C
húng tôi luôn được coi như tiểu thuyết khai sinh ra dòng văn học viễn tưởng về thể chế chính trị, nơi các tác giả vẽ ra các nhà nước trong tương lai sẽ mượn tiến bộ khoa học kỹ thuật để quy giản mọi công dân thành các số báo danh, mọi hoạt động dân sự đều có thể kiểm soát 100% bằng tem phiếu hoặc các đội tuần tra người máy soi xét ngày đêm, và các hình phạt cho các đầu óc nổi loạn là “hóa hơi” họ bằng các máy xử chém không vết máu.
Ẩn dụ về nhà nước đó không phải vẽ ra để dọa nạt hay dự báo tương lai, mà thực chất là cảnh báo rằng các xã hội hiện đại luôn có thể tha hóa trở thành những cỗ máy truy lùng cá nhân như vậy.
Chúng tôi kể về Quốc gia Thống Nhất ở thế kỷ 26. Nhờ máy móc, cuộc sống con người đã không còn lo cơm ăn áo mặc. Nhưng để đảm bảo sự ổn định vô tận đó, tính cá nhân phải biến mất, tên tuổi thay bằng mã số, hoạt động đúng theo Bảng giờ, sống trong nhà kính trong suốt để đội Bảo vệ kiểm tra mỗi giờ…
Tất cả hoạt động tinh thần đều quay về một mối – Lãnh tụ Thiện nguyện – người đều đặn đắc cử hàng năm nhờ cuộc bỏ phiếu đồng thuận tuyệt đối.
Trong thế giới phản địa đàng ấy, vẫn có một vài kẻ không tuân phục, cố truy tìm lại chút cá nhân tính nhưng rồi cuộc cách mạng dang dở ấy cũng bất thành, vì hóa ra khao khát tự do chỉ là vấn đề của “trung khu thần kinh”, chỉ cần ấn nút xóa bộ phận ấy đi là xã hội sẽ lại là “địa đàng”.
Cuốn sách như dự báo trước các nhà nước phản tiến bộ đầu thế kỷ 20 (và cả ngày nay) sẽ hủy diệt những khao khát riêng tư bằng các công cụ tinh thần ngày càng tinh vi và tàn bạo như thế nào.
Con người trong sự khát khao phản kháng lại giáo dục tẩy não nhưng cũng đồng thời thất vọng trước sự sa đọa của tự do ra sao, và trên hết là “tôi” (chứ không phải “chúng tôi”) cố gắng sinh tồn trong một xã hội nuốt chửng mọi sự khác biệt ra sao.
Giả phong cách trinh thám, Người lạ trong nhà bắt đầu bằng một hiện trường kinh hoàng. Một bé trai 2 tuổi đã chết, chị gái 4 tuổi đang hấp hối sau một cuộc vật lộn và một người “osin” của gia đình đó vừa tự sát.
Những chương sau của cuốn sách lần ngược lại quá khứ của gia đình để hé lộ phần nào nguyên nhân của tấn bi kịch này. Hóa ra những ngày đầu rất đỗi bình dị chứ không “kinh dị” như đoạn mở trên.
Một gia đình như bao gia đình thành thị khác: chồng đi làm, vợ học hành dang dở ở nhà trông hai đứa con bé tẹo. Người vợ không chịu nổi cảnh nhàm chán bù xù của bà nội trợ, nên đã thuê một cô giúp việc có thể gánh vác hai đứa trẻ và làm mọi việc vặt vãnh khác. Hình như cuộc sống hạnh phúc đã quay trở lại ngôi nhà này.
Nhưng có ai biết cô giúp việc “hạnh phúc” hay không. Sự kỳ diệu mà cô đem lại liệu có kéo dài. Sự kiện nào đã đẩy cô vào hành động tàn sát kia.
Dù đã gấp trang sách lại nhưng độc giả cũng chưa trả lời nổi câu hỏi nhức nhối ấy. Người lạ trong nhà phơi bày một hiện thực nhức nhối đau đớn bởi các mối quan hệ xã hội đan cài vào nhau, khi cá nhân không thể giải quyết mâu thuẫn nội tại ở trong, họ tin rằng có thể đẩy gánh nặng ấy cho kẻ khác gánh, và rồi mọi thứ sẽ xong xuôi.
Nhưng hiện thực không bao giờ đơn giản như thế. Cô vợ liệu có thực sự quay lại thế giới của sự nghiệp, người giúp việc liệu có bám víu vào một gia đình lạnh lẽo để tìm kiếm hạnh phúc riêng, và nhất là mối quan hệ chủ - tớ đầy tiền bạc của những căn nhà đã không còn chút yêu thương có thể đẩy con người đi xa đến đâu.
Tác phẩm đặt ra vấn nạn mà hầu hết gia đình Việt Nam đương đại gặp phải: cô osin trong nhà có phải người lạ không, hay chính những ông bố bà mẹ mắc kẹt trong bi kịch cá nhân dần thành người lạ trong chính gia đình mình, hay chính xác là, có còn cái gọi là “một nhà” nữa không khi cá nhân thay vì tìm thấy ý nghĩa của sự gắn kết tinh thần trong gia đình lại thấy gia đình như mồ chôn hạnh phúc riêng tư.
Không hẹn mà gặp, tác phẩm Bao điều không nói của Leslie Ng cũng bắt đầu từ cái chết của con trẻ.
Lydia đã chết đuối dưới hồ nước. Là con gái của một bà mẹ đầy tham vọng, mơ ước con gái hoàn thành mọi kỳ vọng dang dở của mình khi còn trẻ (do dính bầu với vị giáo sư người Mỹ gốc Hoa mà cô theo học), Lydia là điển hình của một “mọt sách” bị bạn bè xa lánh, bị điểm số đè bẹp và khủng khiếp nhất là sự sỉ nhục của phụ huynh khi mọi “cố gắng” là không đủ.
Đứa trẻ ấy chỉ dùng cái chết mới có thể giải quyết được đời mình, nhưng những kẻ còn sống thì sao? Cuốn tiểu thuyết mượn cái chết của người con gái để nói đến sự rạn nứt trong gia đình đã âm thầm ăn mòn tinh thần của từng người ra sao.
Nhưng không chỉ dừng trong gia đình, đó là những xung đột xã hội (chủng tộc, bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giới…) không bao giờ hiển lộ nhưng từng giây phút là cá nhân coi thường chính mình, căm ghét mọi kẻ ở quanh mình.
Và cũng như Người lạ trong nhà, điều mà cuốn tiểu thuyết day dứt nhất là con người trong xã hội hiện đại tuyệt vọng đến mức họ luôn say mê ném mọi đau đớn tinh thần của mình cho kẻ khác gánh vác, mà quên đi rằng, những đau đớn ấy sẽ sớm trở về, ở một cấp độ kinh hoàng hơn.
Văn phong của Bao điều không nói tuy có vẻ bình thản, nhưng kỹ thuật xây dựng tâm lý nhân vật, khả năng bao quát hiện thực rộng lớn đều công phu hơn Người lạ trong nhà.
Một ông già có tiếng gàn dở và hay cay nghiệt, bỗng một ngày nhận được lời đề nghị nghỉ hưu sớm từ chỗ mình là đã làm đến ba chục năm. Sáu tháng trước, người phụ nữ của đời ông cũng vừa tạ thế.
Một ông lão chán đời đã đủ lý do để tự tử, nhưng quyết theo phong cách cao thượng cổ điển là cái chết này không được phiền đến ai. Và trong lúc tính toán, thì hóa ra là không thể không phiền được. Thật là rắc rối nên kế hoạch cuối cùng đã không thành.
Cuốn sách vừa cho độc giả đi ngược lại những năm tháng “yên bình” không Internet khi ông Ove còn lang thang cùng bố là nhân viên đường sắt, vừa gặp những người bạn cũ, mới đã “cứu sống” ông Ove để thấy dù năm tháng có nhiều thay đổi, dù công nghệ mới có đem lại nhiều điều ngớ ngẩn thì cuộc sống quanh ta luôn đáng sống bởi sự mở lòng và những điều ấm áp luôn tiềm ẩn mà ta chưa tìm thấy.
Cuốn sách luôn tạo ra những cuộc đối thoại bất tận về quan điểm sống. Quan điểm nhanh, vội vã, tôn sùng công nghệ của ngày nay với quan điểm “ăn chắc mặc bền”, lao động chân tay là trên hết của thời ông Ove; quan điểm về sự “hiên ngang” trong áp bức bất công khi xã hội bên ngoài đang thui chột chính nghĩa; quan điểm về đối nhân xử thế với sự đa dạng về chủng tộc, lịch sử đang diễn ra hàng ngày; quan điểm về sự “thành công” của cá nhân giữa cơn lốc của tiền bạc,…
Tất cả những điều lớn lao trên đều được gói gọn trong những suy nghĩ khi thì cay nghiệt khi thì hài hước của ông lão Ove, nằm rải rác trong những câu chuyện khi thì triết lý khi thì oái oăm của đời ông.
Rồi tình yêu sẽ xóa tan tất cả những khác biệt ấy. Tình yêu vĩnh cửu mà ông dành cho vợ, tình yêu dịu dàng với con mèo đi lạc, tình bạn bè hàng xóm sau bao sóng gió lịch sử và bệnh tật với ông hàng xóm gàn dở cùng cấp độ với Ove. Cái cuối cùng còn lại của đời người, có lẽ là tình yêu.