Ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ tại thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết trước đây xã Đông Tiến nằm trong diện xã nghèo nhất của huyện, người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, chăn nuôi. Từ khi có sự hiện diện của nhà máy Samsung, đời sống của người dân trong khu vực đã chuyển mình phát triển rất nhanh.
“Trước đây toàn bộ khu vực là vùng đồng chiêm trũng, làm ăn rất khó khăn. Từ khi có nhà máy Samsung, cuộc sống của chúng tôi phát triển từng ngày: kinh doanh chủ yếu là dịch vụ phòng trọ, đồ ăn thức uống, mỹ phẩm… phục vụ hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp này”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Hưng cũng cho biết mỗi phòng trọ ở đây có giá 1 triệu đồng/tháng. Với khoảng 20 phòng, trung bình mỗi tháng gia đình ông thu về hơn 20 triệu đồng từ việc cho công nhân thuê trọ.
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều gia đình trong thôn cũng bỏ hết ruộng vườn để xây phòng trọ phục vụ nhu cầu thuê của công nhân trong khu công nghiệp.
Các xã lân cận cũng hưởng lợi từ số lượng lớn công nhân đổ về đây. Tại các xã Đông Tiến, Đông Phong, Đông Thọ… số lượng nhà nghỉ, nhà trọ tăng nhanh. Thu nhập của người dân cũng ổn định hơn.
Anh Đoàn Văn Hiển, chủ một cửa hàng tạp hóa gần khu nhà trọ nhân viên Samsung, cho biết trước đây, cả ông và cha anh đều sống nhờ cây lúa. Nhưng từ năm 2010, số lượng công nhân làm việc tại đây bắt đầu tăng mạnh, gia đình anh cũng chuyển nghề kinh doanh tạp hóa. Hiện tại, riêng việc kinh doanh tạp hóa mang về cho gia đình anh thu nhập ổn định từ 12-15 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn thu nhập thêm từ việc cho thuê phòng trọ.
Theo chia sẻ của các công nhân tại đây, chi phí sinh hoạt mỗi tháng của họ dao động trong khoảng 2.500.000-3.000.000 đồng/tháng, bao gồm chi phí thuê trọ, ăn uống và sinh hoạt.
“Gia đình tôi mới phá bỏ căn nhà cấp 4 cũ để xây thêm phòng trọ, dự tính sẽ xây thêm khoảng 16 phòng trọ nữa để phục vụ nhu cầu của công nhân tại các nhà máy trong khu công nghiệp”, ông Hưng cho biết.
Samsung chính thức đặt dấu ấn của mình tại Việt Nam vào năm 2009, với khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh.
Với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 700 triệu USD, đây cũng là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam hiện nay. Dự án này đưa Bắc Ninh một bước trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM.
Những làng quê thuần nông nghiệp ở Đông Phong, Bắc Ninh nay đã chuyển sang làm dịch vụ và giàu lên nhanh chóng nhờ nằm cạnh "thủ phủ Samsung". Ảnh: Ngô Minh. |
Riêng nhà máy SEV Bắc Ninh hiện có khoảng 44.000 người đang làm việc. Trong khi đó, tổng số nhân viên của Samsung Electronics tại Việt Nam là gần 110.000 người, tương đương 33% tổng số nhân viên toàn cầu của đơn vị này.
Công nhân tại nhà máy chia sẻ thu nhập bình quân của họ là 7-8 triệu đồng/tháng, và lên 9-10 triệu đồng/tháng nếu tăng ca.
Không chỉ thu hút hàng chục nghìn lao động về nhà máy Samsung, đơn vị này còn tạo nguồn cầu lớn về linh kiện, phụ kiện, giúp phát triển công nghiệp phụ trợ tại tỉnh này. Tại Bắc Ninh, hiện Samsung có hơn 50 nhà cung cấp cấp 1 mà theo lãnh đạo doanh nghiệp cho biết "đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất của hãng".
Mới đây Samsung tuyên bố muốn rót thêm 2,5 tỷ USD giải ngân vào Bắc Ninh trong 5 năm kể từ năm 2018, thực hiện kế hoạch phát triển của Samsung Display Việt Nam (SDV).
Tính tới hết năm 2016, Samsung đã giải ngân 10,1 tỷ USD trên tổng số vốn cam kết 14,8 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, theo hãng này, riêng tại Bắc Ninh, tổng vốn cam kết đầu tư của Samsung Electronics là 2,5 tỷ USD còn của Samsung Display là 6,5 tỷ USD.
Theo số liệu của UBND tỉnh Bắc Ninh năm 2015, Samsung đã nộp ngân sách 1.684 tỷ đồng, chiếm 30% tổng số thu từ các doanh nghiệp FDI của tỉnh.
Tuy nhiên, với liên tiếp những sự cố liên quan tới sản phẩm và lãnh đạo Tập đoàn Samsung tại quê nhà Hàn Quốc, không ít công nhân Samsung và người dân xung quanh, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhà máy của hãng, lo thu nhập của họ có thể bị ảnh hưởng trong tương lai gần.
Trong khi đó, đại diện Samsung Vina trấn an "vụ việc này có thể nói là không ảnh hưởng gì, ít nhất là trong ngắn hạn" với hoạt động của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, vì chủ trương đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn đã được hoạch định từ trước.
Khu phức hợp nhà máy Samsung Electronics Việt Nam tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh là nhà máy sản xuất điện thoại di động thứ 7 của Samsung trên thế giới. Đây là nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới hiện tại và là nhà máy đầu tiên có quy trình sản xuất điện thoại di động theo mô hình khép kín.