Trong thời gian gần đây, lần lượt cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT (công ty mẹ của Vinaphone) đều triển khai đăng ký thêm ngành nghề "Trung gian thanh toán".
Đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà là động thái dọn đường cho việc ứng dụng thanh toán bằng tài khoản thuê bao di động (Mobile Money), dịch vụ cho phép chủ thuê bao di động thanh toán trực tiếp các giao dịch giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông.
Miếng bánh nghìn tỷ đồng mỗi năm
Đầu tháng 10/2019, MobiFone đã nộp đề án xin cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán lên Ngân hàng Nhà nước với hạn mức đề xuất dưới 500.000 đồng/giao dịch và không hạn chế số lần giao dịch.
Nhà mạng này cũng bổ sung ngành nghề kinh doanh "Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán" để rộng đường triển khai Mobile Money.
Cả 3 nhà mạng lớn đều mong muốn có miếng bánh đáng kể khi triển khai dịch vụ Mobile Money, dự kiến mang về nghìn tỷ mỗi năm. Ảnh: Ngô Minh. |
Hai nhà mạng còn lại là Viettel và VNPT cũng đã có giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, chuẩn bị cho cuộc đua mới trong bối cảnh thị trường viễn thông đã bão hòa và thị phần không có sự dịch chuyển đáng kể.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ cho phép thí điểm cho các nhà mạng triển khai Mobile Money. Trong dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ Mobile Money bước đầu, Ngân hàng Nhà nước dự kiến quy định hạn mức giao dịch cho Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng, sau đó sẽ có điều chỉnh phù hợp khi thị trường phát triển.
Nếu dịch vụ này được triển khai thành công, mỗi số điện thoại sẽ có khả năng thanh toán tương tự một tài khoản ngân hàng. Chỉ sau một đêm, Việt Nam sẽ có thêm 130 triệu tài khoản thanh toán, sức ép cho các ngân hàng truyền thống là không hề nhỏ.
Nhiều chuyên gia nhận định, Mobile Money được coi là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Dịch vụ này đang được triển khai thành công tại nhiều quốc gia đang phát triển, mang lại khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dùng tại những khu vực có hạ tầng chưa phát triển, là nhóm khách hàng mà các ngân hàng truyền thống chưa thể tiếp cận.
Thanh toán trà đá, gửi xe bằng tài khoản nghe gọi
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động trong quý I/2019 cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng lần lượt 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Số liệu từ Hiệp hội cũng cho thấy số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng lần lượt 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018.
Phía nhà mạng nhận định triển khai Mobile Money sẽ không gây đối đầu với ngân hàng mà còn bổ trợ cho ngân hàng truyền thống trong thanh toán nhỏ lẻ. Ảnh: MIT. |
Dù tăng trưởng thanh toán điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới, song theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), con số này vẫn rất thấp so với thế giới.
Tại một tọa đàm về triển khai Mobile Money giữa tháng 10, ông Hải lấy ví dụ về việc thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt với hình thức COD (hàng đến thanh toán bằng tiền mặt) chiếm tới 90% lượng giao dịch.
Các chuyên gia tại tọa đàm này cũng cho rằng việc triển khai thanh toán bằng tài khoản di động sẽ tạo nên bước nhảy vọt về thanh toán không tiền mặt và đặt kỳ vọng về một tương lai thanh toán trà đá, tiền gửi xe bằng tài khoản nghe gọi viễn thông.
Về việc nhà mạng muốn làm "việc của ngân hàng", lãnh đạo một công ty triển khai Mobile Money thuộc một nhà mạng chia sẻ chính ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ việc nhà mạng làm trung gian thanh toán.
"Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những khoản thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày. Với năng lực về công nghệ, hạ tầng, con người, các nhà mạng sẽ đào tạo người dân quen với thanh toán điện tử, quen với món chi tiêu vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hàng ngày và khi họ cần chi tiêu những món lớn hơn như mua điện thoại, TV, mua nhà mua xe, họ sẽ nghĩ đến ngân hàng", vị này khẳng định.
"Nếu được cấp phép dịch vụ Mobile Money thì chỉ 'qua 1 đêm' tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt", vị này nói thêm.
Trước đó tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong nửa cuối năm 2019 là thử nghiệm Mobile Money.
Bộ trưởng Hùng cũng cho biết dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động đang được Bộ TTTT và Ngân hàng Nhà nước xúc tiến nhằm triển khai rộng khắp tại thị trường Việt Nam, cho phép người dùng sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán.