Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Samsung giảm lợi nhuận, kinh tế Hàn Quốc lao đao

Việc Samsung ghi nhận lợi nhuận thấp nhất 14 năm là đòn giáng mạnh lên kinh tế Hàn Quốc. Điều đó cũng làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc của nước này vào tập đoàn.

Tổng doanh thu của Samsung Group chiếm 18,3% GDP của Hàn Quốc vào năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

Theo Nikkei Asia, thứ sáu tuần trước, ông Choo Kyung-ho - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc - đã có chuyến thăm đến nhà máy của Samsung Electronics ở phía nam Seoul. Gã khổng lồ công nghệ là động lực tăng trưởng lớn của kinh tế Hàn Quốc, là niềm tự hào của nhiều công dân nước này.

"Chất bán dẫn được coi là lúa gạo của ngành công nghiệp, nhưng tôi cho rằng chúng là phao cứu sinh và còn quan trọng hơn cả gạo", ông Choo nói với ông Kyung Kye-hyun - CEO Samsung.

"Nếu không có chất bán dẫn, cả ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế của chúng ta sẽ đều đóng băng", ông nhấn mạnh.

Rắc rối của Samsung

Nhưng chuyến thăm đã bị lãng quên bởi một thông báo mà Samsung đưa ra cùng ngày. Theo đó, họ dự báo trong quý đầu tiên, lợi nhuận hoạt động sẽ giảm 96% so với cùng kỳ năm trước xuống 600 tỷ won (463 triệu USD).

Đế chế công nghệ này cũng phải cắt giảm sản lượng chip nhớ trong bối cảnh dư thừa nguồn cung toàn cầu.

Tuyên bố đã giáng một đòn mạnh, vì đây là lần đầu tiên sau 14 năm, lợi nhuận hoạt động quý của Samsung Electronics rơi xuống dưới 1.000 tỷ won, thậm chí thấp hơn báo cáo sơ bộ của LG Electronics.

Sự suy yếu không phải vấn đề của một mình Samsung, mà là của tất cả chúng ta

Chosun Ilbo - tờ báo lớn nhất Hàn Quốc

Tuyên bố của Samsung cũng làm dấy lên những lo ngại về việc nền kinh tế Hàn Quốc đã có phần phụ thuộc vào một gã khổng lồ. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải hồi chuông cảnh báo đối với nền kinh tế thứ 4 châu Á hay không.

"Sự suy yếu không phải vấn đề của một mình Samsung, mà là của tất cả chúng ta", Chosun Ilbo - tờ báo lớn nhất đất nước - bình luận. Bài viết cho rằng Samsung và Hàn Quốc nên rút kinh nghiệm từ bài học của Nokia và Phần Lan.

Quốc gia Bắc Âu này đã rơi vào khủng hoảng sau sự sụp đổ của đế chế công nghệ Nokia.

Dĩ nhiên, Samsung Electronics không chỉ được biết tới với chất bán dẫn. Hãng còn là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu và sản xuất một loạt sản phẩm khác, bao gồm thiết bị gia dụng.

Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc cũng đóng góp vai trò quan trọng về xuất khẩu, việc làm và thuế. Samsung Electronics còn là trụ cột của Samsung Group, bao gồm 60 công ty to nhỏ trong các lĩnh vực khác nhau, từ đóng tàu tới bảo hiểm nhân thọ. Tổng doanh thu của tập đoàn chiếm 18,3% GDP của Hàn Quốc vào năm 2021.

Cần giảm phụ thuộc

Nomura dự báo Hàn Quốc có thể đã suy thoái trong quý I. Điều này sẽ dẫn tới sự sụt giảm về sản xuất trong bối cảnh tiêu dùng giảm tốc.

Nền kinh tế đã suy yếu 0,4% trong quý IV/2022 so với quý trước đó. Ngày 25/4, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ công bố báo cáo sơ bộ về GDP quý đầu năm.

Trong khi đó, Moody's Analytics cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ gặp khó trong cả năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là những rắc rối trong lĩnh vực công nghệ.

"Với sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu, sản xuất chip và sản phẩm điện tử đi xuống, cùng với đà phục hồi của Trung Quốc, xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ gặp khó từ giờ đến nửa cuối năm", ông Dave Chia - chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics - nhận định.

Nhưng Thống đốc BOK Rhee Chang-yong phản bác rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhờ ngành công nghiệp ôtô và các thế mạnh khác.

Ngân hàng trung ương dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,6% vào năm 2023, chậm lại so với mức tăng trưởng 2,6% của năm ngoái.

Chất bán dẫn - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc - bước vào đà sụt giảm. Do đó, ngành công nghiệp pin xe điện và ôtô trở nên quan trọng hơn.

Trong tháng 3, xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc đã tăng 64,2% so với một năm trước đó lên 6,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu chất bán dẫn giảm 34,5% xuống 8,6 tỷ USD cùng kỳ.

Mới đây, Hyundai Motor Group cho biết sẽ đầu tư 24.000 tỷ won tới năm 2030 để mở rộng sản xuất xe điện.

Ông Jung Kyu-chul - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Phát triển Hàn Quốc - cho rằng chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển vọng ở những lĩnh vực khác nhau, nhằm tránh phụ thuộc vào một tập đoàn duy nhất.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Fed đã thay đổi lập trường như thế nào

Sau một loạt dữ liệu nóng hơn dự kiến, một số quan chức Fed nghiêng về việc tăng lãi suất 0,5 điểm %. Nhưng hàng loạt vụ sụp đổ trong lĩnh vực ngân hàng buộc họ phải nghĩ lại.

Giá thuê nhà trên trời, người nước ngoài ở Singapore lao đao

Giá thuê nhà tại Singapore tăng mạnh khiến nhiều người nước ngoài phải thắt lưng buộc bụng. Một số thậm chí còn cân nhắc rời khỏi nước này.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm