Đại gia ngoại quyết liệt thâu tóm thương hiệu Việt
Xây dựng thành công thương hiệu có thể mất cả chục, thậm chí cả trăm năm, nhưng đánh mất nó thì rất nhanh, nhất là khi các ông chủ Việt chủ quan để bị thâu tóm hoặc đơn giản chỉ là bán giá cao để thu tiền về.
>> Vì sao Highlands Coffee thâu tóm Phở 24?
>> Muốn giữ Bibica, cổ đông tâm huyết phải ôm ít nhất 25% cổ phần
Bán thu tiền và chủ quan mất tiền
Chỉ vài hôm trước Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), thị trường tài chính trong nước khá xôn xao với thông tin một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam là Phở 24 có thể vĩnh viễn rơi vào tay của các đại gia nước ngoài.
Dự đoán trên xuất phát từ thông tin được tung ra hôm 18/4 cho biết, Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24, trong khi chính Highlands Coffee lại bán 50% cho Jollibee. Thông tin giá cả mua bán và các chi tiết khác không được công khai và ông chủ Phở 24 Lý Quí Trung cũng không hề lên tiếng về vụ M&A này.
Mặc dù vậy, trong giới đầu tư tài chính, những lời đồn đại cho biết, giá cho giao dịch nói trên là hơn 20 triệu USD và đây là một bước trong lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands lẫn Phở 24 của Jollibee - một tập đoàn bán lẻ Philippines.
Phở 24 là một thương hiệu rất nổi tiếng của Việt Nam trong thời kỳ đầu. Cho dù được xây dựng và phát triển mới từ năm 2003 nhưng Phở 24 đã nhanh chóng được biết đến với chất lượng dịch vụ, sản phẩm tốt và có bản sắc rất riêng biệt.
Trong hai ba năm gần đây, thương hiệu Phở 24 có dấu hiệu dịch vụ sa sút và chất lượng không được đảm bảo tốt đồng nhất trong hệ thống giống như trước đó. Sự đi xuống về hình ảnh của Phở 24 có thể cảm nhận được khá rõ nét. Không còn nhiều người nhắc tới thương hiệu này như là một lựa chọn hàng đầu.
Với một vị thế như vậy, quyết định bán lại là khá dễ hiểu và nếu giá thực sự là 20 triệu USD thì có thể nói là khá hậu hĩnh.
Tuy nhiên, xét ở khía cạnh người đi mua, có lẽ họ cũng đã cân nhắc rất kỹ và dường như vụ mua Phở 24 thông qua Highlands Coffee của Jollibee là để khai thác thương hiệu này cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của tập đoàn này ở Philippines, cũng như khai thác trên các thị trường khác trên thế giới.
Việc đồn đoán Jollibee mới đích thị là người đi thâu tóm Phở 24 lan rộng sau khi Highlands Coffee bất ngờ mua 100% cổ phần của Phở 24, trong khi chính Highlands Coffee lại bán 50% cho Jollibee. Nhưng trên thực tế, với việc nắm giữ quyền chi phối như vậy, việc Jollibee là ông chủ mới của thương hiệu Việt Phở 24 không còn gì nhiều để bàn cãi.
Gần đây nhất, vụ tên miền tiếng Anh cà phê Chồn của Trung Nguyên bị cá nhân khác đăng kí và nhúng nội dung quảng bá cho thương hiệu cà phê sắp vào Việt Nam là Starbucks và một chuỗi lịch sử mất tên miền thương hiệu ở nhiều quốc gia khác cũng cho thấy phần nào sự chủ quan của các doanh nghiệp Việt đối với vấn đề thương hiệu.
Trên thực tế, Trung Nguyên cà phê là một thương hiệu mạnh cả ở trong nước và quốc tế. Thương hiệu cà phê chồn được rất nhiều biết đến với tên gọi Weasel Coffee với phiên bản đặc biệt là Legendee.
Mặc dù vậy, dường như Trung Nguyên không kiểm soát được hoặc quá chủ quan với việc bảo vệ những tên miền liên quan đến những sản phẩm đặc biệt này.
Vụ việc một cá nhân bất ngờ mua tên miền Legendeecoffee.com và quảng bá cho cà phê Starbucks - một thương hiệu cà phê nổi tiếng sắp vào Việt Nam và việc Trung Nguyên mua Legendee.com nhưng lại không mua Legendee.com.vn và Legendee.vn cho thấy doanh nghiệp này có vẻ như không đánh giá cao về thương mại điện tử và tầm quan trọng của việc bảo vệ các tên miền thương hiệu như vậy.
Có thể thấy, việc gây dựng thương hiệu là không hề dễ dàng. Những người chủ doanh nghiệp có thể phải bỏ ra rất nhiều tiền và mất rất nhiều thời gian để có thể có được một thương hiệu nổi tiếng nhưng trên thực tế đó cũng là một miếng mồi rất ngon mà nhiều người nhòm ngó.
Đến bị thâu tóm
Thực tế trên thị trường tài chính trong vài năm gần đây cho thấy, rất nhiều thương hiệu Việt có lịch sử phát triển vài chục cho tới cả trăm năm đã bị các đại gia nước ngoài đã và đang thâu tóm. Sự chủ quan và cách thức chống trả của những người trong cuộc khá yếu ớt đang khiến nhiều thương hiệu dần mất dạng trên thị trường.
Trở lại trường hợp Bibica, đây là thương hiệu bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam và đang có nguy cơ vĩnh viễn biến mất và rơi vào tay đại gia bán lẻ Lotte - Hàn Quốc.
Mặc dù tới thời điểm này vụ thâu tóm chưa tới hồi kết, cái tên Bibica vẫn được giữ lại nhưng tương quan lực lượng đang nghiên hẳn về phía "đối tác" ngoại. Sau 5 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua đối tác Bibica, đến nay Lotte đã nắm giữ được gần 40% cổ phần thương hiệu bánh kẹo đang có thị phần đứng thứ hai tại thị trường nội địa. Hiện tại, ngoài việc sản xuất những nhãn hiệu bánh kẹo truyền thống, Bibica đang phát triển khá mạnh một nhãn hiệu thuần túy có lợi cho Lotte - bánh Lottepie.
Việc biến mất một cái tên Bibica không còn phải là cảnh báo nữa mà là nguy cơ hiển hiện trước mắt.
Không giống như Bibica bị thâu tóm thông qua hợp đồng hợp tác mua cổ phần ban đầu và bị mua gom cổ phiếu lúc TTCK lao dốc, trường hợp của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại khác hẳn.
Sabeco chưa bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nhưng lại đứng trước nguy cơ bị thâu tóm một cách rất lạ thường bởi đối tác "độc quyền bán hàng, phân phối sản phẩm và marketing" của mình.
Sự việc bắt đầu từ một hợp đồng mà SATRACO - Công ty con của SABECO, được độc quyền bán, marketing, phân phối toàn bộ các sản phẩm do tổng công ty sản xuất ký kết hồi cuối năm 2009 với đối tác là Công ty Saigon Beer Alcohol Beverage Coporation (Singapore).
Theo đó, Sabeco Asia Pacific được độc quyền bán hàng, phân phối và marketing 4 sản phẩm chính của Sabeco tại 20 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Sự việc sẽ không có gì phải bàn nếu không chú ý đến thương hiệu của đối tác. Vì Sabeco Asia Pacific được làm độc quyền phân phối, tiêu thụ và cả marketing những sản phẩm nổi tiếng của Sabeco nên những quốc gia tiêu thụ các sản phẩm bia Sài Gòn qua nhà phân phối độc quyền Sabeco Asia Pacific đều có thể nghĩ rằng công ty có trụ sở tại Singapore này chính là chủ sở hữu thương hiệu Sabeco!
Và điều đáng lo ngại là, một khi Sabeco Asia Pacific đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới thì Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn sử dụng thương hiệu Sabeco sẽ là... phạm pháp!
Hơn thế, con dấu dùng để giao dịch của công ty này sử dụng chữ cũng như hình ảnh giống gần như y hệt hình ảnh thương hiệu của Sabeco, chỉ có điểm khác nhau một chút là chữ Sabeco trong hình ảnh thương hiệu của Sabeco nằm ở trên, hình con rồng nằm ở dưới.
Sự việc sau đó đã được báo cáo lên Bộ Công Thương để xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc. Tuy nhiên, tới nay vụ việc dường như đã rơi vào quên lãng và cách đây khoảng hơn 1 tháng giới tài chính lại chỉ xôn xao lên sau khi có thông tin tỷ lệ nắm giữ của Bộ Công thương tại Sabeco trong giấy đăng ký kinh doanh mới nhất bất ngờ giảm từ 89,59% xuống chỉ còn 51%.
Một câu hỏi là ai đã bỏ ra khoảng 17.000 tỷ đồng để sở hữu 40% cổ phần Sabeco. Sự việc trên đang rấy lên lo ngại về khả năng thương hiệu Sabeco có thể bị thâu tóm bởi đối tác nước ngoài.
Trước đó, năm 2002, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã phải đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu Vinataba khi thương hiệu này bị Công ty Sumatra (trụ sở chính tại Indonesia) đánh cắp tại Lào và Campuchia. Do đã đăng ký thương hiệu, Vinataba chứng minh được quyền sở hữu của mình, được Chính phủ Lào công nhận là DN chủ sở hữu thương hiệu Vinataba. Công ty Sumatra buộc phải hủy bỏ các sản phẩm mang thương hiệu Vinataba.
Theo VEF