Salah là biểu tượng của Ai Cập với bóng đá thế giới. Ảnh: Getty. |
Vượt qua 2 ứng viên nặng ký là Kevin de Bruyne và Harry Kane, Mohamed Salah xuất sắc đoạt danh hiệu cầu thủ hay nhất năm do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) bình chọn. Tại quê nhà, chẳng cần một cuộc bình bầu chính thức, Salah từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thanh niên Ai Cập.
Cứ mỗi khoảnh khắc Mohamed Salah ghi bàn, trên đường phố lại bùng nổ những tràng pháo tay giòn giã cùng tiếng hò hét tung hô đầy phấn khích. Ngạc nhiên thay, cảnh tượng này không phải xuất hiện ngoài sân Anfield hay tại thành phố Liverpool. Đó là cuộc sống ở vùng đô thị Cairo nói riêng và nhân rộng ra khắp Ai Cập, nơi mà giây phút hoan hỉ sôi động đó đã diễn ra ít nhất 41 lần trong mùa giải năm nay.
Tại khu vực sinh viên Bain El Sarayat nằm trong thành phố Giza, có một bức tường vẽ chân dung Mohamed Salah trở thành điểm nhấn của cả con phố. Các sinh viên Đại học Cairo thường tụ tập ở những quán cafe, sôi nổi dự đoán về khả năng ghi bàn của Salah đều đặn hàng tuần. Kênh Youtube dẫn chiếu lại màn trình diễn xuất sắc của tiền đạo Liverpool được các fans Ai Cập liên tục cập nhật. Bất kể động thái nào của chân sút số 1 Ngoại hạng Anh cũng đều trở thành xu hướng hot nhất trên mạng xã hội.
"Salah là hình mẫu lý tưởng đối với những người trẻ. Điều tuyệt vời nhất chính là anh ấy khởi điểm từ hoàn cảnh khó khăn nhưng đã phấn đấu không ngừng nghỉ để có được thành công của hiện tại," Islam Helmy, một anh chàng sinh viên 20 tuổi cho biết. "Salah sinh ra từ một ngôi làng nhỏ, và tôi cũng vậy. Tôi rất hâm mộ anh ấy, tôi đã cắt tóc và để râu bắt chước thần tượng của mình.
"Một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi, đó là được xem Salah ghi bàn trên chấm penaly tại Congo (giúp Ai Cập tiến vào vòng chung kết World Cup). Tôi khi ấy đang đứng trên khán đài ngay sau cột gôn, đó thực sự là khoảnh khắc ăn mừng hỗn loạn và cuồng nhiệt."
Đối với người Ai Cập, Salah không chỉ dừng lại là một mẫu cầu thủ tài năng mang đẳng cấp thế giới. Anh còn là biểu tượng chất chứa rất nhiều hi vọng của một thế hệ đang chữa lành vết thương sau bao bất ổn xã hội. Để có được những vinh quang của ngày hôm nay, tiền đạo của The Kop đã phải trải qua một cuộc hành trình đầy ắp gian nan.
Tháng 1/2011, hàng nghìn người trẻ xuống đường biểu tình chống chính phủ, đòi Tổng thống Hosni Mubarrak từ chức. Trong giai đoạn chính trị hỗn loạn ấy, tài năng của Salah trở thành điểm sáng cứu rỗi những tâm trạng hoang mang và u tối nhất của người Ai Cập.
"Chúng tôi coi Salah như một hình mẫu thành công, điều mà người dân Ai Cập không thể làm được tại đất nước mình. Chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian đầy khó khăn sau cuộc cách mạng với cảm giác thất bại nặng nề. Thế nhưng Salah đã chứng minh cho chúng tôi thấy thành công vẫn có thể đến dù muôn vàn khó khăn thử thách. Không ai trước đó có thể làm được điều kỳ này", Mohamed Mokhtar, một công dân Ai Cập 34 tuổi kể lại.
