Một phần ba nhân loại đã không còn nhìn thấy được Dải Ngân hà. Ảnh: Reuters. |
Việc dùng ngày càng nhiều đèn diode phát quang (LED) công suất lớn và những dạng chiếu khác, đang khiến bầu trời đêm sáng hơn nhanh chóng. Giải pháp này bị sử dụng bừa bãi cho các mục đích ngoài trời, đường phố, quảng cáo hay sân vận động, vô tình che khuất tầm nhìn đến các vì sao.
Vào năm 2016, các nhà thiên văn học công bố một kết quả báo cáo cho thấy một phần ba tổng số con người trên Trái đất không thể nhìn rõ Dải Ngân hà. Tình trạng ô nhiễm ánh sáng đã ngày càng nghiêm trọng hơn từ thời điểm đó.
Theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ phát triển của phương tiện chiếu sáng hiện đại, việc quan sát các chòm sao chính sẽ không thể thực hiện trong vòng 20 năm nữa. Đây là sự mất mát lớn về mặt văn hóa và nghiên cứu khoa học.
“Bầu trời đêm là một phần trong môi trường sống của chúng ta. Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu thế hệ sau không bao giờ nhìn thấy nó được nữa. Hãy tưởng tượng nó giống như việc bạn sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy một tổ chim trong đời mình. Không cần phải là một nhà sinh vật học hay thiên văn học để hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề”, Martin Rees, nhà thiên văn học hoàng gia Anh, cho biết.
Ảnh hưởng từ các nguồn sáng nhân tạo công suất lớn khiến bầu trời đêm trở nên mờ mịt. Ảnh: Reuters. |
Ông Rees vốn là người sáng lập nhóm nghị sĩ vận động cho việc giữ lại bầu trời đêm. Nhóm này đã đưa ra thông cáo, kêu gọi loạt biện pháp chống lại các nguyên nhân gây ô nhiễm ánh sáng. Nó gồm việc bổ nhiệm vị trí phụ trách quản lý bầu trời trong chính quyền, thành lập ủy ban và đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mật độ và hướng chiếu sáng.
Nghiên cứu của nhà vật lý Christopher Kyba, thuộc Trung tâm Khoa học Địa chất Đức, cho thấy ô nhiễm ánh sáng khiến bầu trời đêm sáng hơn 10% mỗi năm. Mức tăng này chứa đựng nguy cơ ngăn mọi người nhìn được ngay cả ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, chỉ sau khoảng một thế hệ nữa. Điều này đồng nghĩa những đứa trẻ sinh ra ở nơi vốn nhìn được 250 ngôi sao mỗi đêm, sẽ chỉ còn thấy 100 sao khi chúng 18 tuổi.
Ông Kyba cho rằng việc nhìn thấy trời đêm đầy sao dần trở nên xa xỉ trong thời đại này. “Nhiều thế hệ trước, con người dễ dàng nhìn thấy sự rực rỡ của vũ trụ, nhưng giờ lại cực kỳ hiếm. Chỉ những người giàu nhất và nghèo nhất thế giới còn trải nghiệm được điều này”, nhà vật lý học cho biết.
Ngoài tác động về mặt văn hóa, ô nhiễm ánh sáng còn là hiểm họa môi trường. Rùa biển và các loại chim di cư được dẫn đường bởi ánh trăng. Ánh đèn điện khiến chúng lóa mắt và lạc đường. Côn trùng, nguồn thức ăn chính của chim và các động vật khác, bị thu hút bởi ánh sáng sáng nhân tạo và lập tức chết khi tiếp xúc gần.
Ngoài ra, việc ánh sáng trắng được sử dụng nhiều và thiên về các bóng LED có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật.
“Chúng ta đang thiếu nhiều ánh sáng đỏ và tia hồng ngoại. Khi chúng chiếu vào cơ thể, nó kích thích phân tán lượng đường cao hoặc tăng cường sản xuất melatonin. Từ khi con người dùng đèn LED và huỳnh quang, quang phổ đó bị loại bỏ và góp phần vào làn sóng béo phì, tiểu đường”, Giáo sư Robert Fosbury, Viện Nhãn khoa tại Đại học College London (UCL), cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đề xuất che chắn nguồn sáng ngoài trời cẩn thận hơn, hướng chúng xuống mặt đất và giới hạn mức chiếu tối đa. Ngoài ra, các loại đèn màu đỏ, cam được ưu tiên hơn loại trắng, xanh đang phổ biến.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.