Những giấc mơ tan vỡ, những bi kịch của thời đại và những tư tưởng lớn tạo nên sức nặng của 4 tác phẩm văn chương nổi bật trên kệ sách tháng 8.
Một cuốn tiểu thuyết Hàn Quốc nhưng cốt truyện ma mị đậm phong cách Kafka và dành cho bất kỳ thành thị hỗn độn nào trên thế giới này.
Câu chuyện bắt đầu từ một nhân vật không tên bỗng một ngày được công ty cử đi công tác xa bởi khả năng... bắt chuột. Chuyến phiêu lưu vô định bắt đầu. Chuyến phiêu lưu như trong Lâu đài hay Vụ án của Kafka được đan lồng với những huyền thoại đô thị ngày hôm nay: những cánh cửa an ninh, các siêu công ty vô hình, quyền lực vô biên của y tế...
Cuộc săn bắt chuột là một ẩn dụ lớn của cách hoạt động vô nghĩa lý trong xã hội đầy rẫy những quyền lực vô nhân xưng mà ở đó con người cá nhân không thể hiểu nhưng vẫn phải vận hành. Chính trong những cuộc phiêu lưu điên rồ ấy, nhân vật chính bắt gặp lại những chuyến phiêu lưu rất cá nhân về gia đình bỗng một ngày đã mất của mình.
Hai chuyến hành trình bên ngoài và bên trong tưởng chừng vận động trái chiều nhau lại gặp nhau, va chạm vào nhau bùng vỡ và sụp đổ để cá nhân có cơ hội tìm lại những giá trị hiện sinh của bản thân. Đó là một con đường bi quan nhưng chẳng còn lựa chọn nào cho con người trong Tro tàn sắc đỏ.
Cuốn tiểu thuyết là sự trộn lẫn những bi kịch của thời đại hòa trong bi kịch của cá nhân hay chính xác là không cá nhân nào còn có thể chạy thoát được thời đại này. Bởi thế Tro tàn sắc đỏ là một bước nối dài của Kafka trong thế kỷ 21 – cái thế kỷ kéo dài những phi lý đầu thế kỷ 20 thành những gì hữu lý, bình thường.
Tro tàn sắc đỏ còn thú vị hơn nữa ở chỗ giọng văn tác giả biến hóa khôn lường giữa thể loại trinh thám, triết lý, những mô tả về xã hội hiện đại nhưng lại gợi nhớ tới những trường đoạn kinh điển của Kafka, Camus.
Dù Nguyễn Đình Lạp không được nhắc tới nhiều trong lịch sử chủ nghĩa hiện thực 1930-1945, nhưng Ngoại ô luôn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đô thị Việt Nam trong những ngày đầu phát triển của nó.
Cùng với Hà Nội lầm than, Tôi kéo xe, Bỉ vỏ… Ngoại ô cho chúng ta những thước phim tư liệu về những cảnh đời người nông dân hay những dân ngụ cư nghèo đến sống bên rìa đô thị, mưu sinh trong tranh sáng, tranh tối của thành phố hoa lệ và tàn nhẫn.
Ở đó hình thành nên một lớp người mới vừa đem theo những nét đẹp hồn hậu của xã hội Việt Nam truyền thống vừa biến đổi nhân cách để sinh tồn trong kiểu xã hội tư bản phương Tây.
Nguyễn Đình Lạp luôn cố gắng xây dựng công phu từng nhân vật một với tiểu sử, tính cách, hành động rất rõ ràng; một mặt tác giả muốn tái hiện lại toàn bộ hiện thực thông qua từng nhân vật điển hình, mặt khác, sâu hơn nữa, tác giả luôn “cố tìm mà hiểu” về những thân phận cơ cực tưởng chừng chỉ có sống trong tăm tối kia.
Người đọc có thể dễ dàng thấy bút pháp miêu tả và phương thức kể chuyện của tác giả chịu ảnh hưởng của các tiểu thuyết đô thị hàng đầu của Balzac, Hugo… khi mô tả con người luôn đấu tranh gìn giữ phẩm giá của mình khi hiện thực đen tối luôn muốn nhấn chìm những con người cần lao ở dưới đáy đô thành.
Chính những nét cũ mới lẫn lộn ấy vừa tạo nên những bi kịch đau lòng vừa tạo nên những câu chuyện tình người ấm áp. Chất liệu sống ngồn ngộn được tác giả xử lí bằng ngòi bút đầy tình thương của người trí thức trách nhiệm với dân tộc, với thời cuộc; tạo nên một tác phẩm hiện thực xuất sắc đi giữa sự khách quan của báo chí và sự uyển chuyển của tiểu thuyết.
Tiếp tục thành công như Cộng hòa phi lý, Gary Shteyngart đem tới cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết hài hước đặc sệt phong cách Mỹ - một nồi lẩu thập cẩm của toàn nhân loại.
Cuốn tiểu thuyết đã tái hiện đầy đủ và xuất sắc những khía cạnh lố bịch nhất của “giấc mơ Mỹ” trong một tương lai gần khi mà những cơn ác mộng rất thực của người Mỹ đã ập đến: lưỡng đảng bắt tay với nhau biến cả đất nước thành con rối, đâu đâu cũng gặp những người ngoại quốc Châu Á, nền kinh tế bị lũng đoạn bởi bọn tư bản gian thương và các phương tiện truyền thông chỉ là trò hề. Trong bối cảnh ấy, nhân vật chính, người có dòng máu gốc Nga đem lòng yêu một cô gái gốc Hàn và tin rằng tình yêu đó là chìa khóa dẫn tới sự bất tử.
Ý tưởng điên rồ hết cỡ ấy hài hước thay lại khớp nối trăm phần trăm với hiện thực Mỹ suy đồi kia. Chính sự khớp nối đến đáng kinh ngạc đó bắt đầu làm cho chúng ta thấy buồn, làm chúng ta nghĩ lại về những mơ ước đơn sơ nhất của nhân tính liệu còn có thể tồn tại khi mọi giá trị xã hội đều đã bị hủy hoại.
Vì vậy, Chuyện tình đích thực siêu buồn là ví dụ rõ nét nhất cho định nghĩa kinh điển: “Hai lần hài kịch là một lần bi kịch”.
Luôn nằm trong top 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất của thời đại ở bất kỳ bảng xếp hạng nào, Người xa lạ đã có bản dịch thứ tám ở Việt Nam.
Người xa lạ đại diện cho tư tưởng hiện sinh lạc quan của Camus khi ông cho rằng bản chất của thế giới là phi lý; con người phải sống với án lưu đày phi lý vĩnh viễn, nhưng cá nhân vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc trong những khoảnh khắc phản kháng.
Cuốn tiểu thuyết kể về Meursault, một kẻ không thể hiểu - bất khả tri về thế giới xung quanh mình và về chính mình. Khi hồi tưởng lại việc mình giết người, anh chỉ nhớ lúc ấy do trời nắng quá và anh cũng chẳng thể hiểu nổi tại sao mình phải hành xử “đúng theo mong muốn” trong lễ tang của mẹ mình.
Kẻ từ chối hiểu về thế giới và cũng từ chối thế giới hiểu về mình ấy không có chỗ dung thân, anh ta chỉ có thể bị truy đuổi đến cùng và bị xử tội bởi tòa án của đám đông và quyền lực. Anh ta không bao giờ có lối thoát mà anh ta chỉ có thể tự mở lối thoát ra cho mình bằng sự phản kháng trong nhận thức.
Anh nghĩ rằng chỉ mẹ anh, một người đã sống trọn vẹn cuộc đời mới có quyền tự phán quyết rằng thế nào là cuộc đời có ý nghĩa. Hay trong những giờ phút cuối trước khi bị hành hình, khi cảm nhận toàn bộ vẻ đẹp của thiên nhiên, anh ta mới có quyền thốt lên: “Cuộc đời này còn đáng sống”.
Camus viết Người xa lạ đầu những năm 1940 khi châu Âu đã sợ hãi cơn say máu của sự phục tùng những chủ nghĩa. Vì thế cuốn tiểu thuyết là lời cảnh báo cho những giáo điều cưỡng bức con người ta phải theo, phải hiểu thế giới này theo một mô hình nhất định nào đó của “đạo đức học số lượng”.
Trong tương lai gần, ông kêu gọi hình thức con người phản kháng, kẻ từ chối khớp mình vào nhu cầu của đám đông đầy thù hận; từ đó vượt lên sự phi lí tất yếu của cuộc đời.