Sáng 30/3, Chính phủ tổ chức hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018. Dự hội nghị có nhiều đại biểu đại diện doanh nghiệp lớn và các hiệp hội.
Đề xuất cho phép công nhân được làm thêm giờ
Kiến nghị với Chính phủ, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì thị trường lao động cạnh tranh. Vị này đề xuất Chính phủ cho phép công nhân được làm thêm giờ, tránh tăng chi phí nhân công quá nhanh.
Những yếu tố trên sẽ giúp Việt Nam tạo sự cạnh tranh trên thị trường lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải thiện các điều kiện thương mại, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, tiếp tục đưa các hiệp định FTA song phương và đa phương vào thực thi, để Samsung có thể tận dụng đưa sản phẩm của mình đến nhiều thị trường hơn trên thế giới.
Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam Bang Hyun Woo. Ảnh: Hiếu Công. |
“Tôi cũng mong Chính phủ Việt Nam thúc đẩy để nhiều nước hơn nữa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hiện tại mới chỉ có hơn 40 nước. Những thị trường lớn như Mỹ và EU vẫn chưa công nhận khiến việc xuất khẩu sản phẩm Made in Vietnam của chúng tôi gặp không ít khó khăn”, ông Bang nói.
Vị này cũng cho biết năm 2018 dự báo thị trường điện thoại di động sẽ chững lại và xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới tăng cao khiến rủi ro kinh doanh nhiều hơn. Tuy nhiên, Samsung sẽ phấn đấu mức tăng trưởng 7-10% so với năm 2017.
VASEP lo ngại mất thương hiệu cá tra
Cũng mang đến hội nghị nhiều kiến nghị, ông Hoài Nam, Đại diện Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng cá tra Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu trên toàn thế giới trong 20 năm qua. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng xuất khẩu, chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc gần đây đang khiến cho thương hiệu bị đe dọa nghiêm trọng.
Việc xuất khẩu tiểu ngạch cá tra sang Trung Quốc đang đe dọa thương hiệu cá tra Việt Nam. Ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp. |
Theo ông Nam, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây và kim ngạch đã vượt 1 tỷ USD. Sản lượng xuất khẩu trung bình tăng 30-50%/năm. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng nhanh chính là vấn đề nhiều thương lái đang xuất khẩu cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc một cách ồ ạt.
Khi xuất tiểu ngạch, các thương lái gom cả hàng cá tra chất lượng thấp, thậm chí là cá chết khiến có khả năng mất uy tín cả ngành cá tra của Việt Nam. Tại Trung Quốc cũng đã xuất hiện những thông tin không tốt về chất lượng cá tra của Việt Nam.
“Tháng 1 đầu năm chúng ta xuất được 42 triệu USD cá tra sang Trung Quốc nhưng có 44% là tiểu ngạch. Nhiều tư nhân gom cá tra chất lượng thấp, bán giá rẻ sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch khiến thương hiệu có thể bị đe dọa rất lớn”, ông Nam nói.
Ông Nam đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiểm soát việc xuất hàng hóa qua đường tiểu ngạch qua biên giới trong thời gian 3 tháng. Ngoài ra cần rà soát lại các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia công, chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc để giữ thương hiệu.