Trên đường phố Cairo, sẽ không khó để nhìn thấy trẻ em khoác trên mình màu áo đỏ đặc trưng của Liverpool. Đội bóng vùng Merseyside cũng ghi nhận lượng truy cập vào trang chủ CLB gia tăng đáng kể từ khu vực Ai Cập, cùng với hơn 500.000 lượt hâm mộ Facebook kể từ khi Salah chính thức ra mắt hồi tháng 7/2017.
Ngôi sao đang chơi ở Ngoại hạng Anh là linh hồn của đội tuyển Ai Cập. |
"Salah giờ đây đã trở thành thần tượng của tất cả. Rất nhiều người bắt đầu theo dõi bóng đá chỉ vì anh ấy, kể cả những người bình thường vốn chẳng mặn mà, chẳng hạn như các cô gái", Mohamed Abdel Ghafour, 20 tuổi, chia sẻ cảm xúc đại diện cho những CĐV châu Phi. "Tôi bắt đầu theo dõi Ngoại hạng Anh nhiều hơn kể từ khi có Salah. Tôi từng hâm mộ Man City, nhưng khi Salah khoác áo Liverpool, tôi chuyển sang hâm mộ đội bóng áo đỏ. Anh ấy đã nuôi dưỡng niềm hi vọng cho nhiều người trẻ nơi đây, giúp tôi tự tin rằng mình có thể làm được bất cứ điều gì, chỉ cần chăm chỉ và tự tin".
Tài năng của Salah bắt đầu được CLB El Mokawloon của Ai Cập phát hiện từ lúc 10 tuổi, khi cậu đã biết chơi bóng trên đồng bằng vùng sông Nile và tham gia một giải đấu do Pepsi Cola tổ chức. Đến nay, tiền đạo 26 tuổi vẫn giữ vị trí Đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng toàn cầu này. HLV của đội trẻ El Mokawloon ngày ấy, Caption Rieu đã đưa Salah tới Cairo từ năm 12 tuổi, để cậu bé ở khách sạn và học đá bóng trong khuôn viên CLB ròng rã suốt 8 năm cho đến khi Salah được bán cho CLB Basel vào năm 2012.
"Điều tạo nên sự khác biệt đối với Salah, đó là cậu ấy được sống trong môi trường chơi bóng chuyên nghiệp từ khi còn nhỏ. Lần đầu tiên quan sát Salah, tôi đã thấy một cậu bé chạy rất nhanh và thuận chân trái. Tôi nói với Salah rằng tôi không muốn cậu chơi phòng ngự. Tôi sẽ chỉ đạo các đồng đội chuyền bóng cho cậu để cậu có thể tận dụng tốc độ của mình và ghi bàn", HLV Hamdy Nouh của đội trẻ El Mokawloon hồi tưởng khi nói về Salah.
"Tôi cũng khuyên cậu ấy có thể trở thành mẫu cầu thủ toàn diện hơn khi biết dùng chân phải, và Salah đã nghe lời tôi". Những bàn thắng Salah ghi được trong mùa giải năm nay có thể gây sốc với những đội bóng cũ anh từng thi đấu như Roma, Fiorentina, Chelsea và Basel, nhưng điều đó chẳng còn xa lạ gì đối với CLB đã nâng bước anh tại quê nhà.
"Còn nhớ, trong hai mùa giải, Salah đã ghi tổng cộng 60 bàn thắng cho những đội bóng U14 và U15. Cậu ấy luôn chăm chú lắng nghe và cười hơn là nói chuyện, biết né tránh xung đột và tập trung vào tập luyện," ông Mohamed Abdel Aziz, một HLV khác của El Mokawlook chia sẻ. "Khi những cầu thủ khác bày tỏ tham vọng muốn được chơi cho Ahly hoặc Zamalek (các CLB hàng đầu của Ai Cập), thì Salah và Mohamed Elneny (đang khoác áo Arsenal) lại thông báo: "Mục tiêu của chúng tôi là châu Âu".
"Không chỉ có các cầu thủ thanh thiếu niên, những người trẻ Ai Cập cũng coi Salah là thần tượng của họ. Họ mong muốn có được sự tận tâm, chăm chỉ và phẩm chất đạo đức tốt đẹp như Salah".