Tại một số địa điểm, lượng oxy sẵn có thậm chí đủ để duy trì sự sống của loài động vật đa bào nguyên thủy như bọt biển (còn gọi là động vật thân lỗ), theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geosciences hôm 22/10.
"Chúng tôi phát hiện ra nước mặn trên Sao Hỏa có thể chứa đủ oxy để vi khuẩn có thể thở", trưởng nhóm tác giả Vlada Stamenkovic, nhà vật lý lý thuyết tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion ở California, Mỹ, cho biết.
"Điều này đem đến một cuộc cách mạng toàn diện trong hiểu biết của chúng ta về khả năng sinh sống trên Sao Hỏa, hôm nay và trong quá khứ", ông nói với AFP.
Nước mặn trên Sao Hỏa có thể chứa đủ oxy để vi khuẩn có thể thở . Ảnh: NASA/Reuters. |
Đến nay, người ta vốn vẫn cho rằng lượng oxy ít ỏi trên Sao Hỏa không đủ để duy trì sự sống, thậm chí là của vi khuẩn.
"Chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng oxy có thể góp phần vào sự sống trên Sao Hỏa vì chúng có quá ít trong bầu khí quyển hành tinh này, chỉ chiếm 0.14%", ông Stamenkovic nói.
Nếu so sánh, khí oxy chiếm 21% khí quyển Trái Đất.
Nghiên cứu mới bắt đầu với khám phá của tàu thăm dò Sao Hỏa Curiosity của NASA về mangan oxit, hợp chất vô cơ chỉ có thể được tạo ra với rất nhiều oxy.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình thứ nhất mô tả cách thức oxy được giải phóng trong nước mặn ở nhiệt độ thấp hơn điểm đông. Một mô hình khác được áp dụng để phán đoán những biến đổi về khí hậu trên Sao Hỏa trong 20 triệu năm qua và trong 10 triệu năm tới.
Kết hợp với nhau, những tính toán này cho thấy khu vực nào trên "hành tinh đỏ" có khả năng sản xuất từ nước mặn cao nhất, dữ liệu có thể giúp xác định nơi để tiến hành thăm dò trong tương lai.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không ngụ ý rằng có sự sống trên Sao Hỏa, nhưng chúng cho thấy việc sinh sống trên Sao Hỏa bị tác động bởi lượng oxy có thể được giải phóng", ông Stamenkovic nói.