Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cá sấu' đe dọa văn hóa tắm khỏa thân ở Nhật Bản

Việc ngày càng nhiều phụ nữ cảm thấy không thoải mái trước những hành động của nam giới "cá sấu" trong phòng tắm công cộng khiến văn hóa tắm chung của Nhật Bản đang bị đe dọa.

Tiếng kêu của cánh cửa đẩy ngang là dấu hiệu cho thấy đang có những vị khách mới bước vào khu vực tắm chung. Tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng có tuổi đời 140 năm này ở tỉnh Gunma, các phòng tắm đều dành cho cả khách nam và khách nữ, ngoại trừ hai giờ trong ngày chỉ dành riêng cho nữ giới.

Nhưng bất chấp điều đó, hầu hết khách trong ngày này đều là những vị khách nam.

van hoa tam chung nam nu o nhat ban anh 1

Việc tắm chung ở suối nước nóng onsen từng rất phổ biến trong xã hội Nhật Bản. Ảnh: Sukayu Onsen.

Khách nữ khó chịu vì "cá sấu"

Sự thiếu vắng các vị khách nữ dường như đã chứng minh điều mà truyền thông Nhật Bản đưa ra gần đây. Đó là việc văn hóa tắm chung nam nữ - konyoku - đang dần biến mất khỏi các nhà tắm công cộng và khu du lịch suối nước nóng trên khắp đất nước.

Konyoku là loại hình tắm onsen không phân biệt giới tính và nó từng là một phần quan trọng của văn hóa và xã hội Nhật Bản.

Thế nhưng, theo thời gian, số lượng konyoku tại đất nước Mặt Trời mọc đã giảm đáng kế. Từ hơn 1.200 cơ sở vào năm 1993, Nhật Bản chỉ còn khoảng 500 onsen không phân biệt giới tính.

Việc ít xuất hiện khách nữ tại những cơ sở này được cho là bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều "cá sấu" (wani) - từ dùng để miêu tả những vị khách nam có hành động khiến cho khách nữ cảm thấy không thoải mái, ví dụ như nhìn chằm chằm vào họ.

"Chúng tôi không biết phải làm thế nào từ ngày này qua ngày khác", một chủ onsen chia sẻ với tờ Asahi Shimbun về những khó khăn trong việc xử lý các vi phạm của một số khách nam.

Tình hình tệ tới mức các chủ cơ sở onsen đã phải làm việc với các cơ quan quản lý nhằm đưa ra các biện pháp để bảo vệ nét văn hóa này.

"Vấn đề chính là từ các vị khách nam", ông Yasuhiko Kobayashi, một người từng sách hướng dẫn du lịch về các nhà tắm onsen tốt nhất ở Nhật Bản, nhận xét.

"Có những trường hợp đàn ông cố bắt chuyện với phụ nữ, hỏi vê quê quán của họ và nhiều thứ khác. Họ có xu hướng làm điều đó nhiều hơn sau khi uống rượu", ông Kobayashi nói với Guardian.

Rõ ràng là những vị khách nữ không thoải mái về việc này. Để hạn chế tình trạng tương tự, các chủ nhà tắm đã lắp màn che giữa hai bên để các khách nam không nhìn được khách nữ, mặc dù họ vẫn dùng chung một bồn tắm.

Ở những cơ sở như thế này, cả khách nam lẫn khách nữ cũng được yêu cầu mặc đồ tắm để che khu vực nhạy cảm trên cơ thể, thay vì chỉ mang vào một chiếc khăn tắm như truyền thống.

Tuy nhiên, những người bảo thủ cho rằng yêu cầu này sẽ hạn chế cái cảm giác tự do khi được ngâm mình trong dòng nước suối giàu khoáng chất.

van hoa tam chung nam nu o nhat ban anh 2

Ngày càng có ít khách nữ dùng các phòng tắm chung vì không thoải mái với hành vi của khách nam. Ảnh: Suyaku Onsen.

Tại một trong những cơ sở như vậy tại Sukayu, khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ngoài trời ở miền Bắc Nhật Bản, các du khách có vẻ không mấy bận tâm với quy định mới về trang phục này. Ở những phòng tắm chung tại đây, khách nam mặc quần tắm dài đến đầu gối, còn khách nữ mặc yuami - bao gồm cả quần và áo cộc tay.

Đây là một sáng kiến từ chính quyền được cho là nhằm giúp phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn trong các phòng konyoku.

"Tôi không còn phải lo lắng về việc bị nhìn ngó. Tôi có thể ngồi xuống và tận hưởng onsen", một vị khách nữ chia sẻ.

Sự đi xuống của các tiêu chuẩn trong xã hội Nhật

Trong một cuộc khảo sát của chính quyền ở khu vực phía đông bắc Nhật Bản - vốn có nhiều suối nước nóng - 75% phụ nữ được hỏi cảm thấy không thoải mái khi tắm chung. Nhưng 81% nói rằng họ sẽ không còn thấy khó chịu nếu cả nam và nữ đều có trang phục tắm che một phần cơ thể.

Chính quyền các khu suối nước nóng khác cũng bắt đầu đưa ra quy định tương tự. Một chủ sở hữu gần đây đã thử nghiệm áp dụng quy định trang phục mới này, và cho biết nếu nó giúp nhiều khách nữ đến với cơ sở onsen của ông, thì sự thay đổi sẽ là vĩnh viễn.

Một suối nước nóng khác ở phía nam Nhật Bản thì chứng kiến khách nữ tăng 10% lên 80% sau khi áp dụng quy định tương tự.

"Bằng cách khuyến khích sử dụng quần áo tắm, chúng tôi hy vọng sẽ xoa dịu những lo lắng của mọi người, để họ có thể tận hưởng văn hóa konyoku, không phân biệt thế hệ hay giới tính", một quan chức quản lý nói với báo Yomiuri Shimbun.

Tắm khỏa thân hỗn hợp đã được chấp nhận rộng rãi trong xã hội Nhật Bản từ thời Edo (1603 -1868) và tồn tại cho đến tận cuối thế kỷ 19. Khi đó chính quyền cấm việc tắm chung vì lo rằng nó sẽ khiến người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ, có quan niệm sai lầm về ý thức của người dân địa phương.

Tuy nhiên đến sau Thế chiến 2, các thành phố của Nhật bị bom Mỹ tàn phá nặng nề, và người dân không có nhiều lựa chọn trong việc tắm nước nóng, ngay cả khi phải khỏa thân trước mặt hàng xóm. Điều này dẫn đến sự hồi sinh của văn hóa tắm chung.

Đến năm 1964, khi nước Nhật đăng cai Thế vận hội mùa hè, chính quyền Tokyo lại cấm konyoku và chỉ cho phép trẻ dưới 10 tuổi được tắm chung. Vào thập niên 1990, độ tuổi tối đa áp dụng với khách konyoku giảm còn 7.

Ông Kobayashi, người đã trải nghiệm khoảng gần 3.000 cơ sở onsen trên khắp Nhật Bản, cho rằng có nguyên nhân sâu xa cho việc suy giảm về cách cư xử của khách tắm konyoku.

Theo ông, trong xã hội Nhật Bản hiện nay bắt đầu xuất hiện nhiều hơn thái độ thiếu quan tâm đến người khác.

van hoa tam chung nam nu o nhat ban anh 3

Sảnh vào phòng tắm chung ở Sukayu, với tấm biển yêu cầu các khách nam không được có hành vi xấu. Ảnh: Sukayu Onsen.

"Mọi người nghĩ rằng nếu có điều gì đó không bị cấm, thì họ có thể làm theo ý mình", ông Kobayashi cho hay.

"Khi người nước ngoài bắt đầu đến Nhật Bản vào cuối những năm 1800, việc tắm khỏa thân hỗn hợp là một trong những điều khiến họ thực sự ngạc nhiên. Nhưng đó là thời kỳ của sự khoan dung và tôn trọng ở Nhật Bản. Xã hội Nhật Bản khi đó an toàn và hòa bình. Sự suy giảm của văn hóa konyoku là bằng chứng cho thấy các tiêu chuẩn đang đi xuống", nhà nghiên cứu văn hóa này nhận định.

Về các vách ngăn và quy định mặc đồ tắm, ông Kobayashi cho rằng những thứ này sẽ làm giảm giá trị của những gì đáng lẽ ra là một trải nghiệm nên được chia sẻ một cách thuần khiết.

"Điều đó có nghĩa là các onsen đang dần mất đi sức hấp dẫn riêng. Đó là điều thật sự đáng xấu hổ", ông Kobayashi nói.

Nhà hàng sushi, chợ cá chịu đòn ngược do lệnh trừng phạt Nga

Dù nằm cách vùng xung đột ở Ukraine hàng nghìn cây số, các nhà hàng sushi và chợ cá ở Nhật Bản đang "chịu đòn" bởi các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tokyo áp đặt lên Nga.

Trận động đất gợi lại ký ức đau lòng tại Nhật Bản

Chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm 11 năm thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân năm 2011, Nhật Bản lại đón nhận một trận động đất lớn, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.

Sơn Trần

theo Guardian

Bạn có thể quan tâm