông ấy vô cùng thất vọng khi đối thoại sụp đổ", Lee Byong Chul, chuyên gia về Triều Tiên từ Viện nghiên cứu Viễn Đông trụ sở Seoul, cho biết.
Ông Kim Jong Un thị sát một đơn vị quân đội. Ảnh: KCNA. |
Sau khi tới khởi động các cuộc thử nghiệm tên lửa trong năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong dịp năm mới vừa qua đã nói với người dân Triều Tiên không nên kỳ vọng vào việc nhanh chóng nới lỏng các lệnh trừng phạt, đồng thời cần chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trường kỳ chống Mỹ bằng cách xây dựng một nền kinh tế "tự cung tự cấp".
Nhà lãnh đạo thứ ba trong gia đình họ Kim cũng cảnh báo thế giới sẽ chứng kiến một "vũ khí chiến lược mới" và một "hành động thực sự gây sốc".
Tuy nhiên, cảnh báo của ông Kim đến nay vẫn chỉ là lời hù dọa, khi Triều Tiên chưa ra mắt bất cứ loại vũ khí mới nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán. "Quy mô và mức độ nghiêm khắc trong hành động răn đe của chúng ta sẽ phụ thuộc tương ứng vào thái độ của Mỹ trong tương lai", ông Kim tuyên bố.
Từ đó tới nay, chiến thuật của ông Kim dường như đi theo cách mà hai nhà lãnh đạo tiền bối từng sử dụng, đó là gia tăng căng thẳng khi đàm phán bế tắc, sử dụng giai đoạn đối đầu để mở rộng năng lực hạt nhân và tên lửa, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao.
Tổng thống Trump sẽ thất hứa?
Trong tuyên bố đưa ra hôm 12/6, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Son Gwon nói "có cần thiết giữ lại cú bắt tay ở Singapore hay không".
Ông Ri tuyên bố không còn trông chờ vào những tiến triển có ý nghĩa từ việc "duy trì quan hệ cá nhân giữa lãnh tụ tối cao và tổng thống Mỹ". Thế nhưng, ông Ri cũng không loại bỏ hoàn toàn cơ hội đối thoại trong tương lai với Mỹ.
Bình Nhưỡng trong khi đó đã cắt đứt đường dây liên lạc với Seoul và gọi chính quyền Tổng thống Moon Jae In là "xảo quyệt và phản bội".
Các nhà phân tích cho biết dù Triều Tiên có lịch sử gia tăng căng thẳng trong năm bầu cử tại Mỹ, Bình Nhưỡng biết giới hạn của mình.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều có cú bắt tay lịch sở ở Singapore năm 2018. Ảnh: Times. |
Cheon Seong Whun, cựu giám đốc Viện thống nhất quốc gia tại Seoul, cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thu được nhiều hơn là mất đi trong 2 năm vừa qua, kể từ cú bắt tay lịch sử ở Singapore.
"Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump giúp nâng cao vị thế toàn cầu của ông Kim, trong khi cho ông ấy thêm thời gian để nâng cao năng lực kho vũ khí hạt nhân", ông Cheon đánh giá.
Những tháng qua, rõ ràng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phải vất vả nhờ cậy sự trợ giúp của Trung Quốc, do nền kinh tế vốn mong manh vì các lệnh trừng phạt quốc tế của nước này càng thêm kiệt quệ bởi virus corona.
Thế nhưng, Tổng thống Trump cũng không sẵn sàng mạo hiểm khơi mào cuộc đối đầu mới trong thời điểm đang có quá nhiều thách thức trong nội bộ nước Mỹ.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang vật lộn chống lại đại dịch, xử lý tình trạng thất nghiệp và giải quyết vấn đề đề bình đẳng sắc tội, Nhà Trắng rõ ràng không hứng thú xử lý thêm vấn đề kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Điều này đẩy Tổng thống Trump, người từng hứa hẹn trước khi nhậm chức, sẽ "giải quyết" vấn đề Triều Tiên, vào tình thế tương tự 4 người tiền nhiệm: đối mặt với kho vũ khí hạt nhân không thể giải giáp của Triều Tiên.