“Các khu vui chơi hiện nay chưa theo kịp mong mỏi và xu thế, một số loại hình còn chưa được đầu tư đúng mức”, ông Hà Văn Sáu nhìn nhận.
Quá trình đô thị hóa khiến thành phố thay đổi, trong đó có không gian sinh hoạt của trẻ em. Nhu cầu vui chơi của trẻ em thành phố ngày một tăng và đòi hỏi sự đa dạng. Mặt khác, nhịp sống hiện đại khó cho phép quỹ thời gian của các phụ huynh đủ để tìm và đưa con đến sân chơi.
Điều này đặt ra vấn đề cần chuyên nghiệp hóa các mô hình vui chơi để thu hút trẻ em, để phụ huynh yên tâm “thả” con tự đi chơi hoặc gửi gắm cho nhà tổ chức cuộc chơi nào đó.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Trong cuốn sách “Không sợ hãi: Lớn lên trong một xã hội bớt rủi ro”, tác giả Tim Gill, cựu Giám đốc Hội đồng vui chơi dành cho trẻ em nước Anh (Children’s Play Council), nói về trải nghiệm thời thơ ấu là một trong các trọng tâm của quy hoạch đô thị thân thiện với trẻ em. Trong đó đề cập đến số lượng cơ sở vật chất và không gian mà thành phố dành cho trẻ.
Các nhà thiếu nhi của thành phố nên có thêm hồ bơi, khu thiên văn học, tìm hiểu robot hay bãi đất cắm trại...
Phó giám đốc Nhà thiếu nhi TP.HCM Hà Văn Sáu
Về không gian vật chất, tại TP.HCM, lấy dẫn chứng Nhà thiếu nhi thành phố (quận 3) với gần 200 tỷ đồng tạo ra khuôn viên 5.000 m2 và 12.000 m2 sàn sử dụng. Đây là một không gian dành cho trẻ em khá bề thế ở trung tâm thành phố, được đầu tư xây dựng và nâng cấp, nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước dịch Covid-19, nhà thiếu nhi phục vụ 200.000 lượt trẻ/năm. Hơn nửa đầu năm 2022, khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nơi đây đón 70.000 lượt thiếu nhi, hiện đã kín chỗ vào cao điểm.
“Nhưng tiếc là nơi đây vẫn chưa có hồ bơi, khu thiên văn học, tìm hiểu robot hay bãi đất cắm trại... phục vụ đa dạng nhu cầu của trẻ. Quanh đi quẩn lại bao năm vẫn chừng ấy hoạt động cũ”, ông Sáu giãi bày.
Theo ông Sáu, vui chơi cho trẻ em không chỉ đơn thuần có các môn thể thao, nghệ thuật phổ biến hiện nay. Các cháu cần thêm các sân chơi sáng tạo như robot, thiên văn học, vũ trụ và các kỹ năng như cứu hộ cứu nạn, tham gia giao thông, thoát hiểm, chống xâm hại... Tuy nhiên, các sân chơi dạng này và lượng trẻ em tiếp cận còn rất ít.
“TP.HCM đang có kế hoạch xây dựng cung thiếu nhi ở khu Thủ Thiêm. Nơi đây được kỳ vọng là sân chơi cho các thiếu nhi thành phố với đa dạng hình thức vui chơi, giải trí hiện đại như tôi kể trên”, Phó giám đốc Nhà thiếu nhi TP.HCM tiết lộ.
Công trình cung thiếu nhi ở Thủ Thiêm do Thành ủy, UBND TP.HCM chủ trương xây dành cho thiếu nhi thành phố, có tổng mức đầu tư là 515,7 tỷ đồng. Công trình dự kiến xây dựng 4-10 tầng, nằm trên khu đất gần 40.000 m2, kết nối với ga tàu điện ngầm bên cạnh giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch.
Cung văn hóa thiếu nhi sẽ phục vụ du khách và nhóm thiếu nhi, thiếu niên, nhóm gia đình. Các hạng mục được đầu tư gồm trung tâm thông tin công cộng, hồ bơi, sân chơi thiếu nhi, triển lãm nghệ thuật, phòng thí nghiệm hồ và thủy học, điểm dừng buýt đường thủy; rạp chiếu phim ngoài trời; cầu điêu khắc và mạo hiểm; vòm thiên văn; triển lãm ánh sáng...
Dự án này được thành phố đẩy tiến độ trong giai đoạn năm 2021-2025.
Vị trí khu đất dự án Cung thiếu nhi thành phố ở Thủ Thiêm (đoạn đường Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ). Ảnh: Quỳnh Danh. |
TS Tâm lý Giáo dục Nguyễn Hồng Phan, giảng viên khoa Giáo dục ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng thành phố đang thiếu quỹ đất để thực hiện các dự án cho thiếu nhi với quy mô lớn, đồng thời nhìn nhận vấn đề thiếu không gian vui chơi cho trẻ em ở thành phố là chuyện bình thường.
“TP.HCM là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ. Vì thế, những công trình xã hội như bệnh viện, trường học, thương mại phải được ưu tiên là lẽ đương nhiên”, TS Phan giải thích.
Cũng theo ông Phan, để đáp ứng đủ quỹ đất cho thế hệ trẻ thì phải phụ thuộc nhiều vào chiến lược phát triển của thành phố, vào sự quan tâm của các cơ quan chức năng thành phố.
Trước đây, UBND TP.HCM từng có đề án xây dựng ở mỗi khu phố có một trung tâm sinh hoạt văn hóa dành cho thanh thiếu nhi.
Trong đó yêu cầu các dự án khu dân cư cần được quy hoạch với diện tích khu vui chơi giải trí, công viên hợp lý, ở vị trí thuận lợi và được đầu tư song song với xây dựng nhà ở. Các trường học khi xây mới phải dành 30% diện tích mặt bằng để làm sân chơi, sân tập thể dục thể thao và trồng cây xanh. Song không phải địa điểm nào cũng đủ quỹ đất để thực hiện.
Điểm màu đỏ trên bản đồ cho thấy mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức đều có trung tâm sinh hoạt thiếu nhi. Nhưng không phải địa phương nào cũng có đủ sân chơi đáp ứng số lượng trẻ em trong khu vực. Ảnh: Google Maps. |
Sân chơi không chỉ cần mỗi đất và đồ chơi
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, Cố vấn Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên, phụ huynh ngày càng có yêu cầu cao hơn về các khu vui chơi. Ngoài không gian thoáng mát, đồ chơi đa dạng, những chi tiết nhỏ như ghế ngồi, nhà vệ sinh, bồn rửa tay, tủ giữ đồ… cũng là điều họ quan tâm.
Một công viên ở quận 7 có sân chơi trẻ em ngoài trời với nhiều bóng cây xanh, gió mát từ sông, đa dạng trò chơi cho trẻ các lứa tuổi, ghế ngồi cho phụ huynh và phục vụ miễn phí. Ảnh: Tâm Linh. |
Ông Huân đưa ra một số yếu tố mà sân chơi thiếu nhi cần đạt. Các khu vui chơi cần phân chia các khu theo các lứa tuổi khác nhau để đảm bảo an toàn. Trẻ đến khu vui chơi phải có người lớn quan sát quá trình con vui chơi để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, khu vui chơi cần được thiết kế an toàn, tránh đồ sắc, nhọn, đổ, ngã…
Theo ông Lê Minh Huân, hiện nay khu vui chơi ở các chung cư có xu hướng được đầu tư vì nơi đây nhiều trẻ con. Các chủ đầu tư khi xây dựng tính đến hạng mục sân chơi thiếu nhi để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, mức độ quan tâm đầu tư vào khu vui chơi trẻ em ở mỗi chung cư mỗi khác, được cái này mất cái kia.
Chẳng hạn, khu trò chơi cho trẻ ở các công viên Vinhomes quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức rộng rãi, nhiều đồ chơi và thân thiện với trẻ em ngoài khu vào chơi. Nhưng tại chung cư Sky Garden (quận 7) rộng hơn 100.000 m2, cư dân phải tận dụng góc nhỏ tầng lửng của tòa nhà chỉ vài chục mét vuông để bố trí vài cầu trượt, thú nhún cho trẻ chơi...
Ngoài ra, chia sẻ với Zing, một bà mẹ ở khu Thảo Điền (TP Thủ Đức) đề xuất ý kiến cá nhân rằng các phụ huynh hay người kinh doanh về giáo dục, có tâm huyết với trẻ em nếu có điều kiện hãy thử đầu tư mở một không gian vui chơi nhỏ ngay tại nơi họ sống. Mỗi người có thế mạnh về tài chính, về sáng kiến, về sư phạm, về tri thức… có thể kết hợp hoặc tự chủ tạo ra nơi cho trẻ chơi.
Đồng quan điểm trên, anh Huỳnh Trí Thiện, tiến sĩ ngành Quản lý thể thao, tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), hiện công tác trong lĩnh vực bóng đá và kinh doanh sân cầu lông ở thành phố, cho rằng vẫn có cách dành “đất” cho các bạn nhỏ từ lĩnh vực tưởng như không liên quan đến trẻ em, ví dụ như thể thao.
Cần hướng đến sự chuyên nghiệp và nghiêm túc trong việc đầu tư sân chơi trẻ em.
TS Huỳnh Trí Thiện
“Tạo không gian vui chơi cho trẻ em có nhiều cách. Không nhất thiết phải rộng, phải nhiều trò chơi là xong. Cần hướng đến sự chuyên nghiệp và nghiêm túc trong việc đầu tư các công trình này”, anh Huỳnh Trí Thiện, người tổ chức mô hình sân chơi thể thao cho trẻ em TP.HCM, nêu quan điểm.
Công tác trong đội bóng CLB TP.HCM, tại nơi tập luyện riêng của đội ở sân vận động quận 7, anh có sáng kiến sử dụng không gian sân làm nơi giải trí, hoạt động cho trẻ em thành phố vào những lúc trống lịch tập của CLB.
Theo TS Thiện, CLB sẽ tổ chức cho các bạn nhỏ là đến tham quan không gian bóng đá chuyên nghiệp, xỏ giày ra sân tập thử kỹ thuật bóng đá, giao lưu với cầu thủ, huấn luyện viên, ăn nhẹ trong một buổi.
Đây là mô hình có thể kết hợp với các trường học tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, hoặc phụ huynh tự đưa con đến tham gia. Khi vào, trẻ sẽ được quản lý bằng vòng mã số để trả cho đúng phụ huynh khi đón con. Mô hình này sẽ giúp phụ huynh yên tâm gửi con vui chơi mà không nhất thiết phải mất thời gian giám sát con.
“Tôi hướng tới nhu cầu và cơ hội cho trẻ có thời gian hoạt động thể chất sau khi ngồi trên ghế nhà trường. Mô hình của chúng tôi là cho trẻ vui chơi mang tính giáo dục, có tổ chức và có thể định hình sở thích thể thao cho các bé”, TS Huỳnh Trí Thiện nói.