Theo đó, 5 thành phố được chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông và vận tải công cộng phục vụ đề án "đi xe đạp" gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Theo chỉ đạo này, Bộ Giao thông có nhiệm vụ triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp, đồng thời điều tiết phương tiện vào trung tâm các thành phố. Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính được giao sửa đổi các quy định có liên quan đến thu và quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ, phí trông giữ xe, ban hành hướng dẫn về giá dịch vụ trông giữ xe tại các thành phố lớn theo hướng giá dịch vụ giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành.
5 thành phố lớn sẽ sử dụng xe đạp thay xe máy để giảm ùn tắc giao thông. |
Các nhà đầu tư sẽ có những chính sách ưu đãi về quỹ đất, bãi đỗ xe, xây dựng các trung tâm quản lý và điều hành giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Trước đó, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Cơ quan này đã kiến nghị thành phố hỗ trợ vay từ Quỹ xúc tiến thương mại để khảo sát thực trạng sản xuất xe đạp, tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.
Theo cơ quan này, tại Hà Nội hiện nay, sự phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm. Mặt khác nhiên liệu xăng dầu - nguồn năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, phát triển xe đạp trong giao thông, đô thị sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả.
Lãnh đạo phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ý tưởng đề xuất này bắt nguồn từ những nhìn nhận đánh giá tình hình giao thông tại một số thành phố phát triển, đông dân cư trên thế giới.
Nhiều thành phố phát triển trên thế giới rất giàu có nhưng lại có tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp rất nhiều. Chính quyền các thành phố này vẫn luôn tìm cách giảm bớt lưu lượng ô tô, xe máy tham gia giao thông đô thị nhằm giảm ùn tắc,
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc đưa xe đạp trở thành phương tiện lưu thông chủ yếu tại các thành phố lớn có thể giảm ô nhiễm môi trường song không thể giảm ùn tắc. Bởi, trên thực tế, tốc độ của xe đạp thấp, dễ gây ùn ứ cục bộ nên nếu nhiều người sử dụng xe đạp cùng lúc có thể gây tắc đường cao hơn.