Cụ thể, Samsung Securities đang đẩy nhanh quá trình tiến vào thị trường tài chính Việt Nam qua con đường mua lại cổ phần của các công ty quản lý quỹ thay vì thành lập doanh nghiệp mới, một hình thức mở rộng ra thị trường nước ngoài thường thấy.
Động thái này cho thấy Samsung Securities đang chuyển hướng sang các thị trường nước ngoài để không bị các đối thủ bỏ lại phía sau.
Theo chia sẻ của các nhà chức trách trong ngành hôm 6/9, Samsung Securities mua lại cổ phần tại Dragon Capital qua hình thức hợp tác với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư đến từ Hong Kong. Theo kế hoạch, Samsung Securities thông tin chi tiết về thương vụ mua lại cổ phần của Dragon Capital trong cuộc họp hội đồng quản trị ngày 7/7 và hoàn thiện phần dự thảo hợp đồng .
Samsung Securities và Caldera Pacific sẽ liên doanh để trở thành cổ đông lớn thứ hai với 40% cổ phần tại Dragon Capital.
Samsung Securities sẽ sở hữu khoảng 10% cổ phần của Dragon Capital. Nguồn tin cho hay Samsung Securities sẽ chi một khoản đáng kể cho thương vụ mua lại cổ phần này.
Dragon Capital là công ty quản lý tài sản lớn nhất Việt Nam với tổng lượng tài sản quản lý hiện ở mức 900 triệu USD. Công ty này cũng đóng vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn từ Hong Kong vào Việt Nam.
"Việc mở một văn phòng hay một quỹ tại nước ngoài như cách thông thường sẽ mất nhiều thời gian và phải bơm nhiều nguồn lực để có hiệu quả. Trong khi việc mua lại cổ phần của một công ty quản lý quỹ tại nước sở tại cho phép tập đoàn có được một mạng lưới bán hàng và cơ sở hạ tầng hiệu quả và tiết kiệm chi phí", một nguồn tin trong chính phủ Hàn Quốc chia sẻ với Bussiness Korea.
Samsung đang muốn tiến sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc mua lại 10% cổ phần Dragon Capital. Ảnh: Bussiness Korea. |
Không giống như Mirae Asset, tập đoàn Shinhan Financial hay Korea Investment, những đơn vị đã thành lập công ty con tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu gia nhập thị trường, Samsung Securities trước đây chưa hợp tác với các quỹ Việt Nam trừ quan hệ đối tác chiến lược với Công ty CP Chứng khoán TP.HCM. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường cho rằng có khả năng Samsung Securities sẽ mua thêm cổ phần tại các đơn vị khác và khoản đầu tư tại Dragon Capital chỉ là sự khởi đầu.
Hiện có 5 quỹ đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam là Mirae Asset Daewoo, NH Investment, Korea Investment & Securities, Golden Bridge và Shinhan Financial Investment với tổng cộng 7 văn phòng và công ty con. Korea Investment & Securities đã nâng mức sở hữu tại KIS Việt Nam lên 98,2% sau khi thành lập đơn vị này qua thương vụ mua lại 49% cổ phần của EPS securities Việt Nam.
NH Investment & Securities cũng đã gia nhập thị trường Việt Nam thông qua văn phòng tại TP.HCM từ năm 2007. Vào năm 2009, công ty này tiếp tục gia tăng hiện diện tại thị trường Việt Nam bằng cách mua lại 49% cổ phần của CBV Việt Nam, một quỹ đầu tư trong nước. NH Investment & Securities đang đàm phán với CBV để nâng sở hữu lên 100%.
Trong bối cảnh doanh thu tại nước ngoài của các công ty đầu tư Hàn Quốc giảm mạnh, cơ quan chức năng nước này đang chú ý tới những nguy cơ tại các thị trường ngoại quốc.
Năm ngoái, một vài chi nhánh của một quỹ đầu tư Hàn Quốc tại nước ngoài đã báo lỗ ròng 4,5 triệu USD do chi phí bán hàng và quản lý tăng đột biến, gây tổn thất về định giá theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Các công ty chứng khoán lớn của Hàn Quốc đã tham gia vào Việt Nam cũng đặt mục tiêu mở rộng các lĩnh vực kinh doanh mới như ngân hàng đầu tư và hoạt động quản lý quỹ, tách khỏi doanh số bán hàng theo định hướng môi giới.