Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sắm Tết online từ đồ điện tử đến bánh mứt, bia rượu

Nhiều người chọn sắm đồ Tết trên các trang thương mại điện tử những ngày cận Tết để vừa tiết kiệm thời gian, vừa được khuyến mãi. Thế nhưng có không ít tình trạng dở khóc dở cười.

Không có nhiều thời gian sắm sửa chuẩn bị Tết nên suốt nửa tháng qua, chị Phạm Ngọc Nga (ngụ quận 6, TP.HCM) đã tranh thủ mua sắm online thông qua các sàn thương mại điện tử.

Chị Nga cho biết năm nay các trang này giảm giá nhiều hơn và có nhiều món đồ “ăn Tết, chơi Tết” hơn so với các năm trước.

Chợ mạng Tết bán đủ thứ, khuyến mãi chỉ 1.000 đồng

“Tôi và chồng đều đi làm đến cận Tết mới nghỉ và không có thời gian đi chợ hay siêu thị. Nếu dồn hết mọi thứ cần mua sắm vào duy nhất 1-2 ngày thì không thể làm nổi, còn chưa tính chuyện dọn dẹp nhà cửa nữa nên đã tranh thủ mua dần trên mạng. Hàng được giao tận nơi mà có nhiều khuyến mãi”, chị Nga nói.

Sam Tet tu do dien tu den banh mut tren cho mang,  tien hay khong tien? anh 1
Các sàn thương mại điện tử đua nhau giảm giá trước Tết để kéo khách. Ảnh: Phúc Minh.

Theo đó, thông qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo… chị Nga đã mua đủ thứ đồ cần dùng trong dịp Tết. Chị nói đã thay một nồi cơm điện mới, một số loại bánh mứt có thương hiệu trên các trang này vừa để dùng cho gia đình, vừa biếu nội ngoại các cháu.

“Tôi thường mua đồ online, biết rõ các trang này rất cạnh tranh nhau trong việc khuyến mãi, nên trước khi muốn sắm món hàng nào, nhất là đồ điện tử hay công nghệ là đều khảo sát trước giá mới quyết định mua. Trước Tết, nhiều sản phẩm có thương hiệu giảm giá rất mạnh nên có thể tiết kiệm được một khoản mua đồ cho các con”, chị Nga nói.

Cụ thể, từ giữa tháng 1, sàn Tiki đã tung ra chương trình giảm giá lên đến 91% một số sản phẩm theo khung giờ vàng đến ngày 30 Tết. Sản phẩm giảm giá của sàn này tương tự những chương trình khuyến mãi khác trước đó, đặc biệt mặt hàng đồ điện máy và công nghệ có những ưu đãi hấp dẫn.

Trong khi đó, các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo… lại có nhiều lựa chọn về mặt hàng phục vụ cho ngày Tết như bánh mứt, đồ khô, hạt và có luôn cả một số đặc sản vùng miền như chả bò Đà Nẵng, thịt trâu gác bếp Tây Bắc…

Các sàn này cũng áp dụng giảm giá theo chương trình “flash sale” theo khung giờ và chỉ áp dụng với một số sản phẩm, đặc biệt nếu nhanh tay khách cũng có thể mua được hàng với giá chỉ 1.000 đồng.

Để kích cầu mua sắm, khiến khách ngày nào cũng vào ứng dụng để sắm đồ Tết, các sàn đều có chương trình khác nhau như quay thưởng, lắc điện thoại trúng xu, trò chơi may mắn… Ngoài ra, có sàn còn tuyên bố giao hàng xuyên Tết.

Cẩn thận hàng kém chất lượng

Chị Ngọc Quý (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng chọn hình thức sắm Tết qua các trang thương mại điện tử. Chị nói công việc cuối năm đang đổ dồn nên chỉ có ít thời gian đi chợ hoặc siêu thị mua thực phẩm tươi sống làm bữa cơm cúng tất niên. Còn những món đồ khô khác như bánh mứt, đồ biếu hiện chị đã mua đủ nhờ đặt hàng online.

Sam Tet tu do dien tu den banh mut tren cho mang,  tien hay khong tien? anh 2
Bánh, mứt trên các sàn thương mại được bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng.

Tuy nhiên, theo chị Quý, mua hàng online những ngày cận Tết phải có bí quyết kẻo tiền mất nhưng đồ nhận được lại là hàng rởm, hàng kém chất lượng.

