Sách self-help là thể loại được nhiều độc giả yêu thích. Ảnh: Phương Lâm. |
Rõ ràng, dòng sách self-help mang đến nguồn cảm hứng rất lớn, dù là trong lĩnh vực kinh doanh, cuộc sống, học tập hay tình yêu… Tuy nhiên, có luồng quan điểm rằng các tác phẩm self-help không thực sự mang lại nhiều giá trị cho độc giả.
Ký giả Yashvi Peeti đã có nhiều chia sẻ cá nhân về vấn đề này trên trang Book Riot.
Một năm nữa lại đến. Điều đó có nghĩa một năm mới đang đến với những hy vọng mới để có thể tiến gần hơn đến các mục tiêu mà chúng ta kỳ vọng. Và self-help là thể loại sách được rất nhiều độc giả yêu thích. Họ lựa chọn như một cách để tham khảo “phương thức thành công”. Vậy thể loại sách này có thực sự hiệu quả? Liệu các phương pháp trong đó có thực sự giúp chúng ta tới gần thành công hơn?
Và nếu có, điều đó diễn ra như thế nào?
Một bài báo nghiên cứu được đăng trên Journal of Happiness Studies có tiêu đề Sách self-help có giúp được gì không? có thể cung cấp cho chúng ta một số góc nhìn sâu sắc hơn về điều này.
Bài báo thừa nhận rằng có rất nhiều hoài nghi xung quanh thể loại này. Tuy nhiên nó cũng vạch ra những tình huống mà sách self-help có thể thực sự phát huy tác dụng! Đây là một vài trường hợp như thế.
Khi cuốn sách phát huy tác dụng
Sách self-help có thể được chia thành hai loại lớn: “Tập trung vào vấn đề” và “Định hướng phát triển”.
Các tác phẩm tập trung vào vấn đề thường đưa ra lời khuyên về cách vượt qua các vấn đề cụ thể đó. Chúng có thể bao gồm mất ngủ, căng thẳng, nghiện ngập, lo lắng và trầm cảm.
Những cuốn sách định hướng phát triển truyền đạt “sự khôn ngoan” về các chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Ví dụ đạt được hạnh phúc, phát triển nghề nghiệp hay xây dựng các mối quan hệ bền vững.
Nghiên cứu cho thấy rằng mọi người được hưởng lợi từ việc đọc những cuốn sách tự lực tập trung vào vấn đề trong khi chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả của những cuốn sách định hướng phát triển.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều sách self-help được xuất bản mỗi năm khi thể loại này tiếp tục phát triển nhờ sự yêu thích của độc giả. Một số trong đó có chất lượng không thật sự cao khi chỉ xào nấu lại những ý tưởng đã có trong văn hóa đại chúng. Hay thậm chí, một số tác phẩm còn đưa ra nhiều lời khuyên gây mâu thuẫn.
Trên thị trường hiện nay, có vô vàn tác phẩm self-help khác nhau về mọi khía cạnh trong cuộc sống. Ảnh: Penguin. |
Vì vậy, một cuốn sách có khả năng mang lại lợi ích cho người đọc phải là những tác phẩm được viết dựa trên các nghiên cứu mới nhất và bởi những cá nhân/tổ chức có đủ uy tín, tiêu chuẩn để đưa ra các nhận định, phát biểu đó.
Nghiên cứu cũng cho biết sách self-help có xu hướng hiệu quả nhất đối với những người có động lực cao, tháo vát và thái độ tích cực đối với mọi thứ, đặc biệt là các phương pháp sống.
Nếu bạn là người có ý chí đủ cao với nguồn động lực to lớn sẵn sàng thay đổi, sách self-help có thể đóng vai trò là nguồn tài nguyên quý giá bằng cách cung cấp một số phương hướng thực hiện.
Làm thế nào bạn có thể được lợi ích từ việc đọc self-help?
Cho dù bạn nhận được lời khuyên như thế nào, đầu tiên hãy xem xét nó trên góc nhìn tổng quát để xem có thực sự phù hợp với bối cảnh và cuộc sống của mình hay không.
Bạn hoàn toàn có quyền không làm theo một số lời khuyên hay điều chỉnh một số khác sao cho chúng trở nên phù hợp nhất đối với bạn (dựa trên thói quen, thái độ sống và môi trường sống).
Tốt hơn hết, chúng ta nên thực hiện các phương pháp học được theo từng bước nhỏ để xây dựng thói quen, thực hành hoặc trải nghiệm chúng sao cho ý nghĩa nhất. Lời khuyên của các tác giả có thể không sai nhưng chúng đúng trong trường hợp của chính người viết, khó có thể áp dụng cho mọi người trên toàn cầu.
Thực tế, cuộc sống luôn tồn tại những điều (mang tính hệ thống hoặc không) cản trở chúng ta và đôi khi những lời khuyên thực sự hữu ích.
Bản thân các cuốn sách cũng vậy. Thể loại self-help có thể giúp đỡ được chúng ta hoặc không, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng người. Điều quan trọng nhất không phải chìa khóa để mở một cách cửa mà là góc nhìn tổng thể để hiểu được nên khám phá ngôi nhà từ hướng nào.
Hơn hết, hãy đảm bảo rằng các cuốn sách mà bạn đang đọc được viết bởi một người hoặc tổ chức có đủ tiêu chuẩn và chất lượng để đưa ra những lời khuyên.
Trong phần cuối bài viết của mình, ký giả Yashvi Peeti nhấn mạnh: Sách self-help không phải thể loại duy nhất giúp bạn trưởng thành và học hỏi. Thơ ca, tiểu thuyết hay sách non-fic hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vai trò này. Hồi ký, tiểu luận cũng có thể đóng góp sự hữu ích của mình trong việc dạy chúng ta nhiều điều về cuộc sống.
Đặc biệt, nếu kỳ vọng thay đổi bản thân của bạn thực sự mãnh liệt, hãy bắt đầu bằng việc chia sẻ với người thân, bạn bè. Mọi sự hỗ trợ đều hữu ích trên con đường dài. Tiếp đó, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những người có chuyên môn trong cuộc sống cũng sẽ giúp các lời khuyên trong sách đạt hiệu quả cao hơn ngoài đời thực.