Sau thành công của chuỗi hoạt động chủ đề Sự tinh tế song hành cùng tri thức vào năm 2016, triển lãm Vế chốn thư hiên diễn ra vào ngày 8/9 tại Đường sách TP.HCM được kỳ vọng tiếp tục mang đến cho người yêu sách ấn tượng khó quên bên những trang sách ngả màu thời gian.
Triển lãm Về chốn thư hiên lần này sẽ trưng bày 15 ấn phẩm quý thuộc bộ sưu tập của Quán sách Mùa thu và những người bạn. Trong đó, có những cuốn sách được giới chuyên môn và các nhà sưu tập đánh giá cao như ấn bản Vang bóng một thời in năm 1940 của nhà văn Nguyễn Tuân.
Ấn bản Vang bóng một thời in năm 1940 của nhà văn Nguyễn Tuân. |
Tác phẩm đầu tay của nhà văn do nhà in Tân Dân – Hà Nội xuất bản lần đầu năm 1940. Ngay khi vừa trình làng, Vang bóng một thời đã được các văn nghệ sĩ và công chúng đón nhận, tán dương và đưa tên tuổi tác giả nhanh chóng nổi tiếng.
Vang bóng một thời được trưng bày tại triển lãm lần này là ấn bản đặc biệt có chữ ký của tác giả kèm thủ bút, cùng với 5 phụ bản tranh khắc gỗ đẹp mắt của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.
Bên cạnh đó phải kể đến bộ ấn phẩm Kim Vân Kiều tân truyện, được xuất bản vào năm 1884-1885. Bộ sách gồm ba cuốn của nhà Đông phương học người Pháp Albel Des Michels, trong đó có hai cuốn song ngữ Việt – Pháp và một cuốn chữ Nôm.
Bản tiếng Pháp của Kim Vân Kiều tân truyện, do Abel des Michels dịch, Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1884 đã đánh dấu lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam.
Điểm nhấn của chuỗi sự kiện Về chốn thư hiên lần này là buổi tọa đàm Ngành xuất bản Việt Nam hiện nay – Thực trạng và triển vọng, diễn ra vào lúc 8h30 sáng ngày 10/9 với diễn giả là Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Cuốn Kim Vân Kiều tân truyện. Ảnh: BTC. |
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sẽ phân tích về tình hình đời sống thực tế của ngành xuất bản hiện nay trong tương quan so sánh với sự phát triển xuất bản của nhiều quốc gia khác. Ông còn cung cấp nhiều thông tin về lịch sử xuất bản ở Việt Nam cũng như những ảnh hưởng của một số ngành xuất bản các nước đến Việt Nam.
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM cho biết sau buổi tọa đàm, là phần đấu giá 4 bản dị bản của tủ sách DTbooks bao gồm Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài (Tác giả Lê Nguyễn), Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 (tác giả Lê Tiến Công), Kẻ trộm sách (Tác giả M. Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch), Người xa lạ (Tác giả Albert Camus, Thanh Thư dịch). Tất cả đều có thủ bút và lời đề tặng của tác giả hoặc dịch giả.
Ngoài ra tác phẩm Nằm vạ của Bùi Hiển, do NXB Đời Nay ấn hành năm 1941 cũng được đấu giá. Đây là cuốn sách đạt giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Sách là bản đặc biệt đánh số III, in trên giấy dó lụa, có thủ bút - chữ ký của tác giả tặng nhà văn Vũ Ngọc Phan. Ngoài ra, điều thú vị còn ở việc tác giả tự tay sửa các lỗi chính tả in trong sách.
Toàn bộ số tiền đấu giá không khuôn khổ triển lãm sẽ được quyên góp cho quỹ Hoa Sen thành lập Thư viện Nguyễn An Ninh.