Tám mùa giải, 4 danh hiệu, 117 bàn thắng tại V.League, không quá nếu nói Hoàng Vũ Samson là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử CLB Hà Nội. Mùa giải 2020, anh chia tay đội bóng thủ đô để tiếp tục hành trình tại Việt Nam với miền đất mới mang tên Thanh Hóa.
Sau mùa giải 2019 bết bát, CLB Thanh Hóa đang rất quyết tâm làm lại ở mùa bóng này. Và Hoàng Vũ Samson, với kinh nghiệm cùng đẳng cấp đã được khẳng định, sẽ là một trong những quân bài chiến lược trong hành trình phục hưng của đội bóng xứ Thanh.
Ở tuổi 31, ngọn lửa nhiệt huyết trong Samson vẫn luôn rực cháy. Không chỉ ấp ủ những khát vọng cùng CLB Thanh Hóa, tiền đạo gốc Nigeria vẫn không ngừng nuôi dưỡng một giấc mộng lớn hơn. Đó là giấc mơ khoác lên mình chiếc áo "cờ đỏ, sao vàng" của đội tuyển Việt Nam.
Chia tay CLB Hà Nội, điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp của Samson là CLB Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Linh. |
"Tôi là công dân Việt Nam"
- Sau 8 mùa giải khoác áo CLB Hà Nội, Samson đã chia tay đội bóng để chuyển tới CLB Thanh Hóa. Đâu là lý do dẫn tới quyết định này?
- Tôi đã ở Hà Nội 8 năm, chừng đó là đủ. Tôi muốn thử thách bản thân một lần nữa. Tôi cảm thấy giờ là lúc mình cần thay đổi môi trường và cách tập luyện. Khi cảm thấy cần thay đổi, bạn phải đi.
Không có quá nhiều khó khăn tại Thanh Hóa. Có chăng chỉ là chút vấn đề trong việc làm quen chiến thuật và cách vận hành của đội bóng. Các đồng đội mới thực ra không còn lạ với tôi. Tôi biết họ từ trước, và mọi thứ cho tới lúc này đều đang diễn ra hoàn hảo.
- Năm nay đã 32 tuổi, Samson nghĩ mình còn đủ sức cống hiến cho CLB Thanh Hóa, và xa hơn có thể là đội tuyển Việt Nam hay không?
- Tôi là một cầu thủ tốt. Nếu bạn là một cầu thủ tốt, bạn có thể chuyển tới bất cứ đâu, ở bất cứ giai đoạn nào trong sự nghiệp.
Tôi là công dân Việt Nam và luôn cố gắng để được khoác lên mình màu áo đội tuyển Việt Nam. Thật thú vị nếu điều này xảy ra. Tôi chưa bao giờ từ bỏ, tôi luôn sẵn sàng bởi mình có thể nhận cuộc gọi từ đội tuyển bất cứ lúc nào.
Trên góc độ chuyên môn, tôi không nghĩ họ sẽ từ chối gọi tôi lên tuyển đâu. Nếu tôi không được triệu tập, đó đơn giản bởi mỗi HLV có chiến thuật, cách dùng người riêng, và đó là một phần của bóng đá. Tôi thấy mình phù hợp với đội tuyển Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu và bình tĩnh chờ đợi cơ hội.
- Nếu bổ sung cầu thủ nhập tịch, Samson nghĩ đội tuyển Việt Nam có thể vươn tầm châu lục hay không?
- Sẽ thật tốt nếu điều này xảy ra. Đội tuyển Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á, và nếu bổ sung sức mạnh từ cầu thủ nhập tịch, chúng ta đủ sức thi đấu tại các đấu trường lớn hơn như vòng loại World Cup, hay thậm chí xa hơn là hiện thực hóa giấc mơ World Cup đầu tiên trong lịch sử. Không điều gì là không thể xảy ra. Chúng ta là một đội bóng mạnh và hoàn toàn có thể trở nên mạnh hơn.
Samson cho rằng bóng đá Việt Nam đủ khả năng hiện thực hóa giấc mơ World Cup nếu bổ sung thêm 1-2 cầu thủ nhập tịch vào đội hình. Ảnh: Minh Chiến. |
- Trong bối cảnh các đối thủ trong khu vực như Indonesia hay Malaysia nhập tịch ồ ạt, đội tuyển Việt Nam liệu có thể duy trì vị thế số một Đông Nam Á với những con người hiện có hay không?
- Nếu có thêm 1-2 cầu thủ nhập tịch, họ chắc chắn mạnh hơn. Tuy nhiên, vấn đề là cầu thủ bản địa của họ chất lượng không thể sánh với cầu thủ bản địa Việt Nam. Kể cả khi nhập tịch thêm 4-5 cầu thủ nữa, đội tuyển Malaysia về tổng thể chưa chắc đã thắng được đội tuyển Việt Nam.
Tại Việt Nam, tinh thần và sự đồng lòng giúp đội tuyển của chúng ta mạnh hơn. Khi chơi cùng nhau, các cầu thủ trở thành khối thống nhất, tạo ra đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á thời điểm này. Nếu có thêm 1-2 cầu thủ nhập tịch, đội tuyển Việt Nam sẽ còn mạnh hơn rất nhiều.
