Có thể là tác phẩm tái bản hay bản dịch lần đầu ra mắt độc giả Việt Nam, nhưng đây là những cuốn sách đem lại cho người đọc nhiều cảm xúc và suy ngẫm.
Lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt, Đường về tiếp tục khẳng định vị trí của Remarque trong lòng độc giả Việt Nam hàng chục năm qua khi tác phẩm đi sâu vào chủ đề day dứt nhất “tiếng súng không bao giờ tắt” .
Tác phẩm kể về người lính Flandern trở về quê hương sau Thế chiến thứ nhất nhưng mảnh đất không bom đạn bỗng trở nên xa lạ với anh bởi “doanh trại mới là quê hương thực sự của đời lính”. Mọi quan hệ với thế giới xung quanh: thành phố, gia đình, bạn bè,… trở nên đứt đoạn, và thứ ám ảnh duy nhất vang vọng trong đầu người lính là tiếng thét xung trận, thứ âm thanh xóa đi mọi cảm nhận về cuộc sống yên bình hiện tại.
Sự đau đớn không tiếng súng ấy được Remarque tái hiện sống động và tuyệt vọng trong từng mô tả nhỏ nhất về đời sống đô thị Đức sau thế chiến, nơi con người không có lối thoát ở hiện tại, và đường về hóa ra lại là về với quá khứ nơi chiến trường đẫm máu mà thôi.
Trong cuốn sách này, người đọc sẽ thấy thoáng hiện lại những đoạn mô tả tâm lý hậu chiến dằn vặt như trong Ba người bạn hay sử thi chiến trận như trong Phía Tây không có gì lạ nhưng ở một cấp độ lạnh lẽo và tàn nhẫn hơn nữa.
Tác phẩm này khắc sâu nhất vào “thân phận người lính” trong sự dự cảm về một châu Âu không thể phục hồi sau chiến tranh, bởi chiến tranh không chỉ tàn phá vật chất, mà quan trọng hơn, nó tàn phá tâm tính con người, làm họ không thể trở về với sự thuần hậu nguyên sơ. Trong cái bầu không khí tinh thần tan nát ấy, những cuộc chiến, cả có bom đạn lẫn không, sẽ lại tiếp diễn không bao giờ dứt.
Chính vì thế, Đường về là một ẩn dụ cho cá nhân cố gắng trở về với chính mình, dù anh ta bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử phi lý hay sự kiệt quệ nhân tính trong xã hội suy tàn. Remarque, nửa hy vọng, nửa bế tắc, khi mô tả một cách chân thực nhất về hành trình ấy.
Bản dịch Đường về của Vũ Hương Giang nằm trong hợp tuyển 10 tác phẩm của Erich Maria Remarque vừa được xuất bản trong tháng 7/2017.
Nổi tiếng tại Việt Nam với tiểu thuyết tình cảm Thầy lang, nhưng Mostowicz còn có một tiểu thuyết trào phúng bậc thầy khác là Đường công danh của Nikodema Dyzmy.
Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn băn khoăn không biết Vũ Trọng Phụng đã đọc tác phẩm này chưa khi ông xây dựng kiệt tác Số đỏ bởi sự giống nhau về thủ pháp viết lẫn sức công phá xã hội đầy lố lăng thông qua hài kịch thăng tiến của một cá nhân lưu manh giữa hai tác phẩm này.
Cuốn sách kể về chuyến phiêu lưu chính trị của Nikodema – từ một anh công chức hạng bét đến lãnh đạo tối cao của nước cộng hòa Ba Lan. Hành trình này diễn ra nhanh chóng mặt với đủ loại "số đỏ" cũng như những trò hạ lưu đen tối bẩn thỉu trong giới “thượng lưu” tư sản mục ruỗng.
Bằng tiếng cười sâu cay, tác phẩm đã dựng lên cả một màn kịch, nơi mà bọn cầm quyền đàn áp nhân dân bằng nền chính trị lừa bịp và đồng tiền ngự trị trên tất thảy mọi thứ: kỷ cương, tình cảm, đạo đức…
Đó là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ táng tận lương tâm như Nikodema có thể leo cao leo nhanh từ những thủ đoạn mà hắn học lỏm ngay lập tức từ giới “thượng lưu” lưu manh – các thiên tài kinh tế chỉ giỏi kiếm tiền bằng lừa đảo và tham ô, các chính trị gia yêu nước nhưng nhổ toẹt vào dân tộc để đảm bảo lợi ích bản thân, các quý bà đoan chính nhưng lén lút chìm đắm trong các buổi hội họp loạn dâm, các luật sư chân thực có thể lấy lời khai từ miệng người chết…
Cuối sách, chàng trí thức “điên” Pônimirxki – người duy nhất thật sự tỉnh táo trong vở kịch tự lừa nhau này – phải hét lên “Không phải hắn dắt mũi các người đâu! Chính các người đã bê cái đồ súc vật ấy đặt lên thành tượng đài! Chính các người! Hỡi lũ người đánh mất hết những tiêu chuẩn lý trí!” Tất cả chỉ còn là những nạn nhân “tự nguyện” của tiền bạc và dục vọng.
Giá trị của tác phẩm không chỉ nằm ở việc vẽ ra bức tranh hiện thực khổng lồ về nước Ba Lan trong giai đoạn đen tối nhất, mà còn khắc họa sâu sắc con người trong quá trình tự tha hóa khi được dung dưỡng trong xã hội tư sản đã mất hết các chuẩn mực nhân tính. Đó vẫn là lời cảnh báo vang vọng đến tận ngày hôm nay.
