Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Sát sinh thạch' đột ngột bị vỡ ở Nhật Bản

Tảng đá nổi tiếng trong truyền thuyết bị vỡ ở Nhật Bản. Giới chức kết luận nó bị khí sulfur và nước mưa thấm vào nhưng nhiều người vẫn lo lắng giữa lúc thế giới gặp nhiều biến cố.

da sat sinh bi vo o Nhat Ban anh 1

Giữa lúc thế giới đang trải qua những biến cố như đại dịch Covid-19 hay xung đột ở Ukraine, liệu chúng ta có nên lo lắng về "linh hồn của một con hồ ly" bị giải phóng khỏi khu rừng ở Nhật Bản?

Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn tin vào phiên bản nào của truyền thuyết cổ này.

Truyền thuyết 900 năm

Đầu tháng này, một tảng đá núi lửa tại Công viên Quốc gia Nikko ở Nhật Bản đã vỡ làm đôi một cách tự nhiên.

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng chú ý nếu như đây là một tảng đá bình thường.

Tảng đá này còn hơn cả đặc biệt! Nó là nhân vật chính trong một truyền thuyết được cho là bắt nguồn từ những sự kiện diễn ra khoảng 900 năm trước.

Trước khi vỡ, tảng đá cao khoảng 1,8 m và có chu vi gần 8 m. Theo hướng dẫn viên du lịch tại công viên Nikko, tảng đá từ lâu đã được gắn liền với một truyền thuyết nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản, rằng nó là nơi trú ngụ linh hồn của một con hồ ly tinh.

da sat sinh bi vo o Nhat Ban anh 2

Hòn đá "sát sinh" ở Công viên Quốc gia Nikko, cách Tokyo khoảng 160 km về phía bắc, đã vỡ đôi một cách tự nhiên hồi đầu tháng này. Ảnh: Alamy Stock.

Tảng đá được gọi là sesshoseki - sát sinh thạch - và được cho là gây nguy hiểm cho cả con người và những động vật khác trong công viên.

Một số người đã suy diễn và cho rằng việc tảng đá vỡ đôi là dấu hiệu cho thấy linh hồn của yêu quái đã được giải phóng, và con hồ ly tinh được tự do sẽ mang lại vận xui cho cả thế giới.

Tuy nhiên, những người khác tin rằng có một phiên bản khác của câu chuyện dân gian, khi một nhà sư đến đập vỡ tảng đá và bắt con hồ ly hứa rằng nó sẽ không làm hại con người nữa.

Trên mạng xã hội, mọi người đưa ra nhiều giả thiết về ý nghĩa thực sự khi tảng đá "sát sinh" bị vỡ. Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản cũng đặt ra câu hỏi về việc sự kiện này liệu sẽ đem đến điều tốt lành hay là sự xui xẻo.

Ông Nick Kapur, giáo sư về lịch sử Nhật Bản tại Đại học Rutgers, cho rằng những lo lắng về tảng đá chẳng qua là sự phản ánh tâm trạng của chúng ta đối với những gì đang diễn ra trên thế giới.

"Có một cảm giác về niềm tin chung của thời đại, một cảm giác tận thế, với virus corona và cuộc xung đột ở Ukraine. Mọi người đang cảm giác như là, 'Tại sao những thứ này lại xảy ra vào lúc này?' Vì vậy việc tảng đá vỡ vào thời điểm này khiến nhiều người thấy lo lắng", ông Kapur nhận định.

Truyền thuyết về con hồ ly 9 đuôi bắt nguồn từ những sự kiện có thật xảy ra vào thế kỷ 12 ở Kyoto - khi đó là kinh đô của nước Nhật. Các học giả thì nói rằng những ghi chép đầu tiên về câu chuyện này xuất hiện vào thế kỷ 15.

Truyện kể lại rằng Hoàng đế Toba (một nhân vật lịch sử có thật) sau khi truyền ngôi lại cho con trai, đã bị quyến rũ và mê hoặc bởi một người phụ nữ có tên là Tamamo no Mae.

Khi Toba lâm bệnh nặng, thầy phép của hoàng gia phát hiện ra rằng Tamamo thực chất là một con cáo 9 đuôi dưới vỏ bọc của một phụ nữ. Người đàn bà bỏ chạy vào rừng và bị các chiến binh hoàng gia đuổi theo. Sau khi chết vì tên bắn, Tamamo hóa thân thành một tảng đá - chính là tảng đá vừa mới vỡ đôi ở Công viên Quốc gia Nikko.

da sat sinh bi vo o Nhat Ban anh 3

Truyền thuyết về hoàng đế Toba và hồ ly 9 đuôi được ghi chép rất nhiều trong văn học dân gian Nhật Bản. Ảnh: Metropolitan Museum of Art.

Trong lịch sử, cái chết của cựu Hoàng đế Toba đã dẫn đến một giai đoạn khủng hoảng vì cạnh tranh quyền lực ở Nhật Bản, với các samurai và chiến binh giao tranh liên tục.

"Rất có thể, câu chuyện về Tamamo no Mae bắt nguồn từ thế giới thực của nền chính trị cung đình", học giả Janet Goff viết trong một bài luận năm 1997 về loài hồ ly trong văn hóa Nhật Bản.

Một phiên bản khác của truyền thuyết này - thường xuất hiện trong các vở kịch và tranh cổ - có cái kết có hậu hơn. Theo đó, một ngày nọ có một vị thiền sư đi ngang qua hòn đá và bắt gặp một phụ nữ. Người phụ nữ cảnh báo ông rằng nếu đến gần tảng đá, ông sẽ bị giết chết, giống như số phận của các con vật dám làm điều đó.

