Thị trường chip nhớ đang rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Bloomberg. |
Theo CNBC, Samsung sẽ công bố báo cáo tài chính quý I trong tuần này. Hãng có thể ghi nhận quý tệ nhất 14 năm do giá chip nhớ - mảng kinh doanh cốt lõi - sụt giảm vì nhu cầu yếu.
Hồi đầu tháng, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc dự báo lợi nhuận hoạt động trong quý I đạt 600 tỷ won (tương đương 449 triệu USD). Đây sẽ là mức thấp nhất cùng kỳ kể từ năm 2009.
Samsung là công ty sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Sản phẩm này được sử dụng trong mọi thứ, từ máy tính đến máy chủ trong trung tâm dữ liệu.
Thời kỳ suy thoái của thị trường
Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về đồ điện tử đã tăng cao do mọi người bị mắc kẹt ở nhà. Các công ty mua chip ồ ạt để dùng cho những sản phẩm của mình.
Nhưng lạm phát và những lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Tồn kho chip nhớ do đó cũng tăng cao.
Chẳng hạn, dữ liệu của IDC chỉ ra các lô hàng máy tính đã sụt giảm 29% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu sụt giảm và tình trạng tồn kho cao khiến giá chip nhớ lao dốc trong vài tháng qua.
"Thị trường chip nhớ đang rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ", hãng CrispIdea nhận định. Theo đó, dù ngành công nghiệp xe điện phát triển, thị trường điện tử tiêu dùng và máy chủ truyền thống vẫn lao dốc nghiêm trọng.
Các nhà phân tích tại Mirae Asset Securities ước tính rằng bộ phận chip của Samsung sẽ lỗ 4.400 tỷ won trong quý đầu tiên.
Nỗ lực "cứu" lợi nhuận
Hồi đầu tháng, Samsung Electronics tiết lộ sẽ cắt giảm "đáng kể" sản lượng chip. Tập đoàn cũng cho biết nhu cầu chip nhớ đã giảm mạnh vì nền kinh tế toàn cầu suy yếu. Các nhà sản xuất mua ít hơn do tồn kho vật liệu (chip nhớ) vẫn cao.
"Chúng tôi đang cắt giảm sản lượng chip nhớ một cách đáng kể, nhất là những sản phẩm đã được đảm bảo về nguồn cung", Samsung tuyên bố.
Hãng công nghệ Hàn Quốc không tiết lộ quy mô của kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Trước đó, hầu hết nhà sản xuất chip nhớ đều cắt giảm sản xuất và trì hoãn kế hoạch mở rộng từ nửa cuối năm 2022 nhằm đối phó với tình trạng nền kinh tế toàn cầu suy yếu nhanh chóng. Nhưng riêng Samsung Electronics - nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới - vẫn không thay đổi hướng đi.
Chúng tôi đang cắt giảm sản lượng chip nhớ một cách đáng kể, nhất là những sản phẩm đã được đảm bảo về nguồn cung
Samsung
Các nhà phân tích tại NH Investment and Securities cho rằng lợi nhuận của Samsung sẽ phục hồi trong quý III. Theo đó, việc cắt giảm sản lượng "sẽ tác động tích cực đến cung - cầu chip nhớ".
Mirae Asset Securities dự đoán tồn kho chip nhớ tại Samsung sẽ đạt đỉnh trong quý II, sau đó nhu cầu có khả năng phục hồi.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn những áp lực trong tương lai. "Giá chip nhớ sẽ tiếp tục lao dốc trong các quý tới, do lượng hàng tồn kho vẫn ở mức kỷ lục, tạo thêm áp lực lên giá", nhóm phân tích của CrispIdea bình luận.
"Sau thời kỳ bùng nổ trong đại dịch, nhu cầu về công nghệ vẫn bị chèn ép bởi lạm phát và lãi suất tăng cao", nhóm chuyên gia nói thêm.
Nguy cơ lợi nhuận của Samsung sụt giảm mạnh làm dấy lên những lo ngại về việc nền kinh tế Hàn Quốc đã có phần phụ thuộc vào một gã khổng lồ. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải hồi chuông cảnh báo đối với nền kinh tế thứ 4 châu Á hay không.
"Sự suy yếu không phải vấn đề của một mình Samsung, mà là của tất cả chúng ta", Chosun Ilbo - tờ báo lớn nhất đất nước - bình luận sau báo cáo tài chính sơ bộ của Samsung. Bài viết cho rằng Samsung và Hàn Quốc nên rút kinh nghiệm từ bài học của Nokia và Phần Lan.
Quốc gia Bắc Âu này đã rơi vào khủng hoảng sau sự sụp đổ của đế chế công nghệ Nokia.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.