Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sao cơ quan thuế chỉ chăm chăm thu bao nhiêu tỷ?

Chủ tịch HĐQT TH True Milk, bà Thái Hương cho hay doanh nghiệp của bà từng bị cảnh báo cưỡng chế hải quan vì cho rằng chưa nộp đủ thuế.

Tại diễn đàn "Ngày doanh nhân bàn về xoá bỏ rào cản kinh doanh" do Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư Bizlive tổ chức ngày 11/10, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT TH True Milk, cho hay mọi luật đều xuất phát từ thực tiễn nhưng thực tế, hiện nay luật lại xuất phát từ sách vở nên không thúc đẩy sản xuất. Ngược lại, còn kìm hãm sản xuất.

Với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi sản xuất, có một số nguyên liệu nhập khẩu nằm trong danh mục thuế suất 0%, nhưng lại bị đánh sang danh mục áp mức thuế 5%. Vừa rồi, bà ra sân bay xuất ngoại, đúng lúc nhận được điện thoại của nhân viên báo cáo việc nếu không nộp đủ thuế cho mặt hàng trên thì doanh nghiệp của bà sẽ bị cưỡng chế hải quan.

"Hóa ra theo cách tính như trên thì tôi đang là người nợ thuế mặc dù việc này không đúng", bà kể.

Hay như trong quá trình xây dựng luật như Luật Công nghệ cao lấy ý kiến doanh nghiệp không đầy đủ. Dù là một trong số ít người làm nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất ở Việt Nam nhưng bà Hương không được "ai tới hỏi".

"Khi đã ban hành luật thì 'đè' người ta ra thu thuế. Do đó, khi làm luật cần phải bám sát thực tiễn", bà chia sẻ.

Chia sẻ với lãnh đạo doanh nghiệp sữa, bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, nêu những vướng mắc của luật thuế Việt Nam. 

Bà Hương Vũ nêu Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng các công ty đa quốc gia vào, sổ sách kế toán vẫn phải in ra. Khi doanh nghiệp yêu cầu gửi bản mềm thì cơ quan thu thuế không đồng ý, họ phải chạy vạy khắp nơi, có đủ giấy tờ bản cứng mới được hoàn thuế.

"Đối với một công ty thực hiện 20.000 - 30.000 nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu hồ sơ về các nghiệp vụ đó?", bà Vũ đặt câu hỏi.

Nữ doanh nhân nói thêm việc cán bộ thu thuế mang trong đầu tư duy áp đặt với nhà đầu tư, người trả thuế một cách cứng nhắc cũng gây khó cho doanh nghiệp.

Theo phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, điều quan trọng là cán bộ phải thay đổi cả chất và hình thức, thay đổi tư duy nghi vấn, áp đặt, đưa ra những nghĩa vụ thuế không hợp lý với doanh nghiệp, đào tạo cán bộ thấm nhuần chính sách, hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp.

"Tổng cục thuế cũng nên thay đổi, không nên đưa ra danh sách vùng này thu thuế đạt bao nhiêu tỷ, vùng kia bao nhiêu tỷ. Sao không nghĩ rằng không có nợ thuế thì đó là tiến bộ của Việt Nam, sao cứ chỉ chăm chăm thu thêm bao nhiêu tỷ", bà Hương Vũ nêu. 

Khẳng định thái độ của nhân viên thu thuế trong những năm gần đây có sự thay đổi song ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hồ Gươm, cho rằng hiện nay cán bộ thuế đến doanh nghiệp với tâm thế của người soi mói. Anh có làm sai tôi mới đến và tôi đến thì phải có “gì đó”…

"Nếu Nghị quyết 35 đi vào thực tiễn sẽ làm “bà đỡ”, giúp doanh ngiệp vẫy vùng trong môi trường kinh doanh", ông Trịnh khẳng định.

ba Thai Huong bi chan xuat ngoai anh 1
Luật sư Trương Thanh Đức. Ảnh: Duy Hiếu.

Phát biểu tại diễn đàn, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Nghị quyết 35 là một dạng cụ thể hóa để triển khai các luật lệ kinh doanh. Tuy nhiên, thủ tục hành chính hiện nay rất nhiều.

Chuyên đi tư vấn về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhưng ông Đức cho biết cá nhân ông động đến thủ tục hành chính nào cũng “chết”. Ông đơn cử chuyển trụ sở văn phòng cũng rất phức tạp mặc dù doanh nghiệp đã mua đứt trụ sở mới rồi.

“Các quy định kinh doanh hiện nay đang “chặn” các doanh nghiệp dân doanh, và mở cửa cho các doanh nghiệp “quan doanh”. Mặc dù một số quan chức không được kinh doanh nhưng họ có sân sau, nên tha hồ kinh doanh”, ông Đức quan ngại.

Bỏ 3.500 giấy phép con, thước đo cam kết của Chính phủ mới

Bà Phạm Chi Lan cho rằng mốc 1/7 tới sẽ là thước đo để DN biết Chính phủ mới có thực hiện đúng cam kết không và cũng là dịp để DN tố có bao nhiêu thông tư chui vào Nghị định.

 

Kiều Linh - Video: Duy Hiếu

Bạn có thể quan tâm