Đêm 15/4, hành khách trên chuyến bay mang số hiệu BL 587 của Jetstar từ sân bay Phú Bài về Tân Sơn Nhất vào 21h10. Nhưng sau hai lần hoãn giờ bay thì hủy chuyến, dời sang chuyến 8h35 ngày 16/4, mỗi hành khách được bù 300.000 đồng và tự xoay sở chỗ nghỉ qua đêm vào thời điểm sau 24h, khi sân bay đã đóng cửa.
Chị Trần Thị Bích Phương (hành khách của chuyến bay BL 587) chia sẻ: “Mình ôm con chờ ngồi chờ đổi vé, bị móc túi mất điện thoại. Nếu chuyến bay không hoãn nhiều lần và hủy thì mình đâu phải mất tài sản oan như thế. Đêm khuya hai mẹ con ngồi khóc nức nở. Đường xá thì không rành, nhà nghỉ lại xa, không biết phải đi đâu. Hãng hàng không bồi thường mấy trăm nghìn cho khách như thế có đáng không”.
Trễ chuyến 10 giờ, khách phản ứng được trả 1 tô phở
Chuyện hoãn giờ bay đã trở nên quen thuộc với hành khách di chuyển bằng máy bay tại Việt Nam, nhất là với hàng không giá rẻ. Theo quy định tại Thông tư số 14/2015 của Bộ Giao thông vận tải, kể từ ngày 1/7/2015, khi hủy chuyến bay hoặc chậm chuyến kéo dài (khởi hành muộn quá 4 giờ so với thời gian cất cánh dự kiến) thì hãng hàng không phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách.
Mức phí bồi thường với chuyến bay nội địa của các hãng giá rẻ tối thiểu 200.000 đồng một khách với đường bay dưới 500 km. Với đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km phí bồi thường là 300.000 đồng/khách. Đường bay trên 1.000 km mỗi hành khách được bồi thường 400.000 đồng.
Trường hợp áp dụng với hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), nếu chuyến bay bị trễ, hoãn hoặc hủy, khách sẽ được hưởng các chính sách bồi thường từ hãng. Gồm, đền bù bằng dịch vụ với thời gian trễ chuyến 2 giờ trở lên khách sẽ được phục vụ miễn phí đồ uống nhẹ, trễ chuyến từ 3 giờ trở lên được cung cấp miễn phí các dịch vụ ăn uống tùy từng thời điểm. Nếu chậm từ 6 giờ trở lên hãng phải chịu trách nhiệm bố trí nơi nghỉ ngơi cho hành khách theo điều kiện thực tế của sân bay. Trễ chuyến trên 6 giờ (trong khoảng từ 22h đến 7h ngày hôm sau), hãng phải bố trí phương tiện về khách sạn, thứ tự của các lượt vận chuyển sẽ được ưu tiên cho các hành khách đặc biệt.
Nếu thời gian hoãn chuyến kéo dài trên 6 giờ hoặc hãng thông báo hủy chuyến bay, hành khách đã mua vé sẽ được hoàn lại tiền với mức giá cụ thể.
Riêng với các trường hợp bị hoãn chuyến, theo quy định của một số hãng bay, khách sẽ được bù bằng đồ ăn và tráng miệng, tùy theo buổi. Nhưng hiện nay, công tác hỗ trợ bữa ăn cho khách vẫn chưa được công khai.
Tình trạng hoãn, hủy chuyến của một số hãng hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ, ngày càng tăng. Ảnh minh họa. |
Anh Minh Khánh (quận 3, TP HCM) chia sẻ: “Tôi đi Đà Lạt trên chuyến bay của một hãng giá rẻ và bị delay gần 10 giờ nhưng hãng không nói tiếng nào. Đến khi có nhóm khách xuống quầy lễ tân phản ánh thì nhân viên cáu gắt. Sau đó, mỗi hành khách trong nhóm này được ăn 1 tô phở trong sân bay miễn phí. Riêng những khách không ý kiến thì coi như không biết, không được đền bù, dù chỉ là tô phở".
Chia sẻ về những lần công tác nước ngoài, anh Phạm Đăng (Cần Thơ) nói, thủ tục của các hãng bay nước ngoài nghiêm túc lắm, nhưng mọi thứ đều công khai. Theo anh Đăng, dĩ nhiên nước ngoài cũng có hoãn chuyến bay. Cụ thể, có lần anh bay từ Seattle (Mỹ) đến Bắc Kinh (trung Quốc) của hãng United Airlines (Mỹ). Hãng thông báo hoãn bay 2 giờ vì lý do máy bay hỏng. "Hành khách được ăn tối, xếp hàng nhận mỗi người một vocher 25 USD. Sau đó máy bay vẫn chưa sửa xong nên hãng điều xe đưa khách về khách sạn ngủ miễn phí, chờ chuyến bay sáng hôm sau”, anh Đăng nói.
Khách chậm chuyến bị phạt mức phí bằng ghế mới
Tuy nhiên, nếu khách đến muộn làm thủ tục bay, hành khách phải bồi thường với mức phí theo quy định riêng của từng hãng. Mức phí đóng phạt tương đương với việc khách hàng sẽ mua một chiếc ghế mới.
Hành khách N.T.N.A (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, chị đi từ Huế về TP HCM trên chuyến bay Vietnam Airlines. Chuyến bay bắt đầu từ 17h55 ngày 19/4. Chị đến trước 30 phút làm thủ tục, nhân viên bán vé cho hay chị đến muộn nên hủy vé. Và do là trong chương trình khuyến mãi chị mua luôn vé khứ hồi nên vé không đổi được, bắt buộc chị phải mua vé mới với giá 1,6 triệu đồng.
Theo nhiều hành khách, việc lựa chọn hàng không giá rẻ không đồng nghĩa với chuyện bị phục vụ kém chất lượng. Vì đối với một số người có đặc thù thường xuyên di chuyển công tác, họ sẽ có sự lựa chọn phù hợp để đảm bảo tiến độ công việc.
“Ở Việt Nam, nói hãng giá rẻ cũng không hẳn rẻ. Tôi ví dụ hãng hàng không quốc gia, giá vé họ đắt hơn nhưng khách được mang hành lý nhiều hơn, ăn uống nhiều, dịch vụ tốt hơn. Những chi phí đó cộng lại cũng bằng với chênh lệch của vé giá rẻ. Hành khách đi giá rẻ phải tự túc ngay cả chai nước lọc", anh Tấn Khoa (quận 7, TP HCM) chia sẻ.
Theo Thông tư số 10 của Bộ Giao thông vận tải, mức phí đóng phạt dựa trên những tính toán của hãng hàng không. Theo đại diện Jetstar Pacific, khách đến muộn giờ bay của hãng này phải đóng phí phạt 450.000 đồng/vé/người.
"Tất nhiên, phí phạt vẫn thấp hơn khách mua lại 1 vé mới. Tiền phạt đó đồng nghĩa với việc hành khách sử dụng 2 ghế của máy bay, một ghế khách book trước, nhưng không đến kịp để đi. Ghế thứ 2 là ghế mới, nhưng nếu so với giá mua mới hoàn toàn tại thời điểm đó để đi gấp thì có thể lên đến 1 hoặc 2 triệu đồng tùy chuyến”, vị này nói.
Cũng theo đại diện Jetstar Pacific, việc mức phạt và tiền đền bù cho khách khi hủy chuyến là hai vấn đề khác nhau. Bản thân hãng hàng không họ cũng thiệt hại khi hủy chuyến và đền bù cho khách. Lấy ví dụ máy bay có 180 ghế nhân cho 300.000 đồng tiền bù thì mất khoảng 54 triệu, chưa tính các dịch vụ ăn uống miễn phí, nhưng sau này bù luôn bằng tiền mặt. Không dừng lại ở đó, hãng còn phải chịu thêm các chi phí sửa chữa, nhiên liệu,… Tính ra hủy một chuyến bay hãng mất phí gần bằng 1 chuyến bay đi có đầy đủ khách.
Trường hợp không được bồi thường
Theo quy định, trường hợp chậm chuyến, hoãn chuyến hoặc hủy chuyến xuất phát từ các nguyên nhân khách quan như: thời tiết xấu, thiên tai, an ninh… sẽ nằm ngoài diện bồi thường.