“Hôm trước, đồng nghiệp tôi đặt một hộp mứt hơn chục loại, nặng gần 1,5 kg, giá chưa đến 100.000 đồng từ một người bán trên Sendo. Đến khi nhận hàng thì sản phẩm không như quảng cáo, mứt không nhãn mác, không hạn sử dụng. Phản ánh trực tiếp với người bán thì họ bảo cận Tết quá rồi, phải qua Tết mới giải quyết đổi trả”, chị Quý nói.

Theo chị, ngày Tết, nhiều người chọn mua thực phẩm, bánh mứt trên các trang này mà không chú ý thương hiệu, xem điểm uy tín của shop bán, hoặc đánh giá của những người từng mua trước đó thì sẽ dễ dàng dính bẫy. Đặc biệt với những món hàng là thực phẩm, thức ăn thì phải càng cẩn trọng.

Không riêng thực phẩm, mặt hàng thời trang để “lên đồ” du xuân cũng được nhiều người lựa chọn trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, không kể việc kích cỡ có thể chênh lệch so với thực tế, nhiều người cũng than phiền khi hình ảnh quảng cáo và hàng nhận được hoàn toàn khác biệt. Nhiều sản phẩm chỉ từ vài chục nghìn đồng nên họ cũng không khiếu nại, hay đổi trả với các thủ tục rườm rà.

Dở khóc dở cười với mua hàng online

Ngoài chất lượng sản phẩm, việc giao nhận hàng hóa trong những ngày giáp Tết của các trang thương mại điện tử này cũng khiến khách hàng đau đầu, và không ít người lâm cảnh dở khóc dở cười.

Anh Đỗ Duy (Hà Nội) đặt hàng mua một chiếc TV mới cho phòng khách, thế nhưng 5 lần 7 lượt được hãng hẹn lịch, ngày 27 Tết, chiếc TV vẫn chưa đến tay. Liên lạc với hãng, điều duy nhất anh được cam đoan là sản phẩm sẽ có mặt tại nhà anh trước Tết.

Tương tự, chị Thu Hiền đặt mua bia, bánh mứt để phục vụ Tết nhưng dòng thông báo trên Lazada là chị sẽ nhận được hàng từ 1-15/2. Đã trả tiền, chị lo lắng, không rõ đơn hàng của mình sẽ kịp trước Tết hay ngậm ngùi chi tiền mua đồ mới. 

Trong khi đó, chấp nhận trả thêm phí cho dịch vụ giao hàng trong 2h của Tiki để sản phẩm đến tay nhanh chóng, nhưng anh Hoàng Phúc (quận Bình Thạnh) lại còn chịu cảnh phiền toái hơn khi đơn hàng được chia nhỏ, giao thành 3 lần và kéo dài trong một tuần.

“Tôi đã thanh toán phí giao nhanh, bình thường các sản phẩm sẽ đến tay nhanh chóng. Đằng này, hôm đó, một sản phẩm được giao ngay, một sản phẩm sau hai ngày, và cái còn lại ba ngày sau mới đến tay khi hãng báo có rắc rối về đơn”, anh Phúc nói.

Trong khi đó, chị Mai Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị có đặt một số đồ điện máy trên Lazada để mang về quê dịp Tết này cho ba mẹ. Để tiện di chuyển và không cồng kềnh khi đi tàu xe, chị nhập địa chỉ nhận là ở quê và đơn hàng đã được báo thành công.

Tuy nhiên, hãng gửi thông báo đơn hàng không thể thực hiện được, và một ngày sau, tự động giao hàng tại địa chỉ nhà chị ở Hà Nội. Theo chị Mai Anh, vì tội shipper những ngày cận Tết kẹt đường, giao nhiều nên chị cũng nhận hàng và tìm cách mang về quê sau.

Theo báo cáo của Statista, thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 có tổng doanh thu 2,26 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2017 cùng lượng khách hàng đạt 49,8 triệu người. Với con số này, ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, cả 5 sàn Shopee, Tiki, Lazada, Thế Giới Di Động và Sendo cũng chính thức có mặt trong top 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á, theo nghiên cứu bởi SimilarWeb.

Dù đạt được những thành tựu nổi bật này nhưng thực tế, thương mại điện tử trong nước vẫn còn những rào cản về niềm tin của người tiêu dùng khi chất lượng hàng hóa, dịch vụ bán hàng, hình thức thanh toán và việc giao hàng vẫn chưa được đảm bảo.

Cận Tết, từ giỏ quà, cúc vạn thọ tới hàng điện máy trên yên xe shipper

Thu nhập gấp đôi ngày thường bởi nhu cầu giao hàng những hôm cận Tết tăng cao nhưng nhiều shipper của các hãng xe ôm công nghệ vẫn từ chối khách.



Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm