Đối với sinh viên tại Nhật Bản, con đường tìm việc làm sau khi ra trường có thể ẩn chứa nguy cơ bị quấy rối tình dục.
Sinh viên thường tìm kiếm cơ hội việc làm bằng cách liên hệ với cựu sinh viên đang làm tại công ty họ nhắm đến. Những cuộc gặp chia sẻ góc nhìn và tư vấn xin việc thường diễn ra giữa hai người, ở các quán bar hay nhà hàng.
Đôi khi, chính những người cựu sinh viên cùng trường, với lời hứa hẹn bảo trợ về sự nghiệp, sẽ lợi dùng lòng tin của hậu bối để hành xử khuất tất.
Sinh viên Nhật Bản ra trường khi tìm việc làm có thể đối mặt nguy cơ bị quấy rối tình dục. Ảnh: Reuters. |
Những buổi phỏng vấn đầy ám ảnh
Trả lời Japan Times, một nữ cử nhân 23 tuổi của Đại học Sophia cho biết đã nhận được những lời khuyên khiến bản thân cảm thấy khó chịu. Một người nói với cô rằng có nhiều nhân viên "cưới đồng nghiệp trong công ty" và nếu cô "không tìm được bạn trai ở nơi làm việc thì sẽ bị xếp xó".
Cô cũng gặp phải trường hợp tương tự khi gặp gỡ một nhà tuyển dụng tiềm năng khác. Người này từng nhận cô vào thực tập. Theo chia sẻ của người cựu sinh viên, những cuộc gặp này khiến cô lo âu nhiều chứ không được truyền cảm hứng.
Trong một số cuộc gặp trùng với thời điểm những công ty lớn của ngành tài chính và chế tạo tổ chức thi tuyển, cô cũng gặp phải những câu hỏi riêng tư, tọc mạch về tình trạng quan hệ của mình một cách không cần thiết.
"Tôi đã nghĩ nếu không trả lời câu hỏi của họ thì việc đánh giá và cơ hội vào công ty của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đã tuyệt vọng tìm kiếm lời mời làm việc", cô gái chia sẻ bản thân cảm thấy bất lực trước những tình huống đó.
Những người gặp gỡ thậm chí còn bình luận một cách không cần thiết về quần áo của cô. Một số hỏi cô vì sao đến gặp họ mà lại mặc quần dài thay vì mặc váy.
Buộc công ty giải quyết vấn nạn
Trong một quy định pháp luật vừa được sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ tháng 6, chính phủ Nhật Bản đã lần đầu buộc các công ty phải thực thi các biện pháp tư vấn và đào tạo tổng quát ứng phó tình trạng quấy rối nơi làm việc. Các công ty được yêu cầu điều tra mọi khiếu nại về quấy rối, có biện pháp chế tài người vi phạm và tham vấn giới chức địa phương có thêm biện pháp xử lý.
Dù vậy, vẫn chưa rõ những điều chỉnh này sẽ được áp dụng ra sao đối với người xin việc. Luật chỉ mô tả khái quát các công ty cần có "những bước đi tương tự".
Trong một khảo sát của hãng tin Kyodo, với sự tham gia của 110 công ty lớn tại Nhật Bản, có 67,3% cho biết đã có những biện pháp bảo vệ sinh viên tìm việc làm. Số công ty đang lên kế hoạch chiếm khoảng 13,6%, bằng với tỷ lệ công ty không có ý định hành động.
Một cuộc biểu tình của phong trào #MeToo lên án vấn nạn quấy rối tình dục ở Nhật Bản vào năm 2018. Ảnh: Bloomberg. |
Một số thay đổi nhằm ngăn chặn quấy rối người xin việc bao gồm: gặp gỡ giữa hai người cần diễn ra trong các khuôn viên của công ty, không được sử dụng đồ uống có cồn trong cuộc gặp và người xin việc chỉ được gặp người tuyển dụng tiềm năng cùng giới.
Các biện pháp nâng cao nhận thức cũng được đẩy mạnh. Một số công ty cho phân phát cẩm nang mô tả chi tiết hành vi nào là đúng chuẩn đối với hoạt động tuyển dụng. Các buổi tập huấn được lên nội dung cụ thể về vấn nạn quấy rối.
Nữ hay nam đều có thể thành nạn nhân
Voice Up Japan, nhóm vận động xã hội nhằm cải thiện bình đẳng giới trong môi trường làm việc, cho biết đã nhận được khoảng 110 đơn khiếu nại bị quấy rối trong quá trình tuyển dụng. Các nạn nhân là người trẻ tuổi.
Đơn cử, một nữ sinh được nhân viên một công ty mời đi uống nước tại nhà hàng. Người nhân viên này cũng là nhà tuyển dụng tiềm năng. Cô bị người này liếm tay sau khi cô từ nhà vệ sinh trở lại bàn ăn. Đơn khiếu nại cho biết những người khác tham gia cuộc gặp chỉ cười chứ không lên án hành vi khiếm nhã.
Theo Voice Up Japan, cũng có sinh viên nam ra trường tìm việc làm bị quấy rối tình dục. Một nam thanh niên cho biết anh bị đối phương đòi hỏi quan hệ tình dục đổi lấy cơ hội làm việc.
"Tâm lý hiện nay là cười cho qua chuyện mới được xem là cư xử trưởng thành. Có nhiều vụ việc những người ở xung quanh nạn nhân không ra tay giúp đỡ", Chisato Yamashita, thành viên Voice Up Japan và là sinh viên Đại học International Christian ở Tokyom choi biết.
"Các công ty cần thay đổi được tư duy của nhân viên một cách căn bản. Cần đảm bảo có thêm người hỗ trợ (các nạn nhân)", cô chia sẻ.