Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sát thủ tố Duterte giết 1.000 người sẽ không được bảo vệ

Cựu quân nhân tố cáo ông Duterte ra lệnh giết người theo kiểu giang hồ sẽ không được đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng vì "không có bằng chứng cho thấy mạng sống bị đe dọa".

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị tố cáo ra lệnh giết người theo kiểu giang hồ thời còn làm thị trưởng. Ảnh: Philstar.

CNN hôm 16/9 cho hay cựu sát thủ Edgar Matobato, người tố cáo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh giết trái pháp luật, sẽ không được đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng.

Giải thích về quyết định này, Chủ tịch Thượng viện Koko Pimentel nói rằng "mạng sống của ông Matobato không bị đe dọa".

"Tôi từ chối yêu cầu bảo vệ nhân chứng Matobato bởi Thượng viện không có quy định nào cho việc đó", ông Pimentel viết trên Facebook. "Thậm chí không có bằng chứng cho thấy mạng sống hay sự an toàn của ông ấy bị đe dọa".

sat thu to cao Duterte khong duoc bao ve anh 1
Cựu quân nhân Edgar Matobato trong cuộc điều trần của Thượng viện Philippines hôm 15/9. Ảnh: AP

Quyết định "nhẫn tâm"

Trước đó một ngày, cựu quân nhân Edgar Matobato, từng là thành viên trong "đội sát thủ" của ông Duterte, đã ra làm chứng trước Thượng viện Philippines. Cựu sát thủ tố cáo Tổng thống Duterte ra lệnh giết người theo kiểu giang hồ khi còn làm thị trưởng ở thành phố Davao, miền nam Philippines. Hơn 1.000 người bị giết hại. Theo Matobato, "họ bị giết như gà".

Matobato khai nhận ông từng là thành viên của một nhóm 300 sát thủ có biệt danh "biệt đội tử thần Davao". Đội quân này nhận lệnh trực tiếp từ ông Duterte, tiến hành các vụ "thanh trừng giang hồ".

 

Quyết định của Chủ tịch Thượng viện Pimentel bị một số người chỉ trích là "nhẫn tâm".

"Chúng tôi sẽ xử lý việc này vào thứ hai, nhưng trong lúc này, chúng tôi sẽ phải tìm cách để chắc chắn rằng nhân chứng của chúng tôi được bảo vệ", Thượng nghị sĩ Sonny Trillanes nói với CNN.

Cũng trong hôm 16/9, Mỹ và một số tổ chức quốc tế lên tiếng yêu cầu Philippines mở cuộc điều tra với Tổng thống Duterte.

Những người kêu gọi cho rằng các vụ giết người được nhắc đến ở Davao, nơi ông Duterte giữ chức thị trưởng trong hơn 20 năm, là "hình mẫu" lan rộng trên toàn Philipines từ khi ông Duterte trở thành tổng thống.

"Đây là những cáo buộc nghiêm trọng và chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng", South China Morning Post dẫn lời phó phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong khi đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) của Mỹ thúc giục Manila nhanh chóng để Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra những cáo buộc này.

"Tổng thống Duterte không thể tự tổ chức điều tra được, vì vậy việc để Liên Hợp Quốc phụ trách việc này là rất quan trọng", Giám đốc châu Á Brad Adams của HRW nói.

Đến nay, Tổng thống Philippines vẫn chưa đưa ra bình luận về sự việc. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông phủ nhận mọi cáo buộc còn Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre cho những cáo buộc là "dối trá và bịa đặt".

Nhân chứng không đáng tin?

Một vài người đã lên tiếng cho rằng những lời khai của ông Matobato là "không đúng sự thật", trong đó có Paolo Duterte, con trai tổng thống Philippines và hiện là phó thị trưởng của thành phố Davao.

Ông Paolo bị tố cáo đã ra lệnh giết doanh nhân giàu có Richard King do cả hai "cùng tranh giành một phụ nữ". Tuy nhiên, cố vấn luật của gia đình ông King, Deolito Alvarez, cho rằng những cáo buộc này là "hoàn toàn sai trái".

"Tôi tin rằng những kẻ đang bị truy tố trước tòa chính là thủ phạm. Lời khai của ông Matobato nhằm gây rối và lồng ghép yếu tố chính trị vào công lý là không đúng sự thật", ông Alvarez khẳng định qua tin nhắn với CNN.

Phản ứng trước cáo buộc, ông Paolo Duterte đã gửi đi một thông báo, cho rằng "những gì bà Lima và ông Matobato nói là những cáo buộc rỗng tuếch và vô căn cứ". Ông Paolo khẳng định "họ chỉ nghe đồn đại" và ông "sẽ không coi trọng cáo buộc của một kẻ điên".

sat thu to cao Duterte khong duoc bao ve anh 2
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị tố cáo ra lệnh giết người theo kiểu giang hồ thời còn làm thị trưởng. Ảnh: Philstar.

Lời khai của ông Matobato xuất hiện trong bối cảnh thượng viện Philippines đang điều tra về những vụ giết người không qua xét xử trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy mà ông Duterte phát động ngay sau khi lên nắm quyền. Đến nay, khoảng 3.000 người đã chết trong các cuộc truy quét của cảnh sát, nhiều trong số đó được cho là giết người trái pháp luật.

Theo điều tra vào năm 2012 của Ủy ban Nhân quyền, từ năm 2005 đến 2009, việc giết người không qua xét xử tại Philippines là một "thực tế mang tính hệ thống". Những vụ giết người được cho là do một hoặc nhiều nhóm mà truyền thông gọi là "biệt đội tử thần Davao" tiến hành.

Báo cáo điều tra cũng kết luận có một "sự thất bại mang tính hệ thống trong việc điều tra những vụ giết người nói trên của quan chức địa phương". Đồng thời, báo cáo chỉ ra rằng bằng chứng cho thấy cảnh sát hay chính quyền địa phương dính líu đến việc giết người không qua xét xử là cực kỳ hiếm hoi.

Chiến dịch 'hành quyết không cần xét xử' ở Philippines Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ không nương tay cho đến khi tên trùm ma túy cuối cùng đầu hàng, bất chấp những cáo buộc vi phạm nhân quyền khi “hành quyết không cần xét xử".

Cựu sát thủ tố Duterte sai giết 1.000 người kiểu giang hồ

Ông Duterte được cho là đã ra lệnh giết người bằng cách cho cá sấu ăn thịt thời còn làm thị trưởng Davao. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines phủ nhận tất cả cáo buộc này.

'Donald Trump của Philippines' và những phát ngôn gây sốc

Rodrigo Duterte mới nắm quyền lãnh đạo Philippines trong vài tháng nhưng những phát ngôn gây sốc của ông đã thổi bùng lên những tranh cãi và tạo ra các sự cố ngoại giao.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm