Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sao Nam Mỹ đổ xô tới Trung Quốc 'bỏ ống heo'

Trước cơ hội đổi đời, nhiều tên tuổi của bóng đá Brazil, Argentina không do dự bắt chuyến tàu rời quê nhà để tìm kiếm thiên đường ở vùng đất phương Đông.

Năm 2015 chứng kiến một làn sóng ồ ạt những cầu thủ Nam Mỹ cập bến Trung Quốc. Người đổi CLB, kẻ lại chân ướt chân ráo đặt chân đến môi trường bóng đá hoàn toàn xa lạ và chỉ biết đến sân chơi này qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Tất cả họ được tin rằng có một điểm chung với quyết định xa quê: Gục ngã trước sức mạnh đồng tiền.

Dario Conca là vụ chuyển nhượng điển hình cho thấy Trung Quốc dùng tiền mua sao.

Năm 2011, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết tiền đạo Dario Conca, mang quốc tịch Argentina, sang Guangzhou Evergrande với mức lương được nhận lên tới 12 triệu euro/năm, giúp chân sút này trở thành cầu thủ có thu nhập cao thứ ba thế giới sau Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.

Sau vụ chuyển nhượng Dario Conca từ Fluminense về Guangzhou Evergrande, bóng đá Trung Quốc bắt đầu chứng kiến làn sóng đổ bộ những cầu thủ Brazil tới đây thi đấu  theo tần suất rất ổn định những tháng gần đây. Đáng chú ý, đó toàn những tên tuổi lừng danh một thời và những người còn rất trẻ.

Điểm qua có Diego Tardelli (Shandong Luneng), Robinho (Guangzhou Evergrande), Paulinho (Guangzhou Evergrande), Ricardo Goulart (Guangzhou Evergrande), Jadson (Tianjin Songjiang), Luis Fabiano (Tianjin Songjiang) và Renato Augusto (Beijing Guoan). Trong số này, Robinho từng khoác áo Real Madrid, Manchester City và AC Milan, còn Luis Fabiano là cựu tiền đạo Sevilla.

Paulinho sang Trung Quốc thi đấu dù mới 27 tuổi.

Theo bộc bạch của Tardelli, chân sút từng phục cho tuyển Brazil tại vòng loại World Cup 2018 mới đây, chính sức hút đến từ mức lương vô cùng hấp dẫn được các CLB Trung Quốc hứa trả cho các cầu thủ trở thành lý do khiến họ không thể cưỡng lại tiếng gọi nơi phương Đông. Đây cũng là công thức giúp Trung Quốc hút sao Brazil.

"Chúng tôi có thể thay đổi cuộc sống. Thật tuyệt khi được thi đấu ở Brazil với những cổ động viên cuồng nhiệt trên khán đài và cả sức ép đè nặng lên vai, từ đó, thúc đẩy bản thân chơi tốt hơn. Dù vậy, mức lương ở Trung Quốc lại cao hơn và được thanh toán đúng hẹn. Tôi đã 30 tuổi và phải nghĩ về tương lai," Tardelli nói với Globoesporte.

Corinthians trở thành đội bóng bị các CLB Trung Quốc, vốn thèm khát tài năng đẳng cấp thế giới, "hút máu" thường xuyên nhất. Nhà vô địch Brazil năm 2015 đã mất Jadson và Renato Augusto hồi tháng trước, trong khi Alexandre Pato, Ralf, Elias và Cassio cũng nằm trong tầm ngắm các đại diện của bóng đá châu Á. Lúc này, chủ tịch Roberto de Andrade của Corinthians chỉ biết đứng nhìn đội nhà chảy máu tài năng.

Không chỉ mua tài năng Brazil, bóng đá Trung Quốc còn chiêu mộ cả những HLV lừng danh tại Nam Mỹ như Scolari.

Ông giải thích, bản thân không còn cách nào khác để ngăn chặn tình trạng các tài năng rời bỏ CLB để chạy theo tiếng gọi đồng tiền, bởi lẽ, các đội bóng Trung Quốc có tiêu chí hoạt động rất khác so với Nam Mỹ. "Họ dùng những mức lương khổng lồ để thuyết phục các tài năng của chúng tôi ra đi. Đội bóng không có cách nào để ngăn chặn điều đó. Chúng tôi có thể mất từ phân nửa đến cả đội hình," chủ tịch Roberto de Andrade nói.

Không chỉ dùng tiềm lực tài chính hùng mạnh để mang các tài năng Brazil về Trung Quốc, nhiều đội bóng ở đây còn chiêu mộ luôn cả những HLV tài năng như Luiz Felipe Scolari và Mano Menezes. HLV Menezes được bổ nhiệm làm thuyền trưởng Shandong Luneng, tức chỉ vài tháng sau khi người đồng hương Scolari đưa Guangzhou Evergrande tới chức vô địch giải quốc nội lần thứ 5 liên tiếp.

Theo trang Business-standard, sự lớn mạnh của giải bóng đá Trung Quốc phát triển đáng kể nhờ vào quyết tâm cải tổ do chủ tịch Tập Cận Bình của đất nước này khởi xướng hồi năm ngoái. Ngoài ra, các CLB hiện tại cũng không còn phụ thuộc vào quyền quản lý của nhà nước, ngược lại, các doanh nghiệp tư nhân mới trở thành những ông chủ thật sự. Điều này cho phép họ tự chủ tài chính và cả công tác điều hành.

Trung Quốc 'hút máu' tài năng K.League

Sự thành công của sân chơi K.League (Hàn Quốc) đang bị đe dọa trước sự nỗi dậy của bóng đá Trung Quốc, vốn đang được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ sức mạnh đồng tiền.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình thúc đẩy phát triển bóng đá cũng ra đời khi môn chơi này trở thành một phần bắt buộc trong các chương trình giảng dạy thể dục thể thao ở các trường học. Chưa hết, nhiều CLB trong thời gian qua cũng được giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đổ tiền làm bóng đá. Những sự thay đổi này góp phần giúp bóng đá Trung Quốc từng bước thay hình đổi dạng mạnh mẽ và hứa hẹn còn tạo ra nhiều cú sốc về chuyển nhượng trong thời gian tới.

Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm