Là người quản lý hoạt động tại Trung Quốc của Ngân hàng Quốc gia Australia, Danny Armstrong đã quen với tình trạng chậm chuyến và huỷ chuyến. Để không lỡ việc, ông phải dùng nhiều biện pháp và lập kế hoạch dự phòng.
Ông không phải là người duy nhất cảm thấy thất vọng với dịch vụ hàng không của quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo BBC, khi nói đến giờ giấc, sân bay Trung Quốc thuộc top những sân bay tồi tệ nhất thế giới.
Những hành khách chờ đợi lên máy bay tại một sân bay ở Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Năm ngoái, FlightStats đánh giá về độ đúng giờ của 188 sân bay trung bình và lớn trên thế giới. 14 trong số 20 sân bay đứng cuối bảng thuộc về Trung Quốc lục địa, Hong Kong và Đài Loan với tỷ lệ đúng giờ thấp hơn 60%.
Sân bay sai giờ nhiều nhất Trung Quốc toạ lạc ở thành phố Hàng Châu với tỷ lệ chuyến bay khởi hành đúng giờ là 41%. Con số của sân bay Phố Đông ở thành phố Thượng Hải (52%), Hong Kong (59%) và Bắc Kinh (64%) chỉ nhỉnh hơn một ít.
Tình trạng này tệ hơn năm 2014. Chỉ hơn 1/3 chuyến bay cất cánh đúng giờ tại 4 sân bay lớn nhất khu vực đồng bằng sông Dương Tử (Phố Đông và Hồng Kiều ở thành phố Thượng Hải, Hàng Châu Và Nam Kinh) – khiến chúng trở thành những sân bay hay xảy ra tình trạng trễ chuyến nhất từ trước đến nay.
Không phận hoạt động hẹp
Các chuyên gia hàng không cho biết, một trong những nguyên nhân chính là do quân đội kiểm soát phần lớn không phận Trung Quốc và chỉ dành cho máy bay dân sự một phần nhỏ trong khi ngành công nghiệp hàng không nội địa đang bùng nổ. Theo China Daily, con số chính xác dành cho các hãng hàng không thương mại là dưới 30%, trong khi ở Mỹ là 80%.
Điều này gây ra tình trạng chậm chuyến thường xuyên và thỉnh thoảng là huỷ chuyến khi quân đội muốn tiến hành tập trận. Mùa hè năm 2014, 12 sân bay buộc phải giảm 25% số chuyến bay trong 3 tuần để nhường bầu trời cho hoạt động huấn luyện quân sự.
Về mặt đúng giờ, các sân bay ở Trung Quốc luôn nằm cuối bảng. Ảnh: Getty |
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hàng không tiếp tục phát triển. Các hãng mua thêm nhiều máy bay hơn, bán ra nhiều vé và gây khó khăn cho hệ thống trong việc sắp xếp. Theo ước tính, các hãng hàng không Trung Quốc phục vụ 440 triệu lượt khách vào năm ngoái, tăng 11% so với năm trước đó. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, con số này tăng lên 1,2 tỷ lượt khách vào năm 2034.
Tình trạng hoạt động du lịch giải trí và công tác tăng kéo theo nhu cầu di chuyển bằng máy bay tăng vọt. Để giải quyết vấn đề này, Bắc Kinh quyết định nới rộng phạm vi hoạt động cho các hãng hàng không thương mại.
“Chính phủ nhận ra điểm hạn chế trong vấn đề không phận”, David Yu, Giám đốc điều hành ở châu Á của Cục Hàng không Quốc tế, nói. Ông cho biết, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh sẽ giải quyết giới hạn đó như thế nào.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tích cực xây dựng các sân bay lớn hơn và phấn đấu nâng cao hiệu quả của các cơ sở hiện tại bằng cách tăng số lượng chuyến bay đến và đi trong mỗi giờ, Steven Brown, giám đốc điều hành của Hiệp hội Hàng không Kinh doanh Quốc gia - trụ trở tại Washington, chia sẻ.
Để đạt được điều này, Trung Quốc đang áp dụng các thông lệ tốt nhất dành cho ngành công nghiệp hàng không. Hệ thống và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sánh ngang với phương Tây chỉ là vấn đề về thời gian.
“Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới”, ông nói.
Thời gian chết ở sân bay
Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường du lịch kết hợp công tác hàng đầu thế giới. Ảnh: Getty |
Đối với những công ty sử dụng dịch vụ hàng không để phục vụ kinh doanh ở Trung Quốc, những cải tiến của chính phủ chưa đủ để đáp ứng. Mất năng suất từ việc chậm chuyến kinh niên có lẽ là phàn nàn lớn nhất tại thời điểm này.
“Điều đó tác động lớn đến chúng tôi. Nếu người của chúng tôi tốn nhiều thời gian trong việc di chuyển, họ không thể làm được việc gì. Đó là thời gian chết”, Ray Chisnall, giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Gleeds, nói.
Với 30 đến 35 nhân viên di chuyển quanh đất nước mỗi tháng, công ty buộc phải nghĩ lại cách thức hoạt động. Những chuyến đi trong ngày đến các thành phố khác để dự những cuộc họp là một ví dụ. “Bạn có thể làm điều này nếu bạn chấp nhận sẽ trở về nhà vào lúc 2 hoặc 3h sáng”, Chisnall nói.
Thay vì về nhà, nhân viên của ông thường qua đêm trong khách sạn và ăn tối với khách hàng. Mỗi người trong nhóm của ông đều có điện thoại trang bị 4G để họ có thể trả lời email khi bị mắc kẹt nhiều giờ trong sân bay với wifi chất lượng kém.
Chisnall ước tính, những nhà quản lý cấp cao của ông thường tốn khoảng 10 đến 15% thời gian trong việc “mắc kẹt tại sân bay”.
Những thiệt hại khác mà các công ty phải chịu là mất các cơ hội trong kinh doanh do lỡ cuộc họp. Armstrong cho hay, ông từng phải biện hộ lý do đến trễ một cuộc họp với các nhà quản lý ngân hàng ở thủ đô Bắc Kinh.
Rất khó để xác định tác động của tình trạng chậm chuyến và hoãn chuyến bay đối với tổng thể nền kinh tế. Tuy nhiên, Li Xiao Jin, giáo sư tại Đại học Hàng không Dân sự Trung Quốc, nói với China Daily rằng nếu quân đội chuyển 10% không phận của họ cho hàng không thương mại, động thái này có thể khiến GDP của Trung Quốc tăng thêm 32,6 tỷ USD.
Sự giận dữ
Tại Trung Quốc, mỗi doanh nhân đều có một câu chuyện kinh hoàng để nói về việc chậm chuyến. Peter Arkell, giám đốc quản lý của công ty tư vấn nhân sự Carring Day, cho hay, một lần, ông đón chuyến bay lúc 19h tối từ thành phố Thượng Hải. Chuyến bay này bị hoãn hơn 5 tiếng và nguyên nhân đến từ “kiểm soát không lưu”, một lời giải thích mà các hãng hàng không hay sử dụng.
Ông lên chuyến bay sau nửa đêm và máy bay ở yên trên đường băng thêm 3 tiếng nữa trước khi bị huỷ. Tuy nhiên, hãng không đưa ra bất cứ lời giải thích nào và đưa các hành khách tới một khách sạn. Cuối cùng, chuyến bay cất cánh vào buổi trưa ngày hôm sau.
"Khi xảy ra tình trạng chậm chuyến, thời gian thường rất lâu. Thứ làm bạn bực mình không phải là thời tiết mà là lý do phổ biến của kiểm soát không lưu. Bị nhốt trong một không gian nhỏ, không thể đi bất cứ đâu và không có bất cứ thông tin nào, điều này có thể khiến bạn phát điên”, ông nói. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây phát sinh sự cố tại các sân bay ở Trung Quốc trong những năm gần đây, hành khách tràn ra đường băng để phản đối.
Để giảm bớt căng thẳng, nhiều doanh nhân từ chối các chuyến bay ngắn và sử dụng mạng lưới tàu cao tốc - thoải mái, đúng giờ và đang được mở rộng. Ví dụ, hành trình Thượng Hải – Bắc Kinh chỉ tốn 5 tiếng và cứ 10 đến 30 phút lại có một chuyến.
Tuy nhiên, những bất tiện của ngành hàng không ở Trung Quốc sẽ không cản trở các công ty tiếp tục đầu tư vào quốc gia này, hoặc ít nhất là chưa.
“Tôi nghĩ nhiều người đã tính và chấp nhận tình trạng này như một trong những chi phí để kinh doanh tại đây”, Amstrong nói.