Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm và vỡ mộng: Vén màn bế tắc đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nhiều quan chức trong cuộc nhận định cả hai bên đều thiếu tin tưởng và thất vọng về nhau. Giải pháp duy nhất phá vỡ thế bế tắc là cuộc gặp Trump - Tập tại hội nghị G-20 tháng 6.

Một tuần trước vòng đàm phán thương mại thứ 11 tại Washington, cả Mỹ và Trung Quốc đều gửi đi những tín hiệu tích cực về khả năng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, tình thế thay đổi đột ngột. Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 10/5.

Phản ứng trước động thái của Washington, Bắc Kinh thậm chí còn cân nhắc có nên cử phái đoàn đến Mỹ vào ngày 9/5 nữa hay không. Tại Trung Nam Hải, nơi tập trung các cơ quan đầu não Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các cố vấn thân cận đã phải thảo luận phương án ứng phó với quyết định tăng thuế của Tổng thống Trump, theo các quan chức Trung Quốc thạo tin.

Nỗ lực cứu vớt tiến trình đàm phán

Sau một ngày hối hả phân tích tuyên bố do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra tại buổi họp báo hôm 7/5, các quan chức Trung Quốc quyết định vẫn nên tới Washington, ít nhất là để tránh xảy ra rạn nứt không thể vãn hồi. 

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 1
Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5. Ảnh: Reuters.

Khuyến nghị này được gửi tới trưởng đoàn đàm phán của Bắc Kinh, Phó thủ tướng Lưu Hạc, và cuối cùng là Chủ tịch Tập. Dù biết rõ chuyến đi không có mấy triển vọng vì nhiều vấn đề đột ngột phát sinh, ông Tập vẫn cử phái đoàn đến Washington. "Mục tiêu chỉ đơn giản là giữ cho cuộc đàm phán tiếp diễn", một quan chức Trung Quốc giấu tên nói với Wall Street Journal.

Cho tới cuối tuần qua, hai phía đều thể hiện rằng họ đã rất nỗ lực để tránh thỏa thuận sụp đổ. Tuy nhiên, đến ngày 13/5, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế 5-25% đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ từ ngày 1/6.

Trước đó, với viễn cảnh đàm phán lâm vào bế tắc, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đưa ra một giải pháp tiềm năng. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Kudlow hai lần nhấn mạnh rằng tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp nhau một lần nữa tại hội nghị G-20 diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 6.

Điều này có nghĩa là rạn nứt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phải phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân của ông Trump và ông Tập. Sau nhiều tháng đàm phán không mang lại kết quả đáng kể do hiểu lầm và thiếu cam kết lẫn nhau, giờ đây câu hỏi được đặt ra là liệu hai nhà lãnh đạo có sẵn sàng thúc đẩy tiến trình tiến tới thỏa thuận hay không.

Thương mại toàn cầu hiện không còn xa lạ với những nguy cơ từ sự trỗi dậy thần tốc của Trung Quốc. Và cả Washington hay Bắc Kinh đều muốn củng cố hình ảnh quyền lực của mình.

Tuy nhiên, tranh chấp kéo dài càng lâu, nguy cơ sụp đổ kinh tế đối với cả hai quốc gia càng cao, kéo theo đó là thị trường chứng khoán toàn cầu bất ổn. Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 bước vào giai đoạn tăng tốc dự kiến sẽ gây nên nhiều biến động mới khó lường. 

Wall Street Journal nhận định một thỏa thuận thương mại có thể trở thành động lực và chìa khóa cho cả Washington và Bắc Kinh tái thiết mối quan hệ vốn đang rơi vào căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, từ chiến dịch của Mỹ chống lại tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei cho tới việc thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 2
Hai phái đoàn đàm phán Trung Quốc và Mỹ tại Bắc Kinh hôm 1/5. Ảnh: AP.

"Họ đang chơi trò chơi với chúng tôi"

Kể từ cuộc gặp Trump - Tập tại Buenos Aires hồi tháng 12/2018 tới nay, quá trình đàm phán giữa hai phía nhiều lần rơi vào căng thẳng. Từ tháng 2, các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc từ bỏ những cam kết mà họ đưa ra trước đó.

"Họ đang chơi trò chơi với chúng tôi", một quan chức thương mại cấp cao của Mỹ tham gia đàm phán cho biết. Trả lời phóng viên, cố vấn Kudlow nói Đại diện Thương mại Lighthizer "đã nổi cáu và cảnh cáo" phái đoàn Trung Quốc.

"Nhiều tình huống căng thẳng hơn xảy ra trong những thời điểm chúng tôi cứ nghĩ đã đạt được gì đó, và rồi lại gặp trở ngại. Vài lần chúng tôi thể hiện mình rất thất vọng. Đó là điều cần thiết để thành công. Bạn có thể tỏ ra tử tế với ai đó, nhưng đôi khi bạn cần phải nói 'đừng có chọc giận tôi'", một nguồn tin từ phái đoàn đàm phán Mỹ nói.

Đầu tháng 4, ông Mnuchin tuyên bố hai phía đã đồng ý về cơ chế thực thi các điều khoản trong thỏa thuận thương mại, cho thấy một trong những trở ngại chính đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh chưa bao giờ cho rằng vấn đề đã được giải quyết.

Trước khi tới Bắc Kinh để tham gia đàm phán, Bộ trưởng Mnuchin cho biết hai phía "đang tiến gần đến vòng cuối cùng về các vấn đề mấu chốt". Sau đó, vào ngày 1/5, ông viết lên Twitter rằng các cuộc họp rất "hiệu quả". Đại diện Thương mại Lighthizer cũng có đánh giá tương tự, theo nhiều nguồn tin. 

Ông Lighthizer từ lâu là người có quan điểm "diều hâu" với Bắc Kinh. Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng Washington cần thúc đẩy việc các công ty nước này thâm nhập vào Trung Quốc và đấu tranh với Bắc Kinh về nạn trộm cắp tài sản trí tuệ. 

Giống như ông Lighthizer, Bộ trưởng Mnuchin cũng ủng hộ thay đổi các quy tắc thương mại, nhưng ông lo ngại tình trạng bất ổn kéo dài có thể dẫn tới sự sụp đổ của thị trường tài chính. "Chúng tôi đang trong quá trình lập kế hoạch cho lễ ký kết thỏa thuận giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập", ông Mnuchin sau đó nói với phóng viên.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 3
Phái đoàn đàm phán Mỹ (trái) và Trung Quốc tại Washington hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Nhiều quan chức Nhà Trắng cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ là quá lạc quan, gây phiền toái cho ông Trump cũng như nhiều quan chức tại Nhà Trắng, bởi họ muốn duy trì áp lực với Trung Quốc đến tận khi thỏa thuận được ký kết và trở thành "sự đã rồi". 

Vấn đề danh dự

Vài ngày trước vòng đàm phán thứ 11, phía Mỹ nghi ngờ Trung Quốc bắt đầu từ bỏ các điều khoản trong thỏa thuận. Đặc biệt, ông Lighthizer cho rằng Bắc Kinh "thay đổi chi tiết nhiều mục tiêu" ngay tại thời điểm thỏa thuận dường như đã nằm trong tầm tay.

Phía Trung Quốc không còn muốn cam kết thay đổi điều luật về tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo hộ và các vấn đề cốt lõi gây ra mâu thuẫn. Bắc Kinh chỉ đồng ý công bố bản tóm tắt thỏa thuận thay vì bản chi tiết. 

Đối với Trung Quốc, đây là vấn đề danh dự: Washington nên tin tưởng Bắc Kinh sẽ thực hiện những thay đổi theo cam kết, ngay cả khi họ chỉ thay đổi quy định chứ không phải luật pháp. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đã không công bằng khi tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa nước này.

Rào cản lớn khác trong đàm phán là việc Mỹ nghi ngờ Trung Quốc về vấn đề kiểm soát hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Washington cho rằng nếu Trung Quốc vĩ đại như ông Tập miêu tả thì tại sao lại cần phải đánh cắp công nghệ của Mỹ?

Các quan chức Trung Quốc cho biết thủ tục thực thi cam kết cần phải thông qua các kênh hành pháp của Trung Quốc và không thể được đảm bảo tại bàn đàm phán, trong khi đó phía Mỹ không tin tưởng vào điều này. 

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 4
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington. Ảnh: Reuters.

Tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc dường như đã "bắt nhầm tín hiệu" từ Tổng thống Trump. Họ cho rằng việc ông Trump chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang và kêu gọi cơ quan này hạ lãi suất là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bất ổn, từ đó Washington sẽ dễ dàng nhượng bộ hơn. 

Đó là tính toán sai lầm của Bắc Kinh bởi ông Trump từ lâu đã lên tiếng về vấn đề hạ lãi suất, cũng như nhiều lần nhắc đến sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. 

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tích cực trở lại khiến Chủ tịch Tập có thêm động lực để tỏ ra cứng rắn hơn trong đàm phán. "Chúng tôi có thời gian", quan chức cấp cao tại Bắc Kinh nói với Wall Street Journal.

Do đó, phía Trung Quốc đã mất cảnh giác và bất ngờ trước quyết định tăng thuế của Tổng thống Trump. Bất chấp việc Bắc Kinh có thể hủy chuyến đi tới Washington, ông Trump vẫn đe dọa sẽ bắt đầu đánh thuế lên mọi mặt hàng khác của Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Ngay sau tuyên bố này, các nhà đàm phán thương mại của Bắc Kinh vốn chuẩn bị lên đường tới Washington nhận được lệnh khẩn cấp: Hãy chờ đến khi có thông báo mới. "Có vẻ như chúng tôi sẽ không đi nữa", một thành viên đoàn đàm phán nói hôm 6/5.

Cho tới tận thời điểm đó, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn hy vọng chuyến đi sẽ kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài nhiều tháng, và Tổng thống Trump cùng Chủ tịch Tập sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh để ký kết thỏa thuận thương mại. 

