Cuốn Sách Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Đ.A. |
Khoảng 5 năm nay, mỗi dịp cuối năm dương lịch, làng xuất bản và người yêu sách lại đón chờ ấn phẩm đặc biệt: sách Tết. Mỗi năm, có khoảng 3-5 đơn vị tham gia mảng sách Tết, mang lại món ăn tinh thần cho độc giả bên thềm năm mới.
Năm nay, ấn phẩm đầu tiên lộ diện là cuốn Sách Tết Quý Mão 2023 của Đông A. Đây là năm thứ năm liên tiếp đơn vị này thực hiện giai phẩm cho dịp Tết. Nhà văn Hồ Anh Thái tiếp tục là người tuyển chọn tác phẩm cho giai phẩm này. Các họa sĩ Đặng Tiến, Hoàng Phượng Vỹ, Đào Hải Phong, Kim Duẩn, Phượng Vũ… minh họa cho ấn phẩm.
Vẫn theo phong cách được hình thành trong 5 năm qua, bìa sách là các họa tiết vui, sống động lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ. Ấn phẩm năm nay có tạo hình linh vật của năm được thể hiện nổi bật. Nội dung sách có kết cấu 6 phần, các tác phẩm được chia theo từng chủ đề nghệ thuật: Văn, Thơ, Nhạc, Họa và hai phần “Khúc dạo đầu” và “Vĩ thanh”.
Ấn phẩm đưa bạn đọc về với Tết của những ngày xưa cũ. Ở phần đầu, ký ức của tác giả Xuân Phượng đưa độc giả khám phá phong tục đón Tết xưa trong gia đình hai vị quan nhà Nguyễn ở Huế, Phan Rí; đó là những phép tắc nghiêm cẩn mà truyền thống, trang trọng.
Trong Theo bà nội về quê ăn Tết, tác giả Nguyễn Thị Minh Thái kể lại những ngày đón Tết ở Hà Đông và nước Nga xa xôi. Trải nghiệm gói bánh chưng, chơi tam cúc của các cây bút Ý Nhi, Trung Sỹ tái hiện phong tục đẹp ngày Tết.
Ở phần văn năm nay có sự tham gia của các tên tuổi như Ma Văn Kháng, Phan Thị Vàng Anh, Phan Cung Việt, Nguyễn Trí… Cảm xúc mùa xuân được lưu lại trong vần thơ của Hữu Việt, Hàn Thanh Duy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Hồ Anh Tuấn… Nhà phê bình Hoài Nam kết thúc phần thơ với bài bình về những vần thơ mùa xuân của Quang Dũng.
Ở phần Nhạc, những cảm nhận của Nguyễn Thị Minh Châu giúp bạn đọc, người nghe hiểu thêm vẻ đẹp trong ca từ, giai điệu, sự tinh tế của Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang), Mưa xuân (Đức Trịnh).
Họa sĩ Đặng Tiến là chân dung được giới thiệu trong phần Họa. Qua bài viết của Giáng Ngọc, hai lĩnh vực minh họa và sáng tác tranh của Đặng Tiến được khắc họa.
Ấn phẩm khép lại với bài viết Một “ông Tây” ở Việt Nam của Yên Ba. Tác phẩm khảo cứu quá trình chuyển ngữ truyện ngụ ngôn La Fontaine từ tiếng Pháp sang tiếng Việt của nhiều thế hệ dịch giả Việt Nam như Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh đến ấn bản đầy đủ nhất hồi đầu năm.
Theo thông tin từ đơn vị phát hành, ấn phẩm sẽ ra mắt trong tháng 12, mỗi bản có đánh số.