Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân chơi riêng của đại gia ngoại ở Việt Nam

Các DN FDI có quá nhiều ưu đãi rồi và họ chủ yếu chơi với nhau. Sự đổ bộ và liên tục mở rộng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, chưa có dấu hiệu chuyển giao công nghệ cho DN nội.

90% doanh nghiệp “bỏ quên” công nghệ

Trong một chuyến khảo sát về trình độ công nghệ DN của các chuyên gia Hàn Quốc hồi tháng 8, do Bộ Công thương tổ chức, đã có không ít câu hỏi chuyên môn từ phía chuyên gia Hàn Quốc đưa ra mà phía DN Việt không trả lời được.

Thậm chí, tại một DN sản xuất linh kiện cho các hãng xe máy Toyota, Honda... ở Hà Nội, khi các chuyên gia người Hàn hỏi sâu hơn về việc vận hành một phần mềm kỹ thuật khá thông dụng trong quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm thì từ trưởng phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) đến tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT của DN này đều tỏ ra ngơ ngác. Cuối cùng, họ "thú nhận" là chưa bao giờ... tìm hiểu đến.

Câu chuyện trên chỉ là một lát cắt nhỏ của đời sống DN Việt, nhưng cũng đủ hé mở một khoảng trống lớn về năng lực cạnh tranh và cấp độ công nghệ của DN Việt Nam đang cách xa so với thế giới.

Chỉ khoảng 11% DN Việt nhận được chuyển giao công nghệ từ chính các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Chỉ khoảng 11% DN Việt nhận được chuyển giao công nghệ từ chính các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Một báo cáo điều tra hơn 8.000 DN về vấn đề trên do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Tổng Cục Thống kê và Đại học Conpenhagne, Đan Mạch thực hiện, đã ghi nhận thực tế trì trệ này.

Kết quả điều tra cho thấy, 90% DN đã không thực hiện cả 2 hoạt động là nghiên cứu R&D và cải tiến công nghệ mới. Chỉ có 3% DN có hoạt động cải tiến công nghệ, 5% DN có nghiên cứu triển khai.

Câu hỏi được đặt ra là có phải do DN Việt thờ ơ với vấn đề này, hay còn do các rào cản nào khác?

Theo GS Jonh Rand, thành viên nhóm nghiên cứu, hầu hết, các DN đều thấu hiểu giá trị của việc cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ nhưng để bắt tay đầu tư, họ gặp phải rất nhiều khó khăn. Cái khó lớn nhất vẫn là thiếu vốn. Trong khoảng hơn 500 DN ít ỏi có đầu từ các hoạt động trên, họ chỉ dành 4% chi phí nghiên cứu để phát triển công nghệ tiên phong, mới. Trong khi đó, kỳ vọng chuyển giao công nghệ từ làn sóng FDI vẫn còn rất xa vời.

Theo kết quả điều tra, chỉ có khoảng 11% DN Việt nhận được chuyển giao công nghệ từ chính các nhà nhập khẩu nước ngoài, 14% nhận được tác động tích cực này từ chính đối tác nước ngoài cung ứng đầu vào cho mình. Phần lớn, việc chuyển giao như vậy đều được quy định sẵn trong hợp đồng. Hiệu ứng lan toả công nghệ gián tiếp như các nhà hoạch định chính sách thu hút FDI trên thực tế không đạt được.

Đại gia ngoại quyết liệt thâu tóm thương hiệu Việt

Xây dựng thành công thương hiệu có thể mất cả chục, thậm chí cả trăm năm, nhưng đánh mất nó thì rất nhanh, nhất là khi các ông chủ Việt chủ quan để bị thâu tóm hoặc đơn giản chỉ là bán giá cao để thu tiền về.

Không cùng sân chơi

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: "DN Việt nhỏ và vừa không có nhiều quan hệ với FDI, là bởi, họ không cùng sân chơi với nhau. Các DN FDI có quá nhiều ưu đãi rồi và họ chủ yếu chơi với nhau".

"Ví dụ, ngoài ưu đãi cho Samsung, chúng ta còn ưu đãi cho công ty con, công ty vệ tinh tập đoàn này. DN tư nhân Việt Nam chịu thuế thu nhập 22%, họ chỉ chịu thuế có 10% trong 15 năm thì cần gì hợp tác chuyển giao công nghệ cho ta nữa?", bà Lan dẫn chứng.

Các ông chủ FDI lớn lại chưa tin, nếu không muốn nói là không muốn mở rộng cơ hội thực sự cho DN Việt.

Các ông chủ FDI lớn lại chưa tin, nếu không muốn nói là không muốn mở rộng cơ hội thực sự cho DN Việt.

Theo bà Lan, FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt không thực sự nhiều, nên chúng ta đừng nhìn vào kỳ vọng mà đưa ưu đãi, hãy nhìn vào vấn đề họ thực hiện ra sao. Theo phân tích của báo cáo, Việt Nam đã có một hệ thống chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ công nghệ cho DN khá đầy đủ, nhưng khoảng cách của chính sách này so với thực tiễn vẫn còn rất xa.

Luật Khoa học công nghệ năm 2013, có hiệu lực từ 1/1/2014, đã cho phép Ngân sách có thể hỗ trợ DN từ 30-50% vốn đầu tư, nếu như ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới.

DN kinh doanh có lãi còn được Nhà nước cho phép giữ lại 10% lợi nhuận để làm Quỹ phát triển khoa học công nghệ của mình mà không phải tính vào thu nhập chịu thuế...

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng đã được thành lập từ tháng 8 năm ngoái, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân sách cấp. Quỹ này không vì mục đích lợi nhuận, DN có thể vay ưu đãi để chuyển giao, đổi mới công nghệ. Nhưng số DN được tài trợ từ quỹ rất ít.

Ngay cả trong các chương trình hợp tác chuyển giao 100 công nghệ Hàn Quốc cho Việt Nam, hay hợp tác với Nhật Bản, tính thực tiễn thì cao nhưng lại thiếu vắng DN tham gia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ thêm,"Bộ KH-ĐT có nhắc đến là khoảng 838 DN được đăng ký chuyển giao công nghệ từ 2004-2012, nhưng không rõ, trong số này đã có bao nhiều DN làm thật rồi?. Liệu chăng, việc DN nhận hỗ trợ của Nhà nước xong rồi lại vẫn chưa thực hiện cuộc chuyển giao công nghệ nào?".

Trong khi đó, phía các ông chủ FDI lớn lại chưa tin, nếu không muốn nói là không muốn mở rộng cơ hội thực sự cho DN Việt. Như Samsung không bao giờ đưa ra lời hứa gì về chuyển giao công nghệ. Đại gia này một mực tuyên bố sẵn lòng tiếp nhận các DN Việt đủ năng lực để làm vệ tinh nhưng lại khuyến cáo, DN Việt chỉ nên gián tiếp làm nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 trước. Điều này đúng như bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: "để nâng cao trình độ công nghệ, DN Việt không thể và không nên trông chờ từ FDI".

'Đại gia' ngoại nắm 49% vốn nhà băng Việt

Tập đoàn tài chính United Oversea Bank (UOB) có thể sẽ là nhà đầu tư ngoại đầu tiên sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn trong một nhà băng Việt.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/206790/san-choi-rieng-cua-dai-gia-ngoai-o-viet-nam.html

Theo Phạm Huyền/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm