Các chuyên gia dịch tễ dự báo chu kỳ 4-5 năm, sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn. Năm 2019, trận dịch này bùng phát với hơn 300.000 ca mắc, riêng TP.HCM có khoảng 65.000 ca.
Nếu theo đúng chu kỳ, có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết mới, khi mùa mưa tới, người dân quên dần các khẩu hiệu phòng ngừa dịch bệnh, tạo điều kiện cho muỗi trung gian truyền bệnh phát triển mạnh.
Điểm đáng chú ý là trong đợt này, số ca sốt xuất huyết nặng cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay do mắc phải một số sai lầm trong cách chăm sóc và nhìn nhận về bệnh, nhiều người chủ quan khiến sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn.
Hết sốt là khỏi bệnh?
Sai. Thời gian người mắc bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ chuyển nặng là 3-7 ngày. Do đó, dù tình trạng sốt dần dần hạ vào ngày thứ 3, nhưng người bệnh vẫn có thể chuyển biến nặng.
Trong thời gian này, virus Dengue khiến cơ thể người bệnh suy yếu, hệ miễn dịch hoạt động kém, từ đó gây ra nhiều biểu hiện như xuất huyết dưới da.
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết từ tháng 4 đến nay, đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết thể nặng nhất, đe dọa tính mạng như sốc sốt xuất huyết kèm suy đa cơ quan.
Bé trai mắc sốt xuất huyết độ nặng, được truyền dịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Bích Huệ. |
Theo PGS Quang, việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này, kể cả vượt qua được.
Đã có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm được bệnh cảnh sốt xuất huyết, dẫn đến khi trẻ được chuyển viện muộn. Do đó, lời khuyên là nếu trẻ có sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, cha mẹ nên nghĩ đến sốt xuất huyết Dengue và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để tránh bỏ sót bệnh.
Muỗi vằn truyền sốt xuất huyết chỉ ở ao tù, nước đọng?
Sai. Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù, cống rãnh, vũng nước đọng ngoài môi trường, song thực tế không phải vậy.
Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue. Loài muỗi này có thể dễ dàng nhận dạng nhờ có vằn trắng, các đốt bàn chân sau có những khoang trắng, riêng đốt bàn chân thứ 5 trắng hoàn toàn. Vì vậy, dân gian thường có tên gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn cư trú và sinh lăng quăng ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay nơi ở của con người, từ bình cắm hoa, nước đọng lại trên mảnh vỡ, vùng đất đá khuyết, bể cá cảnh, vỏ dừa, lon nước, vỏ hộp cơm... ở khắp mọi nơi.
Do đó, để loại trừ nơi cư trú của muỗi vằn, chúng ta cần chú ý loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng có thể là nơi cho loài này sinh sản.
Muỗi vằn chỉ đốt người vào lúc chiều tối?
Không hẳn vậy. Muỗi Aedes aegypti thường hút máu vào ban ngày. Thời gian cao điểm đốt người của nó là vào những giờ đầu buổi sáng và trước lúc mặt trời lặn. Dù vậy, chúng hầu như hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Để loại trừ nguy cơ mắc sốt xuất huyết, người dân cần phòng tránh bị muỗi cắn. Đầu tiên là chú ý vệ sinh nhà cửa, loại bỏ nơi cư trú của muỗi, diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi.
Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Shutterstock. |
Dùng kháng sinh điều trị sốt xuất huyết
Sai. Tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Nguyên nhân là bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này.
Các bác sĩ cũng từng lên tiếng cảnh báo việc tự ý dùng thuốc kháng sinh càng khiến người bệnh có nguy cơ chuyển nặng và biến chứng như xuất huyết, giảm tiểu cầu thậm chí rối loạn đông máu, từ đó khiến bệnh sốt xuất huyết bị chậm trễ điều trị.
Người từng bị sốt xuất huyết sẽ không mắc lại
Chưa hẳn đúng. TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có nhiều chủng, từ DEN 1 đến DEN 4, phổ biến nhất là DEN 1.
Khi mắc sốt xuất huyết, cơ thể sẽ có kháng thể với chủng virus đặc hiệu gây bệnh, do đó, người bệnh có thể không mắc lại với chủng cũ nhưng hoàn toàn có khả năng nhiễm các chủng khác. Do đó, khả năng tái mắc sốt xuất huyết là có.
Cạo gió khi bị sốt xuất huyết
Sai. Sốt xuất huyết thường xuất hiện những nốt đỏ như xuất huyết dưới da. Do đó, nhiều phụ huynh, nhất là gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thói quen cắt lể, cạo gió để hút bớt máu độc ra ngoài.
Đây là hành động nguy hiểm vì có thể gây tình trạng chảy máu khó cầm, nhiễm trùng.
Kiêng tắm khi bị sốt xuất huyết
Chưa đúng. Việc kiêng tắm hoàn toàn là không nên, người bệnh vẫn có thể tắm gội với nước ấm, trong phòng kín gió để giữ vệ sinh thân thể. Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh được lau người bằng nước ấm cũng là cách hạ sốt.
Ngoài ra, người bệnh mới phát hiện sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, ăn uống đa dạng, chú ý đồ dễ tiêu. Đặc biệt, khi bị sốt, người bệnh nên uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây, dung dịch điện giải Oresol.
Người lớn hay trẻ em có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol nhưng cần đúng liều lượng. Khi thấy những dấu hiệu như sốt cao không hạ, chân tay lạnh, vật vã, mệt mỏi li bì, đau bụng, nôn… cần lập tức đến cơ sở y tế.