Người phụ nữ sau đó thừa nhận mình chính là linh hồn bên trong tảng đá. Nhà sư cuối cùng đập vỡ tảng đá bằng cây gậy của ông, còn con hồ ly sau đó hứa rằng sẽ không làm hại con người nữa, rồi biến mất mãi mãi.

Ông Kapur, giáo sư sử học ở Đại học Rutgers, cho biết trong nhiều thế kỷ, truyền thuyết kiểu này phản ánh thành kiến với phụ nữ trong xã hội Nhật Bản, khi các nhân vật nữ thường bị đổ tội là nguyên nhân gây ra chia rẽ chính trị hay sự sụp đổ của các vương triều.

Nhưng trong văn hóa hiện đại Nhật Bản, khi cáo 9 đuôi xuất hiện trong truyện tranh manga hay phim hoạt hình anime, thì những nhân vật kiểu này được mô tả một cách "người" hơn, với cảm xúc chân thật và mong muốn được yêu thương.

"Vẫn có những dấu hiệu của cái ác, nhưng hồ ly (trong văn hóa hiện đại Nhật Bản) giống với một kiểu nhân vật phản anh hùng. Thật thú vị khi có sự biến đổi từ một kiểu nhân vật phản diện thường thấy để trở thành một người mà bạn ngưỡng mộ hoặc muốn kết bạn", ông Kapur nói thêm.

Điềm lành hay điềm dữ?

Tại Công viên Quốc gia Nikko, khu vực có tảng đá "sát sinh" nằm giữa cánh rừng, xung quanh rải rác là các suối nước nóng lưu huỳnh. Kiểm lâm tại công viên đã chụp lại các vết nứt trên tảng đá trong nhiều năm, và giới chức địa phương kết luận tảng đá vỡ một cách tự nhiên, do khí sulfur và nước mưa thấm vào.

"Tảng đá là một tài sản văn hóa được chính phủ bảo vệ, vì vậy chúng tôi không thể quyết định sẽ làm gì với nó. Nhưng từ quan điểm bảo trì, chúng tôi cho rằng hòn đá nên được để nguyên như vậy vì nó vỡ ra một cách tự nhiên", bà Riko Kitahara, quản lý công viên, cho biết.

Tảng đá được chính quyền tỉnh Tochigi công nhận là di sản văn hóa vào năm 1957, và chính phủ Nhật Bản đã xúc tiến để khuôn viên nơi có tảng đá trong công viên trở thành địa điểm du lịch. Tảng đá được cho là một phần của nhiều tảng đá hình thành sau khi nhà sư đập vỡ tảng đá có chứa linh hồn cáo 9 đuôi.

Nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 17 của Nhật Bản là Matsuo Basho từng nhắc đến tảng đá khi viết về chuyến đi đến địa điểm này. Ông mô tả hòn đá tỏa ra khói độc và ở trên mặt đất là vô số côn trùng bị chết, nhiều tới mức bạn "không còn nhìn thấy màu của cát".

Ông Masahru Sugawara, 83 tuổi, người là tình nguyện viên hướng dẫn du lịch tại Công viên Quốc gia Nikko, cho biết việc nhà thơ Basho đề cập đến tảng đá chính là một trong những lý do khiến nó thu hút du khách. Ông Sugawara cũng nói thêm rằng có nhiều con vật đã chết vì khí độc ở khu vực xung quanh tảng đá khi đến đây vào mùa đông.

"Như Matsuo Basho đã viết, đó là một nơi đáng sợ", ông Sugawara nói.

da sat sinh bi vo o Nhat Ban anh 4

Trước khi vỡ làm đôi, tảng đá là điểm đến du lịch hút khách trong công viên Nikko. Ảnh: Japan Travel.

Trong văn hóa Nhật Bản, việc thảo luận về những gì được cho là vận xui - bản thân nó cũng là một hành động gây xui xẻo. Vì vậy dù mọi người có tin rằng việc tảng đá bị vỡ sẽ mang lại xui xẻo, họ cũng sẽ hiếm khi chia sẻ ý kiến của mình với người khác.

Ở chiều còn lại, nhiều người cũng lên tiếng để bày tỏ niềm tin rằng sự kiện này có thể đem lại những điều may mắn. Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, hiệp hội du lịch địa phương cho biết họ hy vọng việc tảng đá bị vỡ sẽ là "điềm báo tốt lành" và con cáo 9 đuôi có lẽ sẽ "chế ngự được virus corona và tình hình thế giới hiện tại.

Ông Masaki Akutsu, quan chức thị trấn Nasu gần công viên, nói với báo Asahi Shimbun rằng ông hy vọng con hồ ly được thả tự do để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

"Đây là sự khởi đầu của một huyền thoại mới về sát sinh thạch", ông nói.

'Cá sấu' đe dọa văn hóa tắm khỏa thân ở Nhật Bản

Việc ngày càng nhiều phụ nữ cảm thấy không thoải mái trước những hành động của nam giới "cá sấu" trong phòng tắm công cộng khiến văn hóa tắm chung của Nhật Bản đang bị đe dọa.

Nhà hàng sushi, chợ cá chịu đòn ngược do lệnh trừng phạt Nga

Dù nằm cách vùng xung đột ở Ukraine hàng nghìn cây số, các nhà hàng sushi và chợ cá ở Nhật Bản đang "chịu đòn" bởi các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tokyo áp đặt lên Nga.

Sơn Trần

theo New York Times

Bạn có thể quan tâm