- Nếu sử dụng cầu thủ nhập tịch, vị trí được nhắm tới rất có thể là tiền đạo. Vậy Samson đánh giá sao về các tiền đạo bản địa của Việt Nam thời điểm này?
- Tuyển Việt Nam trước đây có Nguyễn Anh Đức, một tiền đạo giỏi, không nhanh nhưng rất khỏe và có nền tảng kỹ thuật cơ bản tốt. Các cầu thủ Việt Nam rất nhanh, và khi đội bóng có quá nhiều cầu thủ như vậy, họ cần một người chơi chậm lại để giữ bóng. Đó chính là Anh Đức.
Anh Đức là người giữ bóng, điều tiết lại nhịp độ. Cũng chính anh ấy luôn là người xuất hiện đúng lúc để ghi những bàn thắng quan trọng.
Các tiền đạo Việt Nam hiện tại cũng rất tốt. Công Phượng, Tiến Linh hay Văn Toàn đều là những cầu thủ rất chăm chỉ và đang thể hiện thứ bóng đá tốt nhất trong màu áo CLB chủ quản.
Công Phượng đang có phong độ tốt trong màu áo CLB TP.HCM. Ảnh: Duy Anh. |
Để thành công cần tâm lý tốt
- Nói thêm chút về trường hợp của Công Phượng. Theo Samson, đâu là lý do khiến Phượng thất bại tại Bỉ?
- Tôi đánh giá Phượng là cầu thủ tốt. Chuyển tới Bỉ thi đấu, Phượng phải làm quen với chiến thuật, cách huấn luyện và cả đồng đội mới. Cậu ấy hay bất cứ cầu thủ nào cũng cần thời gian làm quen, nhưng HLV Sint-Truidense lại không đủ kiên nhẫn chờ đợi điều đó.
Theo tôi, Phượng đã làm tốt tại Bỉ. Vấn đề là cậu ấy có quá ít cơ hội được chơi bóng. HLV chỉ cho Phượng vài phút, nhưng cậu ấy vẫn thể hiện tính chuyên nghiệp khi ra sân và thi đấu hết mình.
- Điều này dường như tương tự hoàn cảnh của anh khi chuyển tới Buriram United hồi năm 2018 đúng không?
- Đúng vậy. Tôi là tân binh tại Buriram và không được tạo nhiều điều kiện thi đấu. Họ cho tôi 10 - 15 phút cuối mỗi trận, chừng đó là không đủ để thấy được những gì tốt nhất của tôi. Công Phượng cũng vậy. Họ cho cậu ấy quá ít cơ hội và thật khó để Phượng có thể tận hưởng bóng đá với khoảng thời gian ít ỏi như vậy.
Tiền đạo không giống các vị trí khác. Họ phải di chuyển, chạy chỗ, đi bóng và ghi bàn. Họ làm nhiều việc hơn và cần nhiều thời gian hơn để thi đấu, thích nghi cũng như học chiến thuật.
Giờ đây, cậu ấy trở về Việt Nam và đang chơi tốt. Thực tế, Công Phượng vẫn vậy, vẫn thể hiện thứ bóng đá tốt nhất của bản thân. Vấn đề của cậu ấy chỉ là thời gian ra sân.
Samson tin bản thân hay bất cứ cầu thủ nhập tịch/ Việt kiều nào sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong giao tiếp nếu thi đấu ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
- Vậy theo Samson, đâu là khó khăn của cầu thủ Việt Nam khi thi đấu với cầu thủ nước ngoài? Và đâu là khó khăn của cầu thủ nhập tịch/Việt kiều khi thi đấu cùng cầu thủ Việt Nam?
- Vấn đề nằm ở khả năng giao tiếp. Nhiều cầu thủ Việt Nam xuất ngoại mang theo nỗi sợ ngôn ngữ, sợ mình không hiểu họ nói gì. Từ đó khiến tâm lý của họ không được tốt. Tuy nhiên, nếu họ thực sự có động lực, quyết tâm vượt qua nỗi sợ đó và chỉ chuyên tâm nghĩ tới việc chơi bóng, họ sẽ tự khắc biết cách giao tiếp với các đồng đội xung quanh.
Với các cầu thủ nhập tịch, Việt kiều mới về nước cũng vậy. Nhiều người lo sợ sự thiếu hụt về ngôn ngữ, giao tiếp sẽ dẫn tới sự thiếu đồng lòng, gắn kết trong đội bóng. Tuy nhiên, nên nhớ bóng đá là môn thể thao toàn cầu, nó có ngôn ngữ riêng và giúp mọi người gắn kết bởi thứ ngôn ngữ đó.
Bạn không cần nói quá nhiều, hành động trên sân sẽ nói thay bạn. Bạn chỉ cần hiểu những giao tiếp, ký hiệu cơ bản như "sút", "chuyền", "chọc khe" hay "chạy chỗ" là đủ.
- Cảm ơn Samson vì cuộc trò chuyện này!