Tháng 2/2013, SEVT nhận giấy phép đầu tư. Tháng 3/2013, nhà máy được khởi công xây dựng và đúng 1 năm sau đã đi vào hoạt động. Trong tháng đầu tiên, SEVT sản xuất được 2 triệu sản phẩm; đến tháng 10/2014, con số này đã tăng lên 8 triệu. Trong vòng 10 tháng kể từ ngày hoạt động, kim ngạch xuất khẩu của SEVT đạt 8 tỷ USD. Cùng với dự án của Samsung tại Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên trở thành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của tập đoàn này, sản phẩm được xuất khẩu tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn nhân lực của SEVT cũng tăng theo tuần. Trung bình mỗi tuần, nhà máy tuyển hơn 1.500 lao động mới. Hiện tổng số lao động ở đây đã lên đến 33.000 người. Không chỉ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng mức đầu tư các dự án ở TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên hơn 11 tỷ USD, Samsung còn đóng góp gần 14% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tổng số lao động làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên đã lên đến 33.000 người, trong đó chỉ có 160 người Hàn Quốc. |
Chế độ đãi ngộ người lao động của Samsung cũng đáng bàn. Tại dự án SEVT, tập đoàn này đã xây dựng 9 tòa nhà với 7.880 lao động đang lưu trú. Tòa nhà phúc lợi còn có các tiện ích như siêu thị, căng-tin, thư viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, phòng cắt tóc, phòng học hát... Thu nhập của lao động làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên khoảng 5 triệu đồng/người, nếu làm thêm giờ thì đạt 6,8-10 triệu đồng/người.
Lát cắt buồn duy nhất khi nói về các dự án của Samsung tại Việt Nam có lẽ là sự èo uột của doanh nghiệp (DN) Việt trong mắt xích sản xuất ở tập đoàn này. Hiện Samsung Việt Nam có tổng cộng 156 nhà cung cấp đầu vào, trong đó 71 nhà cung cấp nội địa, nhưng chủ yếu là DN vốn đầu tư nước ngoài, còn DN thuần Việt đếm trên đầu ngón tay, và chỉ dừng lại ở khâu cung cấp bao bì, đóng gói...
Không nhà đầu tư nào muốn nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào nếu trong nước đáp ứng được, Samsung cũng không ngoại lệ. “Chúng tôi rất muốn có nhiều DN Việt trở thành đối tác nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn. Rất nhiều cơ hội cho DN nội địa và Samsung luôn sẵn sàng đón nhận”, một lãnh đạo của SEVT bày tỏ.
Nếu tính sản phẩm lũy kế, Samsung Việt Nam đã sản xuất hơn 520 triệu sản phẩm với tốc độ tăng trưởng 400% từ năm 2010 đến nay. Sự phát triển chóng mặt của tập đoàn này đang mở ra cơ hội rất lớn cho DN nội địa. Điều quan trọng là sắp tới, sẽ có bao nhiêu DN đáp ứng được và trở thành đối tác của Samsung? Samsung đã sẵn sàng, chỉ còn chờ DN Việt có chấp nhận thử thách để đón cơ hội hay không mà thôi!