Cuốn sách tập hợp những câu chuyện mà những người con – nay đã là những trí thức/nghệ sĩ thành danh – kể lại những khoảnh khắc bên cha mình trong những năm tháng gian khổ của dân tộc nửa cuối thế kỷ 20.
Tập sách này có rất nhiều điểm đặc biệt. Sự rộng lớn của bối cảnh gia đình đan lồng vào bối cảnh đất nước; sự đa dạng hình tượng khi người đọc được thấy những con người tiêu biểu của thời đại trong một vị trí rất cá nhân: người cha hoặc người con; sự xúc động khi mỗi hành động của người cha báo hiệu sức ảnh hưởng không dứt lên cả cuộc đời và sự nghiệp của con sau này; sự kính trọng đến nhân cách của người cha giữa những góc khuất của thời cuộc luôn là tấm gương cho hành động của con, nhất là khi cha – con đứng dựa vào nhau giữa những giông bão bất chợt của số phận,…
Nhưng dư âm lớn nhất mà cuốn sách đem lại có lẽ là mối quan hệ cha – con luôn là cái gì đó còn dang dở và day dứt. Những hồi ức được kể lại thường ngắn, đôi khi đứt đoạn bởi mạch cảm xúc quá mạnh, tạo cảm tưởng về những đứa con đang tìm lại chỉ một hoặc hai mảnh ghép còn thiếu về cha mình để cố hoàn thiện lại bức tranh xưa cũ về một người vừa thân thuộc vừa hơi bí ẩn.
Chính chút thiếu vắng ấy đã tạo động lực cho người con đi tiếp, khám phá tiếp những chân trời còn dang dở với cả cha và con. Tình phụ tử trong sách này không chỉ là những câu chuyện đẹp hay xúc động, mà nó truyền tải sự trăn trở của người con về lịch sử, tư tưởng, phong cách sống,… mà cha mình đã luôn gánh vác để truyền lại cảm hứng cho những thế hệ sau.
Đó có thể là một tấm gương về lao động văn học (dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư – nhà văn Nguyên Hồng), hay lòng nồng nàn yêu nước (đạo diễn Đặng Nhật Minh - bác sĩ Đặng Văn Ngữ), hay suy nghĩ về thời đại (Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận),…
Chính sự trăn trở ấy nối dài Cha và con và mai sau.
Cuốn sách này không có những cảnh hiện thực huyền ảo tạo nên “thương hiệu” của Márquez như trong Trăm năm cô đơn hay Người chết trôi đẹp nhất trần gian, nhưng nó vẫn làm người đọc phải suy nghĩ lại không ngừng về hiện thực, và nhất là về sự cô đơn của con người.
Tác phẩm được viết bằng giọng văn chậm rãi và nặng nề như nhân vật chính – ông nhà báo già đến sinh nhật 90 tuổi quyết định dốc tiền để có một đêm tình với cô bé 14 tuổi còn trinh nguyên. Đời ông đã ngủ với nhiều cô gái điếm, đơn giản là nhu cầu tình dục, và ở tuổi 90, ông muốn một phần thưởng nào đó thật khác.
Nhưng đêm ấy, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trong dáng ngủ say của cô bé, ông bỗng nảy nở một tình yêu phi xác thịt, ông chỉ hôn lên trán cô, rồi những ngày sau ông nguyện làm tất cả để giữ gìn sự trong trắng cho cô.
Rồi câu chuyện tiếp tục với căn phòng nhỏ, người đàn ông già gần đất xa trời, với ít hoa, ít ánh nắng, trầm ngâm chiêm ngưỡng và lặng lẽ “bảo vệ” nữ thần của ông. Một tình cảm tươi sáng, làm mới lại tâm hồn, vượt thoát khỏi những chuẩn mực tầm thường nhưng càng đọc càng thấy phủ lên đó một nỗi buồn bất lực, nỗi buồn bao trùm thân phận con người sắp dốc hơi tàn ở một thị trấn xa xăm.
Thế nên với Márquez, viết bất kỳ tiểu thuyết nào thực ra cũng là một cuốn sách về sự cô đơn đến đậm đặc khi bị giằng xé bởi những cảm xúc tột bậc trong một hiện thực cầm tù đang vây hãm lấy con người.
Tác phẩm này dễ làm người đọc nhớ tới kiệt tác Người đẹp say ngủ của Kawabata khi cùng một mô-típ ông già tái sinh lại tâm hồn nhờ vẻ đẹp của người con gái hay sự xót thương cho thân phận người phụ nữ. Bằng cách dựng lên khoảnh khắc “cứu rỗi” ấy, cả Márquez và Kawabata đều đi đến cùng và mô tả tinh tế nhất những mảng sáng – tối hỗn độn trong tâm hồn con người để khám phá ra rằng chúng ta có thể luôn cao cả hơn, bất chấp cái án lưu đày trên mảnh đất trăm năm cô đơn.
Chuyên mục Sách nổi bật trong tháng của Zing.vn mời bạn đọc chia sẻ những đánh giá và cảm nhận về cuốn sách ấn tượng với cá nhân bạn trong tháng. Các bài chia sẻ gửi về hộp thư: xuatban@zing.vn.
5 bài viết hay sẽ được đăng trên chuyên mục Xuất bản của Zing.vn và độc giả sẽ được nhận quà tặng là những cuốn sách thú vị.