Được đầu tư xây dựng với kinh phí khổng lồ để phục vụ giải bóng đá lớn nhất hành tinh, nhưng sau khi trái bóng ngừng lăn, số phận những sân vận động hàng trăm triệu USD sẽ ra sao? Đó chính là điều mà không ít người dân bản địa quan tâm, thậm chí còn hơn cả việc ai sẽ trở thành nhà vô địch World Cup năm nay.
Đăng cai World Cup 2014, Brazil đã mạnh tay chi tới 11,3 tỷ USD để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ giải đấu. Trong đó, phần lớn dành vào việc xây dựng, đại tu 12 sân vận động chính. Tiếp đón những đội bóng mạnh nhất thế giới với dàn sao hùng hậu cùng hơn 600.000 du khách từ khắp nơi đổ về, chính quyền Brazil không thể xuề xòa.
Tuy nhiên, điều mà dân nghèo nhức nhối là kinh phí khổng lồ đó bị chính phủ lấy từ chính những khoản tiền thuế mồ hôi công sức của mình. Hơn thế, sau khi World Cup kết thúc, những công trình tiền tấn kia sẽ lại bị đắp chiếu và lãng quên.
Sân vận động Dunas tại Natal. Ảnh: Getty Images. |
Chưa nói đâu xa, ngay khi vòng bảng vừa khép lại, nhiều sân vận động đã trở nên hoang vắng, ảm đạm. Sân vận động Dunas tại thành phố Natal từng được đầu tư tới 450 triệu USD kinh phí xây dựng đang tạm đóng cửa sau khi hoàn thành nhiệm vụ World Cup. Trận đấu cuối cùng trong khuôn khổ vòng chung kết đã khép lại vào ngày 24/6. Các cổ động viên náo nhiệt cũng ra về, việc kinh doanh thời vụ nhanh chóng qua đi, chỉ còn lại những người dân nghèo với cuộc sống bị xáo trộn.
“Chúng tôi không biết phải làm gì tại sân vận động này sau khi World Cup kết thúc. World Cup là dành cho du khách chứ không phải người dân địa phương. Họ đã đi hết sau khi trận đấu cuối cùng khép lại”, một người bán hàng trước sân Dunas có tên là Marilia Sueli Ferreir nói.
Bà Maria Ivanilde Oliveira (62 tuổi), sống trong một ngôi nhà tồi tàn và rách nát, chỉ cách sân vận động Dunas đúng một con đường mới xây. Trong những ngày trận đấu diễn ra, không khí quanh đây sôi động và ngập tràn cờ hoa nhưng căn nhà bà vẫn ảm đạm, u tối.
"Tôi không dùng điện trong một năm rưỡi rồi, vì giá điện quá đắt" – bà Oliveira tâm sự.
Bà Maria Ivanilde Oliveira nhìn ra sân vận động Dunas từ ngôi nhà tồi tàn, u tối của mình. Ảnh: New York Times. |
Ngồi trong căn nhà tạm bợ của mình, bà vẫn nghe rõ tiếng quốc ca vang vọng, tiếng hàng chục nghìn cổ động viên reo hò… Tuy nhiên, bà chẳng bao giờ có đủ tiền để mua một tấm vé vào sân để trực tiếp xem một trận bóng. Bà không có việc làm, cũng chẳng nhận được bất cứ khoản tiền trợ cấp nào của chính phủ. Để có tiền mua gạo mỗi ngày, bà hành nghề bán đá lẻ cho người đi đường. Nhưng công việc này cũng không còn khi chính phủ xây đường lớn phục vụ World Cup.
“Đây không phải lỗi của World Cup mà là lỗi của chính phủ. Tiền đổ vào World Cup đáng lẽ ra có thể chi tiêu cho những thứ tốt đẹp hơn”, bà nói trong nghẹn ngào.
Có thể bà Oliveira ít học nhưng điều bà nói hoàn toàn đúng. Chi phí khổng lồ đổ ra xây dựng sân Dumas có thể giúp nhiều mảnh đời khốn khổ như bà Oliveira được cải thiện.
Không còn hàng chục ngàn cổ động viên bóng đá, không còn những tiếng hò reo, sân vận động tiền tỷ chỉ còn là sân chơi cho những đội bóng tầm thấp. Không có ai đứng ra hứa hẹn sẽ thuê lại sân, tương lai của Dunas hết sức u ám. Đa số 11 sân vận động còn lại cũng sẽ chịu chung số phận sau khi trái bóng World Cup ngừng lăn.
Thậm chí, một nhóm khảo sát từng đưa ra nhận định, các sân vận động đắt đỏ bậc nhất thế giới tại Brazil sẽ chỉ trở thành nơi để... chăn voi. Một lãnh đạo hệ thống nhà tù ở Amazon còn vui vẻ đề xuất dùng các công trình này để làm nơi canh giữ phạm nhân. Nghe có vẻ hài hước và phi lý nhưng đây có thể sẽ là những giải pháp tạm thời cho những công trình hoành tráng sau World Cup. Ít ra nó còn mang lại lợi ích kinh tế hơn là bỏ hoang hoặc đắp chiếu.