Bên cạnh hậu quả ô nhiễm không khí nghiêm trọng, số lượng phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều trên đường phố cũng khiến việc đi làm của nhiều người dân Bắc Kinh vô cùng vất vả. Do quy định cấm xe máy ở thủ đô nên hiện nay người Bắc Kinh chỉ còn cách lựa chọn xe đạp, ô-tô, hoặc tàu điện ngầm để đến chỗ làm.
Cảnh tắc đường trầm trọng trên đường phố Bắc Kinh trong giờ cao điểm. |
Để xác định tính hiệu quả của từng loại phương tiện trong các hệ thống giao thông đông đúc ở Bắc Kinh, 3 phóng viên của đài CCTV đã thực hiện một thí nghiệm nho nhỏ, đó là sử dụng 3 loại phương tiện giao thông khác nhau gồm xe đạp, xe ô tô và tàu điện ngầm để xem ai tới chỗ làm nhanh hơn.
Cả ba người xuất phát từ một địa điểm ở Guo Mao lúc 8h30 phút sáng, và đích đến của họ là Bảo tàng Quân sự ngay bên cạnh trụ sở của đài CCTV, cách đó khoảng 12,7 km. Phóng viên Ai Yang sẽ đi taxi, Grace Brown đi xe đạp, còn Han Peng sẽ bắt tàu điện ngầm.
Trước đây, Trung Quốc từng là một vương quốc xe đạp, tuy nhiên khi nền kinh tế nước này ngày càng phát triển và thu nhập của người dân tăng lên, ngày càng nhiều người mua ô tô cá nhân để chứng tỏ địa vị và sự giàu có của mình trong xã hội.
Trung Quốc từng là một vương quốc xe đạp. |
Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia, năm 1986, xe đạp chiếm tới 60% số lượng phương tiện giao thông ở thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên đến năm 2010, tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 17%. Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, trong đó khói thải từ ô-tô là một tác nhân quan trọng, chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách làm hồi sinh xe đạp ở thủ đô.
Một hình thức giao thông khác mà chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách phát triển nhằm hạn chế xe ô tô cá nhân là tàu điện ngầm. Hiện Bắc Kinh đang sở hữu mạng lưới tàu điện ngầm dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thượng Hải.
Một chiếc vé đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh có giá chỉ khoảng 2 nhân dân tệ (khoảng 7.000 đồng) không phụ thuộc vào quãng đường di chuyển. Tuy nhiên hiện ngày càng có nhiều người Bắc Kinh yêu cầu chính quyền tăng giá vé tàu điện ngầm, bởi loại phương tiện vận tải công cộng này đang quá đông đúc và quá tải.
Phóng viên Han Peng đã phải rất chật vật mới lên được chuyến tàu điện ngầm để đến chỗ làm. Chờ đợi để lên tàu điện ngầm là một cuộc chiến mà hơn 10 triệu người dân Bắc Kinh phải trải qua mỗi ngày, tương đương nửa dân số nước Úc.
Tình trạng chen lấn, xô đẩy và tranh nhau lên tàu điện ngầm diễn ra nghiêm trọng đến mức nhiều người phải bỏ cuộc và không thể lên tàu để đến chỗ làm đúng giờ. Giá nhà đất ở khu vực trung tâm quá cao khiến ngày càng nhiều người phải dạt về các khu ngoại ô để mua nhà, và giờ đây rất nhiều người phải mất nhiều giờ đi lại mỗi ngày để đến chỗ làm.
Còn phóng viên Ai Yang đã rất may mắn khi đón được taxi một cách nhanh chóng chỉ sau vài phút chờ đợi. Trước đây, những người đón taxi ở Bắc Kinh thường phải đợi gần một giờ đồng hồ, bởi đôi khi các tài xế taxi không muốn chở khách đi những quãng đường ngắn, vì giá cước không bù nổi chi phí nhiên liệu quá cao.
Số lượng taxi ở Bắc Kinh đã tăng lên gấp nhiều lần trong những năm gần đây. Trước đây giá cước taxi để đi quãng đường hơn 12 km là khoảng 30 tệ (104.000 đồng), tuy nhiên giờ đây giá cước tăng hơn rất nhiều, thậm chí còn cao hơn nếu bị tắc đường vì giá xe chờ cũng đã tăng.
Trong khi đó, Grace Brown lại thong dong trên chiếc xe đạp của mình và phóng đến đích mà hầu như không gặp phải trở ngại nào. Cô đến trước trụ sở đài CCTV sau 45 phút đạp xe, còn phóng viên Ai Yang đi xe taxi đến sau cô vài phút. Điều đó chứng tỏ đi xe đạp ở Bắc Kinh còn nhanh hơn cả ô tô, với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Số tiền cước taxi mà Ai Yang phải bỏ ra là 55 tệ (191.000 đồng), trong khi Brown hầu như không mất một khoản phí nào.
Năm 2011, chính quyền Bắc Kinh thành lập hệ thống cho thuê xe đạp công cộng, tương tự như những chiếc xe Velib ở Paris và Boris ở London. Những chiếc xe đạp này được miễn phí thuê xe trong 1 giờ đầu, và cứ mỗi giờ sau đó giá thuê xe là một tệ (khoảng 3.500 đồng).
Một địa điểm cho thuê xe đạp ở Bắc Kinh. |
Tuy nhiên có một điểm hạn chế là chi phí thuê xe này chưa bao gồm các đồ bảo hộ kèm theo, thế nên người thuê xe phải tự mua mũ bảo hiểm với giá gần 150 USD, ngoài khả năng của nhiều người đi xe đạp ở Bắc Kinh. Điều này khiến nhiều người chấp nhận rủi ro của việc đạp xe mà không có mũ bảo hiểm.
Sau khi đến nơi, Brown và Ai Yang nhắn tin cho Han Peng, người đang phải chen chúc trong toa tàu điện ngầm, và anh này chỉ đến đích sau gần một tiếng đồng hồ kể từ lúc xuất phát. Đối với 3 phóng viên này, cuộc thử nghiệm chỉ là một cuộc đua nho nhỏ, tuy nhiên với hơn 20 triệu người đang sinh sống và làm việc ở Bắc Kinh, việc đi lại trong thành phố mỗi ngày quả là một thử thách không nhỏ.