Sáng 15/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri quận 5 trước thềm kỳ họp Quốc hội.
Bày tỏ ý kiến với đoàn đại biểu, người dân quận 5 nói lên nhiều bức xúc về những vấn đề còn tồn tại của thành phố và đất nước, đặc biệt là vấn đề tham nhũng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tiếp xúc cử tri quận 5. Ảnh: Quang Huy. |
Đề nghị ông Tất Thành Cang thôi làm đại biểu
"Ông Tất Thành Cang đã có nhiều khuyết điểm, bị cách các chức vụ về Đảng, Thành ủy mà vẫn làm đại biểu HĐND. Nhân dân nào còn tín nhiệm mà ông ấy làm đại biểu", ông Mai Thanh Hà, cử tri phường 7 (quận 5, TP.HCM) bức xúc.
Ông Hà đề nghị tổ đại biểu Quốc hội sử dụng quyền hạn của mình để bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND của ông Tất Thành Cang.
Cử tri bức xúc vì ông Tất Thành Cang vẫn làm đại biểu HĐND. Ảnh: Quang Huy. |
Cử tri yêu cầu TP.HCM cần chung tay cùng cả nước quyết liệt hơn trong việc phòng, chống tham nhũng. Cử tri này dẫn chứng việc người dân, các phương tiện truyền thông nêu việc CSGT và các cán bộ tham nhũng nhưng TP chỉ dừng lại ở việc phê bình, khiển trách, cảnh cáo.
Bà Nguyễn Thị Sâm (phường 6, quận 5) nêu thắc mắc về việc sử dụng cán bộ của Đảng và chính quyền, bà cho rằng thành phố cần đẩy mạnh hơn việc chọn lọc cán bộ phục vụ dân.
"Chúng tôi thắc mắc khi xảy ra các vụ việc như xăng giả, nhà đất Alibaba, thuốc ung thư giả... chỉ khi sau nhận thấy hậu quả, chính quyền mới vào cuộc. Gần đây nhất là vụ việc Phó chánh án TAND quận 4, người công tác lĩnh vực luật pháp lại vi phạm pháp luật, có phải chúng ta đang chọn lọc cán bộ chưa kỹ nên để xảy ra sự việc như vậy", bà Nguyễn Thị Sâm thắc mắc.
Trả lời chất vấn của cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định những năm qua, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh không chỉ tại TP.HCM mà còn trên phạm vi cả nước.
Trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM đã nhận được 1.200 ý kiến của người dân phản ánh về yếu kém của bộ máy, trong đó đã giải quyết 902 thông tin, kỷ luật 4 tổ chức Đảng, 102 Đảng viên, 95 cán bộ công chức. Bí thư Nhân đề nghị người dân tiếp tục phản ánh mạnh mẽ những tiêu cực qua các kênh phản ánh thông tin điện tử từ phường, xã, quận, huyện.
Mở mắt ra thấy ô nhiễm, ách tắc
"Sáng ngủ dậy ra đường đi làm là chúng tôi gặp ngay cảnh ách tắc, gần đây là ô nhiễm môi trường. Những vấn đề này dai dẳng ảnh hưởng tới cuộc sống sức khỏe người dân nhưng nhìn rộng ra nữa sẽ kìm hãm sự phát triển của thành phố nếu không giải quyết dứt điểm", cử tri Nguyễn Vĩnh Xi phát biểu.
Ông Nguyễn Văn Ty (phường 3, quận 5) đồng tình với ý kiến trên và cho rằng nguyên nhân chính của những vấn đề là do mật độ chung cư, nhà cao tầng đua nhau mọc lên trên một diện tích chật hẹp.
"Có thể lợi ích của bất động sản quá lớn khiến nhiều người quên đi việc ách tắc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thời gian, tiền bạc người dân", cử tri Nguyễn Văn Ty chia sẻ.
Cử tri cho rằng người dân tại TP.HCM ngủ dậy là đối mặt với kẹt xe, ô nhiễm. Ảnh: Lê Quân. |
Bí thư Nhân thừa nhận đường sá của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn một đô thị.
"Một đô thị tiêu chuẩn yêu cầu 20 km đường giao thông trên 1 km2 diện tích đất. Chúng ta hiện chỉ đạt gần 2 km đường. Nếu cứ giữ tốc độ phát triển đường như 10 năm qua, chúng ta cần hơn 100 năm nữa mới đạt tiêu chuẩn", người đứng đầu Thành ủy nhận định.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết thành phố do thiếu kinh phí nên chưa thể lập tức phát triển mạnh về giao thông mà cần có lộ trình. Sau tuyến đường sắt metro số 1, TP đang tiếp tục xây dựng kế hoạch làm tuyến số 2.
Bên cạnh đó, thời gian tới, TP sẽ dồn sức hoàn thiện các tuyến vành đai 2, 3, 4 và các tuyến đại lộ kết nối các tỉnh miền tây.
"Chúng ta đã làm quy hoạch chưa tốt, cấp phép xây dựng nhà cao tầng chưa đồng bộ với mật độ cao khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian tới khi xây dựng quy hoạch cần tăng mật độ đường giao thông, kể cả chưa làm được đường cũng phải giữ lại phần đất đường đó", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Nhiều người dân bày tỏ ý lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam đề cao việc đối thoại để giải quyết vấn đề, nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh khi cần thiết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định theo luật pháp quốc tế, Biển Đông thuộc hải phận của Việt Nam. Khi giàn khoan của Trung Quốc cùng tàu giám sát đi vào hải phận Việt Nam, chúng ta có tàu đi theo giám sát từng hoạt động của họ.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh Việt Nam cần cố gắng để không xảy ra xung đột quân sự, tuy nhiên, nếu có xảy ra thì chúng ta luôn trong tư thế sẵn sàng.