Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Samsung lại xin vượt khung: Con cưng sẽ được chiều?

Tiếp tục đề xuất xin ưu đãi “vượt khung” cho Dự án Samsung CE Complex (SECC), Samsung trở thành nhà đầu tư (NĐT) lớn đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ.

Song theo các chuyên gia, mặc dù Samsung có đóng góp cho nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu (XK), song cần cân nhắc chính sách ưu đãi sao cho phù hợp, tương xứng và thận trọng để tránh “lối mòn” cứ đầu tư là xin ưu đãi.

Dự án SECC có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD tại TP.HCM được Samsung đề xuất ưu đãi miễn thuế lên đến khoảng 15,5 triệu USD. Theo đó, có 3 ưu đãi được Samsung đề xuất: Một là miễn thuế nhập khẩu (NK) cho các vật tư xây dựng mà dự án SECC phải NK. Hai là, miễn thuế NK cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày sản xuất hoặc khi các dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Ba là, có chế độ ưu tiên với thủ tục hải quan.

Liên tục xé rào

Samsung cho rằng, do các sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn toàn cầu và các tiêu chuẩn quốc tế khác, nên việc tìm kiếm kênh cung cấp vật liệu cần có thời gian dài để kiểm tra, đánh giá nhà cung cấp. Trong khi đó, tiến độ xây dựng nhà máy hiện rất khẩn trương, các nhà cung ứng trong nước không thể cung cấp được nhu cầu vật tư, nên Samsung muốn được chủ động nguồn cung nguyên vật liệu về chất lượng cũng như tiến độ cung ứng.

Với đề xuất xin miễn thuế NK nguyên vật liệu cho sản xuất, tập đoàn này cho rằng dự án SECC có quy mô lớn, tiến độ giải ngân nhanh nên sẽ đối mặt với khó khăn, rủi ro nhất định, đặc biệt là chi phí khấu hao tài sản cố định ban đầu rất cao. Do đó, dự án sẽ đối mặt với khó khăn cũng như thiếu khả năng cạnh tranh về giá thành, nên cần hỗ trợ thuế để tạo điều kiện cho dự án phát triển.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là với các đề xuất ưu đãi mà Samsung đưa ra, có những sản phẩm mà tập đoàn này xin ưu đãi lại không thuộc diện ưu đãi miễn thuế. Cụ thể, một số sản phẩm như điều hòa, tủ lạnh… không nằm trong danh mục được hưởng ưu đãi miễn thuế NK linh kiện, nguyên liệu, vật tư theo Nghị định số 87/2010 của Chính phủ.

Theo Samsung, sản phẩm điện tử gia dụng được sản xuất trong dự án SECC sẽ được ứng dụng các công nghệ cao và tiên tiến nhất hiện nay của hãng, chưa kể những lợi ích khác mang lại như doanh thu dự án lớn với 6 tỷ USD… nên cần được ưu đãi.

Thận trọng cân nhắc

Với hàng loạt các dự án đầu tư lên đến hàng tỷ USD, Samsung đang trở thành một trong những NĐT được đón đợi nhất. Bởi thế mà việc trải thảm đỏ với hàng loạt các ưu đãi cho các dự án lớn như của Samsung là chuyện hiển nhiên của các địa phương để mời chào các dự án khủng.

Thế nhưng, việc liên tục có những ưu đãi xé rào mà không tính toán đầy đủ, thận trọng và cân bằng hài hòa lợi ích của hai bên, thì những ưu đãi sẽ không có hiệu quả và về lâu dài, sẽ trở thành tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho rằng cần cân nhắc những đề xuất ưu đãi của Samsung nếu tập đoàn này mang lại được những lợi ích về cả trước mắt và lâu dài cho ngành công nghiệp phụ trợ và các DN, cũng như nền kinh tế nói chung.

Samsung là tập đoàn có quy mô lớn, hàm lượng sản phẩm cao nên hoàn toàn có khả năng thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, theo ông Toàn, với những gì mà Samsung đã làm tại Việt Nam, vẫn chưa được như kỳ vọng khi tập đoàn này mới chỉ giúp gia tăng kim ngạch XK, tạo việc làm, trong khi mục tiêu lớn là tạo sự lan tỏa và kết nối cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, thì vẫn chưa đạt được.

