Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM Nguyễn Thanh Toàn vừa ký văn bản báo cáo UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn. Trong đó, một số sân golf sẽ được điều chỉnh quy mô, một số được chuyển đổi công năng sử dụng vào mục đích khác.
Báo cáo này nhắc lại quyết định ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. TPHCM định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf gồm: sân GS Củ Chi (xã Tân Thông Hội), khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), sân golf Lâm Viên (quận 9), sân golf tại khu hỗn hợp sân golf thể thao, nhà ở tại phường An Phú (quận 2), sân golf Sing-Việt (Bình Chánh).
Sân golf Tân Sơn Nhất hiện hữu và trong quy hoạch điều chỉnh. |
Theo báo cáo của Sở QH-KT, trong 5 sân golf nêu trên, có sân GS Củ Chi đã điều chỉnh giảm quy mô từ 36 lỗ (200 ha) xuống còn 18 lỗ (90 ha); sân golf Sing-Việt có quy mô 70 ha tại xã Lê Minh Xuân đang trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch 1/500, chưa triển khai xây dựng. Sân Lâm Viên có quy mô 300 ha đang hoạt động.
Ngoài ra, theo quy hoạch điều chỉnh Sân bay Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải công bố vào đầu tháng 10/2018, tổng diện tích đất quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18 ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất quy hoạch bổ sung phía Nam và 171 ha đất quy hoạch bổ sung phía Bắc (chủ yếu là phần đất sân golf hiện nay).
Phần lớn diện tích sân golf hiện nay trở thành sân đậu và hangar sửa chữa máy bay, ga hàng hóa và khu dịch vụ hàng không, các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (như sân đỗ ô tô, đường giao thông, hệ thống thoát nước, cấp điện, cấp nước...). Quy hoạch này sẽ nâng tổng số vị trí đậu máy bay tại đây thành 106, cùng 4 hangar sửa chữa máy bay thân rộng.
Theo đánh giá của Sở QH-KT, ngoài những mặt tích cực, các sân golf có những hạn chế như vấn đề ô nhiễm môi trường do các hóa chất trồng cỏ chảy xuống mạch nước ngầm, lan vào khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Về điều kiện sử dụng đất để xây dựng sân golf, Sở QH-KT cho rằng có thể xem xét sử dụng đất lúa có năng suất thấp để chuyển mục đích sang làm sân golf. Tuy nhiên, do sân golf là một loại hình dịch vụ cao cấp không dành cho đa phần dân cư, dự án này thường sử dụng nhiều đất đai. Do đó điều kiện đầu tư kinh doanh phải hết sức chặt chẽ, tránh lãng phí quỹ đất và việc quy hoạch sân golf cần được tính toán hợp lý. Tránh việc quy hoạch sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất đô thị với lý do kinh doanh không hiệu quả.