Kinh doanh
Sân bay quốc tế Hong Kong lao đao trong cơn bão biểu tình
- Thứ năm, 15/8/2019 11:10 (GMT+7)
- 11:10 15/8/2019
Sân bay quốc tế Hong Kong, cảng hàng không vừa bị gián đoạn hoạt động vì biểu tình, là một trong những sân bay đông khách nhất thế giới, đóng góp 8% vào GDP thành phố năm 2018.
|
Ngày 12/8, khoảng 5.000 người biểu tình tràn vào Sân bay quốc tế Hong Kong, khiến ban lãnh đạo sân bay phải hủy bỏ tất cả các chuyến bay trong ngày. Dịch vụ tiếp tục bị gián đoạn ngày 13/8 và chỉ được nối lại vào ngày 14/8. Cuộc biểu tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những cảng hàng không đông đúc nhất thế giới và có vị thế quan trọng đối với kinh tế Hong Kong. Ảnh: Bloomberg. |
|
Sân bay quốc tế Hong Kong nằm ở đảo Xích Lạp Giác (Hong Kong) trải rộng trên diện tích khoảng hơn 12 km2. Sân bay được xây dựng trong vòng 6 năm với kinh phí 20 tỷ USD và trở thành sân bay lớn nhất thế giới vào thời điểm khánh thành năm 1998. Đến nay, Sân bay quốc tế Hong Kong vẫn là một trong những cảng hàng không lớn nhất thế giới. Ảnh: Time Out. |
|
Sân bay Hong Kong là trung tâm chính của các hãng hàng không như Cathay Pacific Airways, Cathay Dragon, Hong Kong Express Airways và Air Hong Kong, đồng thời là điểm quá cảnh của một số hãng hàng không bao gồm China Airlines, China Eastern Airlines, Singapore Airlines và Air India. Hãng hàng không UPS Airlines cũng sử dụng Sân bay quốc tế Hong Kong như trung tâm hàng hóa quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Aerotime. |
|
Hiện tại, Sân bay quốc tế Hong Kong phục vụ khoảng 120 hãng hàng không với 220 điểm đến trên khắp thế giới. Năm 2018, cảng hàng không tiếp nhận khoảng 74,7 triệu hành khách với 427.725 chuyến bay. Ảnh: Getty Images. |
|
Ngoài phục vụ ngành hàng không, Sân bay quốc tế Hong Kong còn kiếm lời từ các hoạt động kinh doanh của hơn 320 cửa hiệu và 100 hàng ăn tại đó. Ảnh: Getty Images. |
|
Tiến sĩ Law Cheung Kwok, Giám đốc chính sách của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách hàng không tại Đại học Trung Quốc, cho biết lợi ích kinh tế trực tiếp do Sân bay quốc tế Hong Kong tạo ra chiếm khoảng 3,5% GDP Hong Kong. Những lợi ích gián tiếp, bao gồm chi tiêu của khách du lịch và dân địa phương tại sân bay, chiếm đến 5% tổng GDP thành phố. Ảnh: Nikkei. |
|
Theo South China Morning Post, năm ngoái sân bay thành phố đã xử lý 5,1 triệu tấn hàng hóa có giá trị 437 tỷ USD. Ảnh: Levaco. |
|
Sân bay quốc tế Hong Kong cũng được chính quyền thành phố đầu tư để mở rộng và phát triển. Theo Bloomberg, Hong Kong đã chi đến 18 tỷ USD để xây dựng thêm nhà ga và đường băng cho sân bay này. Chính quyền ước tính dự án sẽ thu về 58 tỷ USD vào năm 2061. Ảnh: CNN. |
|
Năm ngoái, giới chức trách thành phố cho phép tập đoàn New World Development xây dựng khu phức hợp mua sắm - giải trí Skycity trị giá 2,5 tỷ USD. Skycity sẽ là trung tâm mua sắm lớn nhất thành phố, dự kiến khánh thành năm 2023. Ảnh: Skycity. |
|
New World muốn tận dụng lợi thế từ sân bay đông khách nhất thế giới để đưa Skycity trở thành trung tâm giải trí hàng đầu khu vực. Bên cạnh đó, cầu vượt biển dài nhất thế giới nối sân bay Hong Kong với Macau và thành phố Chu Hải phía nam Trung Quốc, vừa khánh thành vào năm ngoái. Ảnh: Skycity. |
|
Theo ông Law Cheung Kwok, cuộc biểu tình khiến hoạt động của sân bay đã bị gián đoạn trong 2 ngày rưỡi, thiệt hại 77 triệu USD mỗi ngày. Ảnh: CNN. |
|
Các cuộc biểu tình khiến sân bay Hong Kong rơi vào tình trạng tê liệt. Nhiều quốc gia cảnh báo công dân về việc đi du lịch đến Hong Kong. Ảnh: Bloomberg. |
|
Giới quan sát Hong Kong lo sợ du khách quốc tế và địa phương sẽ tránh sử dụng sân bay Hong Kong để di chuyển hoặc quá cảnh. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể rời vốn đi nơi khác nếu cơn bão chính trị này tiếp tục kéo dài. Ảnh: EPA. |
|
"Những tổn thương dài hại của ngành công nghiệp hàng không Hong Kong sẽ cực kỳ lớn vì danh tiếng của Hong Kong - biểu tượng một trung tâm hàng không thế giới - bị đe dọa", ông Law nhận định. Ảnh: Getty Images. |
Sân bay quốc tế Hong Kong
Bão
Hong Kong
sân bay
biểu tình ở Hong Kong
kinh tế Hong Kong