Huyện Đơn Dương là vùng chuyên canh cà chua lớn nhất cả nước. Sản lượng hàng năm lên tới hàng chục nghìn tấn.
Từ trước tới nay, các vựa thu mua cà chua ở Lâm Đồng thường tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thuê một lượng lớn nhân công lao động phân loại, rửa, lau khô và đánh bóng cà chua trước khi đóng thùng xuất đi tiêu thụ.
Cuối năm 2015, ông Nguyễn Hồng Chương ghé thăm người quen là chủ một cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Nghe bạn than thở về những khó khăn trong thu hoạch, phân loại cà chua, ông Chương trấn an và hứa trong vài tuần sẽ cho ra mắt máy làm được tất cả các công đoạn này.
Ông Nguyễn Hồng Chương bên máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đóng bóng cà chua. Ảnh: Thạch Thảo |
Nói là làm, ngay trong đêm hôm đó, ông Chương cho hay, ông trắng đêm suy nghĩ, tưởng tượng ra mô hình hoạt động của chiếc máy, làm sao để đạt được tất cả các khâu để thay thế sức lao động của con người.
Sáng ra, nông dân này trực tiếp kẻ vẽ, thiết kế mô hình trên giấy. Loay hoay hơn 1 giờ đồng hồ, bản vẽ cũng đã xong. Công việc cuối cùng là lựa chọn những thiết bị để hàn xì, chế tạo, lắp ráp theo mô hình của bản vẽ.
Ông Chương cho biết, chỉ trong 20 ngày, chiếc máy với đầy đủ công năng như rửa, phân loại, sấy khô lớp nước và đánh bóng trái cà chua đã được ông sáng chế thành công và gần như không phải chỉnh sửa lại bộ phận nào. Ngay lần đầu tiên ông Chương chở máy đến một cơ sở thu mua cà chua gần nhà để hoạt động thử, chủ vựa cà chua này đã mê mẫn, gạ ông bán cho với giá hơn 100 triệu đồng.
Máy loại rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua do ông Chương sáng chế theo mô hình chữ L.
Cà chua thô sau khi được thu hoạch đem về vựa sẽ được đổ vào thùng máy. Từ đây, một bộ băng chuyền hoạt động tương tự như cầu thang máy sẽ tự động lấy quả chuyển tới bộ phận sàng lọc các loại chất thải, tách bỏ ra khỏi quả. Cà tiếp tục được chuyển tới thùng đựng nước rửa rồi được các băng chuyền chuyển tới bộ phận sấy khô nước sức gió của quạt có công suất lớn. Tiếp đó, quả được đưa tới vùng phân chia thành các loại lớn nhỏ và đánh bóng rồi được đưa ra ngoài bằng các máng trượt, mỗi máng là một loại kích cỡ khác nhau.
Máy hoạt động cho năng suất 20 tấn mỗi ngày. Ảnh: Thạch Thảo |
Chiếc mày này hoạt động với công suất liên tục mỗi ngày 8 tiếng, đạt năng suất 20 tấn cà chua, bằng khoảng 20 nhân công lao động sử dụng phương pháp thủ công. Theo ông Chương, tùy vào quy mô của mỗi vựa thu mua cà chua mà công suất máy sẽ được tăng giảm cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, đang sử dụng máy rửa, phân loại, hong sấy khô nước và đánh bóng trái cà chua do ông Chương sáng chế, sản xuất. Ông Thành cho biết: "Ngay khi nghe tin anh Chương sáng chế ra loại máy này, tôi đã tìm đến nhà tìm hiểu. Thấy máy hoạt động tốt, đáp ứng được yêu cầu của gia đình nên tôi đã đặt anh Chương ngay một máy với giá 110 triệu đồng".
Theo lời ông Thành, đến nay, máy đã hoạt động được nửa năm nhưng chưa gặp sự cố nào. Nhờ chiếc máy này, ông làm được 20 tấn cà chua/ngày, bớt được khoảng 15 người làm, giảm được 3 triệu tiền thuê nhân công mỗi ngày.
Ngoài máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua, ông Nguyễn Hồng Chương còn là "cha đẻ" của 13 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp khác như máy gieo hạt tự động chân không, máy đóng đất vào vĩ xốp, máy đóng đất vào túi nylon…
Từ năm 2007 đến nay, kỹ sư chân đất này đã xuất bán khoảng 1.300 máy nông nghiệp các loại. Trong đó, trên 200 máy đã được xuất khẩu sang các nước như Malaysia, Đài Loan, Lào, Campuchia, Singapore…
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, dù không được đào tạo qua một trường lớp nào, ông Nguyễn Hồng Chương là một trong những nông dân của tỉnh đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều máy móc hữu ích phục cho nông nghiệp. "Các sản phẩm do anh Chương sáng chế rất thực tế, cho năng suất lao động cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại máy tương tự nhập từ nước ngoài", ông Tâm chia sẻ.