Ông Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế:

"Cần lưu ý là, theo báo cáo Bộ Công thương Hàn Quốc, sự cạnh tranh của DN Trung Quốc trở nên rất mạnh mẽ. Họ bán các sản phẩm điện tử, điện thoại thông minh cũng tương tự điện thoại của Samsung với giá rẻ hơn và số lượng rất lớn, nên nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một NĐT, và nếu như NĐT đó không còn lợi thế cạnh tranh, thì hệ quả với chúng ta là khá lớn.Khó có thể lý giải rằng chúng ta ứng xử theo đúng kinh tế thị trường nếu như chúng ta ưu đãi quá đáng một NĐT nào đấy, kể cả nhà đầu tư ấy là NĐT lớn như Samsung".

“Vấn đề là Samsung vào có kéo theo DN phụ trợ của Việt Nam phát triển hay không? Ưu đãi để nhằm mục đích thúc đẩy cho DN phụ trợ của Việt Nam phát triển, chứ không phải xin ưu đãi mà đưa nhà máy và phụ trợ của họ vào, hoặc của các nước vào. Mình chỉ là nơi để họ xây dựng nhà máy, tận dụng lao động giản đơn, thì mục tiêu và hiệu quả đầu tư không đạt được”, ông Toàn nói.

Chỉ khi các DN phụ trợ là DN Việt Nam hoặc chí ít là công ty liên doanh thì giá trị gia tăng mới nâng lên, người Việt Nam mới nắm được công nghệ, được đào tạo và được đứng vào thế tham gia chuỗi giá trị. Lúc đó chúng ta mới tăng được hàm lượng công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nâng cao nguồn nhân lực và có thể sẵn sàng đánh đổi tài chính, ưu tiên thuế.

Cho rằng Samsung là NĐT lớn và có thiện chí đầu tư tại Việt Nam, nên việc “đòi” ưu đãi là tất yếu. Song theo ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam cần rất thận trọng với các yêu cầu ưu đãi này. Bởi, nếu những yêu cầu ưu đãi này chấp thuận, sẽ có những yêu cầu ưu đãi của những nhà đầu tư khác cũng sẽ đòi ưu đãi.

“Chúng ta sẽ phải đối mặt với những yêu cầu ưu đãi ngày càng tăng,  nên cần phải xem xét rất thận trọng những gì là đặc thù của Samsung, ngồi bàn bạc lại để có sự thống nhất phù hợp, không đòi những ưu đãi quá lớn như thế. Bởi nếu ta không tăng được mức cung ứng phụ kiện thì mức NK của Samsung tăng lên nhanh chóng và giá trị gia tăng mang về cho Việt Nam sẽ không cao”, ông Doanh nói.

Chấp nhận ưu đãi vượt khung cho Samsung, nhiều tỉnh nơi có Tập đoàn này đầu tư đặt ra nhiều kỳ vọng Samsung sẽ “biến” những địa phương này trở thành trung tâm công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kết nối DN tham gia chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay những gì Samsung làm được mới chỉ dừng lại ở việc làm gia tăng kim ngạch XK và tạo việc làm và nâng cao trình độ cho người lao động ở mức độ thấp, còn mục tiêu lớn nhất là tạo tính lan toả và kết nối với DN nội địa, thì vẫn đang… giậm chân tại chỗ.

TSKH Nguyễn Mại - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI:

"Việt Nam thu hút vốn FDI trong một thời gian tương đối lâu, ưu đãi chồng ưu đãi nhưng cái mà họ mang đến cho chúng ta vẫn chỉ là sử dụng một phần nhỏ nhân lực lao động phổ thông giá rẻ, trong khi DN Việt không nhận được những ưu đãi tương tự, cho đến giờ phút này các DN Việt Nam vẫn bất lực, bó tay đứng nhìn họ sản xuất, thu lợi".

 

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN FDI:

"Tính lan tỏa cho DN Việt Nam là chưa đạt như kỳ vọng khi hầu hết DN phụ trợ cho Samsung là DN nước ngoài chứ chưa có DN Việt Nam, nên hàm lượng giá trị gia tăng mà Tập đoàn này mang lại không cao. Cho họ ưu đãi nhưng cần có cam kết và lộ trình thực hiện việc kết nối và lan tỏa công nghệ. Mặc dù Samsung đã tổ chức hội nghị và công bố danh mục linh phụ kiện phụ trợ cần cung ứng, nhưng cần có kế hoạch hành động và lộ trình cụ thể để DN Việt Nam tiếp cận được, chứ nếu nói ra để đó thì rất khó”,

Lợi nhuận Samsung sụt thảm gần 40%

Samsung dự tính lợi nhuận quý IV/2014 đạt 4,7 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận, Reuters đưa tin.

http://thoibaokinhdoanh.vn/samsung-lai-xin-vuot-khung-con-cung-se-duoc-chieu-.html

Theo Cẩm An/ Thời Báo Kinh Doanh

Bạn có thể quan tâm