Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp kinh doanh khí gas - Nguyễn Thuỳ Trang cho rằng điều kiện kinh thương nhân kinh doanh khí gas trong Nghị định số 19 là quá chặt chẽ và bất hợp lý, đẩy hàng loạt doanh nghiệp phân phối khí gas đến nguy cơ phá sản.
Đừng để doanh nghiệp nhỏ bị "ép chết"
Theo bà Nguyễn Thuỳ Trang, điều kiện kinh thương nhân kinh doanh khí gas trong Nghị định số 19 là quá chặt chẽ và bất hợp lý, đẩy hàng loạt doanh nghiệp phân phối khí gas đến nguy cơ phá sản.
Cụ thể, Nghị định số 19 quy định các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp kinh doanh khí gas phải đáp ứng một số điều kiện như: Số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 lít đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG; tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít đối với thương nhân phân phối LPG chai.
Doanh nghiệp gas vừa và nhỏ tố bị Nghị định 19 ép phải rời khỏi thị trường
|
Ngoài ra, tổng sức chứa các bồn LPG tối thiểu xuống còn 300 m3 đối với thương nhân phân phối LPG chai.
Theo đó, bà Trang nhận định các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là với cả rất nhiều doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả.
Đại diện một doanh nghiệp gas thẳng thắn: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại rất lớn, chúng tôi không thua vì thị trường và khách hàng nhưng với những điều kiện của Nghị định số 19 chúng tôi sẽ bị giết chết, biến mất khỏi thị trường. Xin nhà nước đừng để doanh nghiệp lớn ép chết doanh nghiệp nhỏ”.
Hệ quả của quy định trên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tham gia vào thị trường khí, gas sẽ buộc phải rời bỏ thị trường dù đã đầu tư rất lớn các trang thiết bị, hệ thống cửa hàng, tuân thủ pháp luật.
Nhiều doanh nghiệp có mặt đều cho biết, để đáp ứng điều kiện của Nghị định số 19, công ty gas phải chi 25-30 tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp lại giấy phép kinh doanh, mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh.
"Ước tính tổng số tiền mà các doanh nghiệp phải chi lên tới 35 triệu USD chỉ để xin và duy trì một cái giấy phép không cần thiết", vị doanh nhân nói.
Bà Nguyễn Thuỳ Trang nhấn mạnh rằng Nghị định đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nguy cơ phá sản thì hệ luỵ kéo theo sẽ là hàng vạn lao động thất nghiệp, trong đó có nhiều người lao động ở vùng sâu, xa rất khó khăn. "Quy định sẽ chỉ khiến người tiêu dùng gas phải mua đắt hơn vì thị trường thiếu cạnh tranh. Hơn nữa, quy định này còn đi ngược lại so với Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp", bà Trang nói.
Vì vậy, bà Trang kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định theo hướng bỏ điều kiện Tổng đại lý kinh doanh gas phải có cửa hàng bán gas và phải có tối thiểu 10 đại lý.
Bỏ quy định về điều kiện đối với đại lý kinh doanh gas chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho 1 tổng đại lý hoặc 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối. Quy định Tổng đại lý nếu ký hợp đồng với nhiều thương nhân thì chỉ cần có 1 kho chứ không nhất thiết khi xin phép mỗi một Tổng đại lý phải có 1 kho 2.000 chai.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas khác tại Tây Ninh nói: "Chưa đầy 6 năm đã có 2 nghị định với các điều kiện kinh doanh mâu thuẫn, khó hiểu và không thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp. Suốt ngày doanh nghiệp đi đối phó với chính sách, khổ lắm! Làm sao chính sách ổn định, thông thoáng, dễ hiểu, minh bạch để người dân, doanh nghiệp thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ".
Đừng buộc tội người làm chính sách
Giải thích với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện tượng xảy ra một số vụ việc tai nạn gas ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng và thậm chí tính mạng. Tâm của người soạn thảo văn bản là không để ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng tới đa mục tiêu đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thị trường.
"Tâm người soạn thảo Nghị định không xấu, không ai có ý định giết doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc tội như vậy là sai lầm. Ý tưởng của người soạn thảo là thiết lập lại thị trường", Thứ trưởng Khánh nói và cho rằng tư duy của người làm chính sách cho rằng vào cuộc theo hướng này là đúng. Quá trình xây dựng Nghị định 19 chúng ta đã có cơ hội tham gia nhưng lúc đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại bận việc kinh doanh nên không thể tham gia.
Thứ trưởng Khánh cho biết rất ủng hộ các doanh nghiệp gas lên tiếng nhưng đừng buộc tội người làm chính sách giết doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo hộ doanh nghiệp lớn một cách vô căn cứ. Cũng theo Thứ trưởng, sẽ tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp gas và trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung cho phù hợp.
Đại diện Vụ Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Nghị quyết 19 hướng tới quy mô doanh nghiệp và điều này sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm thui chột tinh thần khởi nghiệp.
"Điều kiện này là sự can thiệp thái quá của nhà nước vào thị trường bởi quy mô phụ thuộc cung cầu và nếu không hợp lý thì doanh nghiệp tự điều chỉnh. Cơ quan nhà nước thường là quan sát thấy doanh nghiệp nhỏ thường vi phạm nhiều hơn nên có xu hướng tăng điều kiện quy mô doanh nghiệp. Nhưng nếu muốn doanh nghiệp lớn mạnh thì không thể hạn chế doanh nghiệp nhỏ được. Thêm vào đó, nếu xác định Chính phủ Việt Nam giúp doanh nghiệp khởi nghiệp thì những điều kiện kinh doanh này thậm chí sẽ hạn chế khởi nghiệp nhiều hơn", vị này nói.