Tsuneko Nakamura sinh năm 1929, tính đến nay đã 91 tuổi. Ở độ tuổi như nhiều người khác sẽ nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già thì bà vẫn tiếp tục đảm nhiệm công việc tư vấn - điều trị sức khỏe tâm hồn trong suốt 70 năm qua.
Không những không nghỉ hưu mà Nakamura còn làm việc với tâm niệm "không còn gì nuối tiếc dẫu ngày tôi lìa đời có đến vào bất cứ lúc nào".
Cả cuộc đời Nakamura được đúc kết lại trong cuốn sách Nhân gian đáng giá. Đó chính là hạt mầm hy vọng mà bà nhọc công gieo trồng với ước mong nó có thể giúp đỡ mọi người gỡ bỏ muộn phiền, thay đổi tâm tưởng, tự tay vẽ nên một tương lai tươi đẹp.
Cuốn sách Nhân gian đáng giá của bác sĩ Tsuneko Nakamura. Ảnh: Huy Hoàng Books. |
Nhân gian đáng giá là tập hợp 36 câu chuyện cảm động của "bà nội quốc dân" Tsuneko Nakamura do bác sĩ Hiromi Okuda ghi chép lại. Cuốn sách nói về cách bà giúp tháo gỡ những muộn phiền từ công việc, gia đình, quan hệ giữa người với người, sự cô độc, những mất mát lớn lao của những bệnh nhân, giúp họ nhìn thẳng và xử lý vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Là người đảm nhiệm công việc tư vấn - điều trị sức khỏe tâm thần suốt 70 năm không nghỉ hưu, cách sống của Nakamura có thể gói gọn trong câu "sống bình đạm mỗi ngày". Đó không hẳn là cách sống thông minh, cũng chẳng phải là cách sống hiệu quả, đó chỉ là cách sống luôn tập trung vào những gì trước mắt mình.
Nhưng chính cách sống đó lại khiến bà hoàn toàn không phải gồng mình lên trong bất cứ chuyện gì. Xuyên suốt trong Nhân gian đáng giá, người đọc cũng sẽ bắt gặp tư tưởng sống có chút lạ lùng nhưng cũng vô cùng hay ho ấy.
Với vị bác sĩ đáng kính này, khi bạn cho rằng bạn làm việc vì tiền, điều đó cũng chẳng có gì xấu cả. Làm những điều mình muốn hay làm để hiện thực hóa ước mơ nghe đều chính xác, thế nhưng nói cho cùng, con người làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình, đây mới là mục đích hàng đầu của công việc.
Cũng giống như việc Nakamura trở thành bác sĩ ban đầu cũng chẳng phải vì những mong muốn như cứu giúp con người, đây chẳng qua cũng chỉ là một ngã rẽ giữa muôn vàn những ngã rẽ mà thôi.
Những vấn đề như động lực sống hay sự trưởng thành của bản thân nên được gác lại và để dành cho đến khi bạn có thể nắm chắc được khả năng nuôi sống bản thân, khi bạn có đủ thời gian và điều kiện để chậm rãi suy tư về chúng.
Bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, trong nhiều chuyện, khi không đặt kỳ vọng, chúng ta lại có thể đạt được kết quả tốt hơn. Thế nên, đừng quá quan trọng hóa bất cứ điều gì, nếu có chuyện gì đó đáng mừng, hãy vui vẻ tận hưởng niềm vui ấy.
Nếu có chuyện gì đó phải làm, hãy tự quyết đoán phải làm thôi vì ta chẳng còn cách nào khác cả. Chẳng phải cuộc đời của chúng ta chính là sự lặp đi lặp lại những điều đó hay sao?
Bác sĩ Tsuneko Nakamura (phải) và Hiromi Okuda - người chấp bút cho cuốn sách Nhân gian đáng giá. Ảnh: Nikkei. |
Thời gian cho chúng ta có thể sống khỏe mạnh đều được giới hạn, vậy nên đừng tiêu phí khoảng thời gian đẹp đẽ ấy bằng những điều không vui.
Những câu chuyện của Nakamura sẽ làm cho chúng ta bừng tỉnh về giá trị sống của mỗi người, cách để có thể dung hòa được chuyện này chuyện kia, cách nhận ra những ân điển kỳ lạ trong mối quan hệ giữa người và người. Dù sống như một vĩ nhân hay chọn cách sống như loài cỏ dại, thì bạn đều có những ý nghĩa đặc biệt cho cuộc đời.
Tên cuốn sách được đặt lại từ tác phẩm nổi tiếng Nhân gian thất cách của nhà văn Dazai Osamu. Nếu như tựa đề cuốn sách của Osamu kể về một chàng thanh niên không còn cảm thấy mình được là con người, thì cuốn sách của Nakamura sẽ giúp biến đổi điều đó, để thấy được cuộc sống quý giá đến nhường nào.