Trước Công Phượng, một cầu thủ khác đến từ Việt Nam cũng từng thử sức ở Incheon United, đó là tiền vệ Lương Xuân Trường vào năm 2016.
Theo ký giả Seo Ho-joong, trước mắt sẽ là những thử thách thú vị dành cho cả Công Phượng lẫn Incheon. "Cả hai từng thất bại ở những tình huống tương tự trong quá khứ", Seo viết.
Năm 2016, tiền đạo của HAGL sang Nhật Bản khoác áo CLB Mito HollyHock của giải hạng 2 J.League nhưng chưa thể hiện được gì nhiều.
Còn đối với Incheon, đội bóng này từng tiếp nhận Xuân Trường nhưng sau đó chuyển anh sang Gangwon FC khi không thể sử dụng năng lực của Trường đúng cách.
Công Phượng có lần thứ 2 xuất ngoại trong sự nghiệp. |
Thương vụ ở Incheon nay đã khác
Theo nhận định của tác giả Seo, thương vụ của Xuân Trường cách đây 3 năm mang nhiều lợi ích về thương mại. Ông cho rằng: "Các công ty Hàn Quốc mong muốn bước vào thị trường Việt Nam, họ cần quảng bá ở nước ngoài nên đã tận dụng giá trị quốc tế của tiền vệ này".
"Tuy nhiên, với tư cách là cầu thủ, Xuân Trường lại chưa chứng minh được giá trị. Cả đội ngũ huấn luyện và cầu thủ thừa nhận kỹ năng của Trường, nhưng đều do dự sử dụng anh vì những đặc điểm mang tính đặc thù ở K.League đòi hỏi thể lực, khả năng hỗ trợ phòng ngự và việc cạnh tranh rất gắt gao nơi hàng tiền vệ", cây bút của Naver Sports viết.
Thậm chí, Seo còn tiết lộ khi chiêu mộ Trường về Incheon, bộ máy lãnh đạo cùng các HLV của Incheon không thể đi đến tiếng nói chung, dẫn đến mâu thuẫn đôi bên. Đây cũng chính là một trong những lý do làm rung chuyển bộ máy của CLB bóng đá nổi tiếng này lúc bấy giờ.
"Khi xem xét cuộc chiêu mộ cần cân nhắc cả mặt kỹ năng và việc tiếp thị", tác giả bình luận.
Công Phương cười rạng rỡ trong ngày ra mắt đội bóng mới Incheon United. |
Dẫu sao, đây cũng là câu chuyện của năm 2016 khi bóng đá Việt Nam chưa được đánh giá cao trong châu lục. Còn trường hợp của Công Phượng đã không còn giống như trong quá khứ, khi bóng đá Việt Nam đang dần nhận được sự tôn trọng sau những thành công cùng HLV Park Hang-seo.
Mặc dù nhận thức về nền bóng đá Việt Nam tại Hàn Quốc thay đổi rất nhiều sau 3 năm, vẫn còn đó câu hỏi về việc tuyển dụng Công Phượng: Liệu anh ấy có thể chứng minh giá trị của mình như một cầu thủ đóng góp thực lực ở Incheon?
Câu trả lời của phóng viên Naver Sports là "có". Seo viết: "Tình hình hiện tại vô cùng tích cực, đây có thể là sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai thương vụ của Xuân Trường và Công Phượng".
Trước hết, ban huấn luyện của Incheon có một cái nhìn tương đối sát sao với Công Phượng. Lee Chun-soo, người đứng đầu bộ phận tuyển trạch của Incheon đánh giá cao tài năng của chân sút tuyển Việt Nam qua AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Phượng không có lợi thế thể hình của một trung phong trên hàng công nhưng lại có khả năng đột phá và xâm nhập trong vòng cấm.
Ký giả Seo còn cho biết: "HLV Jorn Andersen cũng thừa nhận tiềm năng của Công Phượng. Ông là nhà cầm quân cởi mở bậc nhất ở K.League, HLV nước ngoài từng dẫn dắt đội tuyển Triều Tiên. Ngay trong tháng 10/2018, đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu tập với Incheon tại Trung tâm huấn luyện Paju. Công Phượng là một trong những cầu thủ mà ông Andersen quan tâm theo dõi. Đây rõ ràng là một thương vụ mà cả hai bên cùng đồng ý bước vào".
Bên cạnh đó, đội hình Incheon hiện tại thực sự cần thêm một nhân tố cho vị trí tiền đạo. Chân sút Stefan Mugosa thiếu phương án dự phòng để tăng yếu tố đột biến. Cầu thủ có tốc độ càn lướt là Kim Yong-hwan vẫn có sở trường là chạy cánh, trong khi tiền vệ Kim Bo-seob 21 tuổi còn quá trẻ.
Màn trình diễn của Công Phượng được đánh giá cao tại Asian Cup 2019 với 2 bàn thắng trong 5 trận ra sân. Đồ họa: Minh Phúc. |
Sự liều lĩnh của Công Phượng và Incheon
Theo đánh giá của Naver Sports, đội bóng của thành phố Incheon đã một lần nữa bắt tay vào thử thách trọng dụng cầu thủ Đông Nam Á sau khi coi câu chuyện 3 năm trước là bài học.
Seo viết: "Thật không dễ dàng để chọn một cầu thủ nước ngoài đến từ Đông Nam Á tại K.League, giải đấu chỉ cho phép hạn ngạch 4 ngoại binh (3 ngoài châu Á và 1 châu Á) trong vài năm nay. Đây không chỉ là cầu thủ đơn thuần mà còn là ngoại binh ở châu Á chiếm suất duy nhất, trực tiếp tác động tới sức mạnh của đội bóng".
Bên cạnh đó, Công Phượng được cho là cũng tự rơi vào hoàn cảnh thử thách chính mình. Tiền đạo HAGL đóng vai trò quan trọng trong đội hình tuyển Việt Nam tham dự Asian Cup 2019. "Nếu ở lại Việt Nam, Công Phượng vốn rất nổi tiếng sẽ có thể tận hưởng sự giàu có và danh tiếng ổn định, nhưng anh quyết định chuyển đến K.League", tác giả viết.
Tiền đạo tuyển Việt Nam hạ quyết tâm khi lần thứ 2 sang nước ngoài thi đấu. Đồ họa: Minh Phúc. |
Theo ông, sau AFF Cup và Asian Cup, HLV Park nhấn mạnh việc những ngôi sao trẻ của tuyển Việt Nam cần tích lũy kinh nghiệm đa dạng thông qua sự tiến bộ ở môi trường nước ngoài, qua đó mới có thể mơ về những bước phát triển lớn hơn bằng cách chứng minh khả năng cạnh tranh ở các đội bóng châu Á.
"Đại đa số đội bóng chuyên nghiệp ở Việt Nam đang hy vọng giữ chân được các cầu thủ tài năng trong đội hình, nhưng HLV Park luôn khuyến khích họ ra nước ngoài thi đấu", trang này viết.
Tựu trung lại, với thất bại ở Nhật Bản vào năm 2016, Công Phượng có thể tìm thấy nhiều bài học để đạt được thành công ở Hàn Quốc.
Và ngược lại, sự chú ý của người dân Hàn Quốc dành cho bóng đá Việt Nam đã thay đổi tích cực. Đây sẽ là một yếu tố hậu thuẫn to lớn cho Công Phượng ở trên lẫn ngoài sân cỏ.