Tuy vậy, câu hỏi cấp thiết cho Bắc Kinh lúc đó là liệu có nên rút khỏi cuộc đàm phán để công khai tỏ rõ lập trường rằng Trung Quốc sẽ không đàm phán nếu bị đe dọa hay không. Hoặc, Bắc Kinh vẫn nên "ngậm bồ hòn làm ngọt" và cử phái đoàn đến Washington để tránh làm tiến trình sụp đổ hoàn toàn. 

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 5
Tổng thống Trump bắt tay Phó thủ tướng Lưu Hạc tại Nhà Trắng. Ảnh: Bloomberg. 

Phía Trung Quốc muốn có thêm thông tin từ Washington trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên trước đó, tuyên bố trên Twitter của ông Trump đã kịp khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo. Để xoa dịu các nhà đầu tư, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đẩy nhanh kế hoạch phát hành thêm tiền ngay sáng 6/5.

Chính phủ cũng gửi đi khuyến nghị cho các quỹ trực thuộc nhà nước để đối phó với việc cổ phiếu rơi tự do. Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ cho biết phái đoàn nước này "đang chuẩn bị đến Mỹ", ngoài ra không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Giải pháp phá vỡ thế bế tắc

Sáng 7/5, nhóm quan chức Trung Quốc cấp thứ trưởng, bao gồm Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân và Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn, quyết định vẫn tiến hành đàm phán tại Washington dù không mấy kỳ vọng về kết quả đạt được.

Trong khi đó, phía Mỹ vẫn kiên quyết duy trì lập trường cứng rắn: không xóa bỏ thuế quan cho đến khi Bắc Kinh cam kết thực hiện thỏa thuận. Trên hết, Mỹ muốn Trung Quốc cam kết không trả đũa nếu Washington áp dụng thuế quan để trừng phạt việc Bắc Kinh vi phạm điều khoản thỏa thuận.

Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Trump không muốn Mỹ tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, hai ngày đàm phán dường như bắt đầu khá suôn sẻ, theo giới quan sát. Phó thủ tướng Lưu Hạc tham gia hội đàm với phía Washington và có bữa ăn tối làm việc tại câu lạc bộ Metropolitan, địa điểm yêu thích của ông Lighthizer. 

Cuối buổi sáng 10/5, ngày Mỹ chính thức áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, ông Lighthizer chào đón đặc phái viên của Bắc Kinh trước cửa văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên sau đó, phái đoàn Mỹ bước vào đàm phán mà không kỳ vọng đạt được thỏa thuận. Các quan chức Mỹ muốn đảm bảo rằng ít nhất, họ không bỏ đi mà đã cố gắng hết sức, theo một nguồn thạo tin.

dam phan thuong mai My Trung Quoc anh 6
Phó thủ tướng Lưu Hạc bên ngoài văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc hôm 10/5, Phó thủ tướng Lưu đề cập đến việc Mỹ cho rằng phía Bắc Kinh từ bỏ thực hiện cam kết trong thỏa thuận. "Chúng tôi thể hiện rất rõ ràng rằng Trung Quốc không thể nhượng bộ trong các vấn đề thuộc về nguyên tắc. Chúng tôi hy vọng các đồng nghiệp Mỹ hiểu được điều này", ông Lưu nói. 

Trong bài bình luận hôm 11/5, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định văn bản của bất cứ thỏa thuận thương mại nào "phải đảm bảo tính cân bằng và thể hiện theo cách chấp nhận được đối với người Trung Quốc", đồng thời "không hạ thấp chủ quyền cũng như vị thế quốc gia".

Trước tình trạng lấp lửng và căng thẳng leo thang như hiện nay, khi hai phía không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy mong muốn nối lại đàm phán, chìa khóa của tiến trình hòa giải mâu thuẫn có thể nằm trong tay Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập. Mỗi nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân trong quá trình tranh chấp.

Tuần trước, ông Tập mới gửi lá thư "tốt đẹp" tới ông Trump với nội dung "hãy làm việc cùng nhau, hãy xem liệu chúng ta có thể làm được gì hay không".

Với đòn đáp trả của Trung Quốc bằng mức thuế lên 60 tỷ USD hàng Mỹ, tình thế giờ trở nên không mấy khả quan. "Tại thời điểm này, dường như cách duy nhất để phá vỡ thế bế tắc là thông qua đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo", một quan chức Trung Quốc giấu tên nhận định.

Hôm 13/5, Tổng thống Trump xác nhận sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 6. "Có lẽ một điều gì đó sẽ xảy ra. Chúng tôi sẽ gặp nhau tại G-20 ở Nhật Bản. Đó có thể là cuộc gặp gặt hái nhiều kết quả", tổng thống Mỹ phát biểu tại Nhà Trắng. 

Trung Quốc: Mỹ hở ra là 'lật bàn', đổ lỗi cho nạn nhân

Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích Mỹ là bên "trước sau bất nhất", khiến hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại và cuộc chiến thuế quan leo thang.

TT Trump gặp ông Tập Cận Bình giữa leo thang chiến tranh thương mại

Tổng thống Mỹ thông báo cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc sẽ diễn ra trong tháng 6, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang với hàng loạt lệnh áp thuế "ăn miếng trả miếng".




Hương Ly

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm