Thế giới sách vở ngày càng phong phú. Trên trang sách giấy, nhiều hình thức tương tác đã được tạo ra.
Từ những tương tác hoàn toàn trên môi trường vật lý như sách lật mở, sách đục lỗ, sách mô hình, sách chiếu bóng… đến các loại hình kết hợp sách giấy và công nghệ, cả thế giới sáng tạo đang chờ trẻ em khám phá.
Sách pop up mở ra mô hình sống động. Ảnh: Đinh Tị. |
Phát triển dòng sách tương tác
Một cuốn sách thường chứa hai phần nội dung chính là chữ và hình. Nhưng có những cuốn sách được tạo ra mà trẻ em chưa biết chữ vẫn say mê.
Bộ ehon Cùng chơi trốn tìm của Koji Ishikawa là một ví dụ. Bộ sách này dành cho trẻ ở độ tuổi 0-6, gồm 11 cuốn. Mỗi cuốn sách được đục lỗ để 2 trang giấy khi lật mở, ghép với nhau sẽ thành một cảnh hoàn thiện, giúp trẻ nhận diện về đối tượng được mô tả.
11 cuốn sách trong bộ, mỗi cuốn cung cấp một chủ đề khác nhau của đời sống: Động vật, phương tiện giao thông, đồ chơi, trang phục, trái cây, động vật có hoa văn đặc biệt, rau củ, sinh vật biển, các loài chim, côn trùng, giáng sinh.
Nếu như Cùng chơi trốn tìm được Quảng Văn và NXB Phụ nữ Việt Nam mua bản quyền phát hành thì ở một số bộ sách khác, các tác giả trong nước đã sáng tạo sách tương tác của người Việt cho thiếu nhi Việt.
Đinh Tị là đơn vị phát triển dòng sách tương tác trong vài năm gần đây. Đơn vị này thực hiện nhiều loại hình tương tác: Sách chuyển động, sách chiếu bóng, sách âm thanh, sách mùi hương…
Sách chiếu bóng là những cuốn kể lại câu chuyện cổ tích quen thuộc với thiếu nhi như Thánh Gióng, Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Cô bé quàng khăn đỏ… nhưng với hình thức độc đáo. Phần hình ảnh của truyện được in trên chất liệu đặc biệt, khi dùng đèn pin (ánh sáng) rọi qua trang sách sẽ tạo hiệu ứng bóng đổ lên tường, giống như một “rạp phim thu nhỏ”.
Sách âm thanh gắn hệ thống âm thanh nhỏ ở góc trang sách, khi ấn nhẹ vào vị trí đó sẽ phát ra âm thanh phù hợp với nội dung, hình ảnh trong sách. Những âm thanh này có thể giúp trẻ hình dung về các loại nhạc cụ, tiếng kêu của các loài động vật, hay lắng nghe những thanh âm cuộc sống.
Với sách có mùi hương, bí quyết tạo sự bất ngờ là tem mùi hương. Khi chà nhẹ lên những chiếc tem ấy, sẽ tỏa ra mùi của các loại hoa, quả in hình trong sách.
Ở phân khúc cho độc giả lớn tuổi hơn, sách pop up Hà Nội ngàn năm kí ức của NXB Kim Đồng giới thiệu những di sản của thủ đô một cách sống động.
Sách sử dụng mô hình 3D được thực hiện bằng cách kết hợp các kỹ thuật cắt, dán, gấp giấy để tạo nên kết cấu ba chiều, minh họa sinh động cho một phân cảnh.
Khi mở sách, lật những “cửa sổ”, mỗi trang sẽ dựng lên hình 3D giúp người xem dễ dàng hình dung ra hình ảnh di sản của Hà Nội ngoài đời thực.
Hình ảnh từ sách sử dụng công nghệ AR. Ảnh: Toonbook. |
Kết hợp công nghệ để mở ra không gian sinh động từ sách giấy
Trong thời đại công nghệ, sự kết hợp giữa sách giấy và công nghệ số tạo ra những hình thức sách sống động dành cho trẻ em.
Sách 4D Magic Book của Firecoal ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường AR kết hợp với sách in. Mỗi cuốn sách theo một chủ đề khác nhau, đó có thể là thế giới động vật hay không gian vũ trũ... Khi sử dụng như sách in, đó là những ấn phẩm sách nhìn, đọc thông thường.
Nhưng khi kết hợp với một thiết bị di động thông minh (điện thoại, máy tính bảng), tải ứng dụng về, dùng mã kích hoạt và đưa thiết bị thông minh lên trước sách, lập tức những hình ảnh 4D sống động hiện ra.
Bạn đọc nhỏ có thể tương tác với hình ảnh đó theo ý muốn như tô màu cho con vật, cảnh quan, khiến chúng chuyển động, phóng to, thu nhỏ, nghe âm thanh và thậm chí có thể chụp hình với những hình ảnh đó…
Cũng sử dụng công nghệ thực tế ảo AR, các cuốn sách của Toonbook giúp “biến” những câu chuyện trong trang sách trở thành một thước phim hoạt hình sống động. Những câu chuyện như Lâu đài kỳ bí, Nàng Cinderella, Chú mèo đi hia… trở nên trực quan, hấp dẫn khi thực hiện thao tác chạm, lướt trên thiết bị di động và kết hợp cùng sách giấy.
Với các cuốn sách kết hợp công nghệ AR, tác dụng của sách không chỉ là mang lại hình ảnh sinh động. Trong các cuốn sách này thường tích hợp trò chơi, bài học nhẹ nhàng cho thiếu nhi.
Trẻ em sử dụng những cuốn sách 4D không giống việc xem một đoạn hoạt hình hay clip trên mạng. Điểm khác biệt lớn nhất là trẻ em có thể tương tác với những hình ảnh đó, phóng to, thu nhỏ, xoay theo các góc, hướng để khám phá câu chuyện.
Dù ứng dụng công nghệ song đây trước hết vẫn là những cuốn sách nên được thiết kế với tính năng giải trí, giáo dục. Mỗi cuốn sách thường có phần ngôn ngữ (viết và đọc) song ngữ, câu hỏi gợi mở, thu hoạch ở các trang sách kích thích trẻ tư duy...
Trên hết, sách tương tác được tạo ra là để giúp trải nghiệm sách được tốt hơn. Trẻ em luôn tò mò và muốn khám phá sự vật, sự việc. Với sách tương tác, quá trình khám phá đó trở nên sống động hơn. Thay vì đọc, nhìn và tưởng tượng về sự vật, thì nay trẻ em có thể nghe, ngửi mùi, chạm, thấy sự vật hiển hiện trong không gian đa chiều.