Mặt sân Lạch Tray thuộc diện tồi nhất ở V.League. Ảnh: Tùng Lê |
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc sân Lạch Tray mùa này không chỉ là địa điểm tổ chức thi đấu mà còn là nơi luyện tập của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng. Trước đây, khi Công ty xi măng Hải Phòng còn tài trợ cho đội bóng đất cảng, CLB Hải Phòng ăn ở tập trung và tập luyện tại huyện Thủy Nguyên, chỉ đến khi thi đấu mới đá trên sân Lạch Tray.
Mặt khác, theo ông Trần Mạnh Hùng, thời tiết lạnh giá của miền Bắc cũng là một lý do quan trọng khác khiến mặt cỏ sân Lạch Tray không kịp hồi phục.
Mặt sân quá xấu khiến khả năng chơi bóng của các cầu thủ bị ảnh hưởng. Ảnh: Tùng Lê |
Chia sẻ với những khó khăn khách quan từ phía đội bóng đất cảng, giám sát trận đấu giữa Hải Phòng và HAGL tại vòng 4, ông Nguyễn Văn Nhật cho biết: “Chất lượng không tốt của mặt sân Lạch Tray không phải đến bây giờ mới được nhắc đến nhưng do nhiều khó khăn nên không thể khắc phục một cách triệt để. Trong điều kiện giải đang diễn ra không thể có ngay phương án thay thế nên chúng tôi vẫn phải quyết định cho tổ chức trận đấu Hải Phòng - HAGL. Ngay khi có mặt tại Hải Phòng một ngày trước trận, chúng tôi đã nhắc nhở ban tổ chức về việc này và họ đã gấp rút khắc phục bằng cách ủi phẳng mặt sân suốt từ buổi tối hôm trước đến sáng ngày diễn ra trận đấu”.
Theo vị giám sát của VFF, trước khi bước vào vòng 4, mặt sân Lạch Tray đã đảm bảo độ phẳng. Nhưng do không có cỏ nên khi thi đấu đã dẫn đến tình trạng bị cày xới, nhấp nhô. Điều này tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chơi bóng của các cầu thủ.
Trao đổi cùng báo chí, Chủ tịch HĐQT VPF, ông Võ Quốc Thắng cũng nhấn mạnh tới chuyện CLB Hải Phòng sẽ đối diện với nguy cơ phải thi đấu trên sân trung lập nếu mặt sân Lạch Tray không đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Thời hạn mà VPF đưa ra là sau vòng đấu thứ 8 (ngày 14 và 15/2), khi V.League tạm ngừng gần 2 tháng để tập trung các đội tuyển quốc gia cũng là thời điểm CLB Hải Phòng cần hoàn thiện việc cải tạo mặt cỏ sân Lạch Tray.
Nếu chỉ trồng lại cỏ và không có sân tập riêng, mặt sân Lạch Tray vẫn sẽ xuống cấp rất nhanh. Ảnh: Đức HPFC |
Tuy vậy, địa điểm được ví như “thánh địa” của bóng đá Hải Phòng sẽ rất khó “thay da đổi thịt” trong một thời gian ngắn. Theo tìm hiểu của phóng viên, để làm một mặt cỏ mới đạt tiêu chuẩn giống như sân Mỹ Đình cần đến khoản tiền chừng 7 tỷ đồng, thêm vào đó là 2,5 tỷ tiền bảo dưỡng, chăm sóc mỗi năm. Đây là một bài toán không khác gì đánh đố với đội bóng đất cảng. Vì vậy, chủ tịch Trần Mạnh Hùng cho biết CLB Hải Phòng mới chỉ tính tới việc trồng lại cỏ chứ không làm lại hoàn toàn mặt sân.
Nhưng theo giám sát Nguyễn Văn Nhật: “Để có được một mặt cỏ mới cần khoảng 2 đến 3 tháng nhưng ngay cả khi có trồng xong cỏ, nếu CLB Hải Phòng không có sân tập riêng thì mặt sân Lạch Tray cũng sẽ xuống cấp rất nhanh”.
Điều đó cũng đồng nghĩa rằng khán giả sẽ còn nhiều phen chứng kiến cầu thủ “cày ruộng” trên mặt sân Lạch Tray và đội bóng đất cảng sẽ đối diện với nguy cơ đá sân trung lập ở bất cứ thời điểm nào.